Theo CoinTelegraph, các thiết bị điện tử giả mạo có thể gây hại cho người dùng. Một chiếc điện thoại giả là nguyên nhân gây ra cái chết của một người đàn ông ở Malaysia vào năm 2016 sau khi điện thoại của người đó bị nổ trong lúc sạc.
Tương tự, thuốc giả là một vấn đề nhức nhối ở các nước đang phát triển. Vào năm 2012, khoảng 100 người đã chết ở Pakistan sau khi uống phải thuốc tim giả. Năm 2017, Hermes đã đệ đơn kiện một cửa hàng trực tuyến vì bán túi Hermes giả, làm tổn hại đến danh tiếng của thương hiệu cao cấp.
Sản phẩm giả mạo làm sụt giảm uy tín của các doanh nghiệp chân chính. Người tiêu dùng phải nhận thức được vấn đề này và có những nỗ lực thích hợp để tránh mua phải hàng giả.
Tầm quan trọng của tính minh bạch trong chuỗi cung ứng
Tính minh bạch của chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát chất lượng, tăng tính bền vững và tạo niềm tin cho khách hàng. Bên cạnh đó, trong quy trình quản lý rủi ro, tính minh bạch của chuỗi cung ứng cho phép doanh nghiệp phát hiện các mối nguy hiểm có thể xảy ra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ví dụ: các tổ chức có thể xác định các nhà cung cấp trong những lĩnh vực có rủi ro cao hoặc những nhà cung cấp có hồ sơ xấu và thực hiện các bước để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp này.
Ngoài ra, khi đáp ứng đủ các quy trình minh bạch hóa chuỗi cung ứng, các công ty có thể đảm bảo đang tuân thủ các luật hiện hành và tránh gặp rắc rối với luật pháp bằng cách thiết lập một chuỗi cung ứng minh bạch.
Cách công nghệ blockchain giúp phát hiện sản phẩm giả mạo
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 sản phẩm y tế sẽ có một sản phẩm y tế ở các nước đang phát triển là hàng giả, và vấn đề này cũng phổ biến không kém ở các nước phát triển. Bằng cách sử dụng công nghệ blockchain để thiết lập một chuỗi cung ứng an toàn và minh bạch cho các loại thuốc, việc xác định và ngăn chặn việc phân phối thuốc giả sẽ đơn giản hơn.
Mỗi khi một loại thuốc đổi chủ trong chuỗi cung ứng, giao dịch được ghi lại trên blockchain, tạo ra một danh sách giao dịch minh bạch và không thể thay đổi về hành trình của sản phẩm. Hàm băm mật mã được sử dụng để bảo vệ hồ sơ và không ai có thể dễ dàng thay đổi thông tin của hồ sơ.
Hợp đồng thông minh cũng có thể được sử dụng để tự động hóa việc xác minh và xác nhận chuỗi cung ứng, đảm bảo rằng sản phẩm không bị giả mạo. Trong trường hợp phát hiện ra sản phẩm giả, hợp đồng thông minh có thể tự động gửi cảnh báo, cho phép hành động nhanh chóng để ngừng phân phối.
CoinTelegraph chỉ ra một doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực này là công ty Chronicled, Công ty Chronicled đã phát triển MediLedger, một giải pháp blockchain cho lĩnh vực dược phẩm. MediLedger theo dõi dòng thuốc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng bằng công nghệ blockchain, tạo ra một bản ghi minh bạch và bất biến của mỗi giao dịch. Với việc phát hiện thuốc giả và loại trừ chúng khỏi chuỗi cung ứng, hệ thống này giúp bảo vệ sự an toàn của bệnh nhân và hiệu quả của thuốc.
Đối với thuốc, hàng xa xỉ và các sản phẩm có giá trị cao khác, Chronicled sử dụng công nghệ blockchain để cung cấp tính xác thực của sản phẩm và tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Phần mềm của Chronicled cho phép các doanh nghiệp giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, mang lại cho khách hàng sự an tâm về dịch vụ/sản phẩm.
Lợi ích của việc sử dụng blockchain để xác thực sản phẩm
Hiện trên thế giới, Walmart là nhà bán lẻ tạp hóa lớn nhất Hoa Kỳ, với khoảng 20% doanh thu hàng tiêu dùng và tạp phẩm. Walmart đã ứng dụng công nghệ blockchain để theo dõi chuỗi cung ứng thực phẩm ở Mỹ, để biết được nguồn gốc của sản phẩm khi nó di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau.
Theo CoinTelegraph, Everledger cũng là một doanh nghiệp sử dụng blockchain, một doanh nghiệp sử dụng blockchain để cung ứng kim cương và những nguyên vật liệu đắt tiền khác qua danh tính số. Khách hàng có thể sử dụng nền tảng của Everledger để kiểm tra nhận dạng kỹ thuật số của viên kim cương, trong đó bao gồm thông tin chi tiết về nguồn gốc, vết cắt và trọng lượng carat để xác nhận tính hợp pháp của kim cương.
Ông Trần Dinh, Trưởng ban Ứng dụng Fintech - Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ: "Các bản ghi blockchain tạo ra tính minh bạch và bất biến, có nghĩa là một khi dữ liệu được xác thực trên blockchain, nó không thể bị thay đổi hoặc xóa khi không được sự đồng ý của các bên liên quan. Điều này làm cho blockchain trở thành một lựa chọn lý tưởng để theo dõi tính xác thực của sản phẩm và đảm bảo rằng nó không bị giả mạo".
Ông Dinh nhận định, các sản phẩm có thể được theo dõi bằng công nghệ blockchain từ nơi xuất xứ đến điểm tiêu thụ. Tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng có thể xem toàn bộ lịch sử của sản phẩm và xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm. Bằng tính năng tự động hóa quá trình xác thực, công nghệ blockchain làm giảm nhu cầu xác minh thủ công, giải phóng thời gian và tài nguyên. Điều này làm giảm khả năng xảy ra lỗi của con người trong khi tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.
"Khi được cung cấp một cơ chế minh bạch và an toàn để xác nhận tính hợp pháp của sản phẩm, các doanh nghiệp có thể gia tăng niềm tin của khách hàng bằng cách tận dụng công nghệ blockchain để xác thực sản phẩm. Từ đó, tăng doanh số bán hàng và sự gắn kết của khách hàng với doanh nghiệp", ông Dinh chia sẻ thêm.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống