Để tránh bị bỏ lại phía sau, lực lượng lao động hiện đại đang từng bước học cách sử dụng một trong những công cụ hiện đại nhất con người từng sáng tạo ra. Tuy nhiên, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập, làm việc hay trong công việc cá nhân yêu cầu người dùng hiểu và thực hành những quy tắc an toàn dữ liệu.
Dưới đây là một số hướng dẫn cơ bản nhằm bảo vệ chính bạn khỏi những con mắt nhòm ngó ngoài kia trong khi sử dụng các hệ thống AI tạo sinh đang có sẵn trên Internet.
Theo báo cáo soạn thảo bởi của Giáo sư Lance B. Eliot đăng tải trên Forbes, thì rất nhiều các nền tảng AI tạo sinh sẵn có trên Internet học thêm trên chính dữ liệu bạn nhập vào, bất kể đó là một vài từ đơn giản, trích đoạn từ báo chí, mail nháp, luận văn, dữ liệu nghiên cứu hay các bản hợp đồng.
Lọc thông tin từ những dữ liệu kể trên, AI - hay bất cứ ai nắm quyền điều khiển hệ thống trí tuệ nhân tạo - đều có thể biết được rất nhiều điều về người dùng. Vì vậy, người dùng cần cảnh giác trước những công cụ AI tràn lan trên mạng.
Điều đầu tiên phải nhớ: người dùng không bao giờ được nhập thông tin nhạy cảm hoặc thông tin mật vào những công cụ AI có thể được truy cập/sử dụng bởi bất cứ ai.
Có thể liệt kê một số thông tin nhạy cảm không nên để lộ cho những hệ thống AI không an toàn như:
- Họ tên
- Địa chỉ, bất kể địa chỉ nhà riêng hay địa chỉ email
- Số chứng minh thư/căn cước công dân
- Các chi tiết liên quan tới sức khỏe cá nhân, bất kể sức khỏe thể chất hay tinh thần
- Thông tin tài chính
- Thông tin chưa được công bố của doanh nghiệp, công ty, tập đoàn.
- ...
Cần phải nhớ rằng những hệ thống AI miễn phí tràn lan trên mạng sẽ học chính số dữ liệu người dùng nhập vào. Những dữ liệu này sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả đầu ra sau này, thậm chí có thể trực tiếp trở thành kết quả cho các prompt tương lai.
Bên cạnh việc giữ gìn dữ liệu cá nhân, người dùng nên lọc thủ công dữ liệu nhập vào cho AI trước, ví dụ như lược bỏ những thông tin nhạy cảm mà chính bạn không muốn cho người khác biết.
Không chỉ áp dụng nguyên tắc an toàn này cho dữ liệu cá nhân, người dùng cũng nên sử dụng nó với bất cứ thông tin nào khác thuộc quyền sở hữu của mình, như ý tưởng, thuật toán, những đoạn code tối ưu, những nghiên cứu chưa được công bố hay những màn trao đổi thông tin nhạy cảm.
Theo nhận định của phóng viên Meissa Heikkilä, chuyên gia AI của MIT Technology Review, thì việc xóa thông tin khỏi cơ sở dữ liệu của các hệ thống AI là vô cùng khó, gần như bất khả thi. Vậy nên để tránh rủi ro đáng tiếc, người dùng phải luôn cẩn trọng với những dữ liệu nhập vào.
Hiểu được tâm lý người dùng, một số nền tảng cung cấp chức năng tự xóa đoạn hội thoại sau một khoảng thời gian. Hoặc người dùng có thể tự tay xóa số dữ liệu này nhằm đảm bảo những tài liệu nhạy cảm không được lưu đến mãi về sau.
Quả thực AI đang nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình, song hành với tốc độ phát triển của công nghệ, chúng tiến bước rất nhanh về phía trước. Nhưng khi di chuyển với tốc độ quá cao, dáng hình của một vật thể có thể bị lu mờ, méo mó đi đôi chút.
Để tránh bị choáng và ngợp trước AI, người dùng cần cẩn thận trong tương tác với những công cụ AI hiện hành. Bằng cách đó, chúng ta có thể tận dụng được những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại, trong khi đó vẫn nêu cao nguyên tắc bảo mật dữ liệu.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống