Nhân viên bảo hiểm Wedwiwat Srimora từng lái chiếc Toyota 2007 cũ đi khắp Bangkok để gặp gỡ khách hàng. Tuy nhiên, đến năm ngoái, chán ngán với những tập hóa đơn tiền xăng, anh quyết định chuyển sang dùng xe điện. Sau nhiều tháng nghiên cứu, Wedwiwat chọn BYD - một chiếc Atto 3 màu xanh lá cây cỡ trung với phạm vi di chuyển ước tính 410 km. Tesla chưa bao giờ là sự lựa chọn của Wedwiwat bởi giá của chúng đắt gấp đôi thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Chia sẻ với Rest of World, Wedwiwat cho biết anh lái xe mỗi ngày. Chi phí nhiên liệu chỉ bằng ⅓ trước đây. “Tôi thích mọi thứ về chiếc xe mới”, anh nói đồng thời cho biết mình rất thích trò chuyện với những tài xế xe điện khác trong lúc sạc chiếc Atto 3. “Đó là một cảm giác độc đáo, cảm giác thuộc về một cộng đồng sôi động”.
Chỉ bắt đầu sản xuất ô tô vào năm 2003 song trong quý I/2023, BYD đã chiếm 12% tổng doanh số bán xe du lịch tại Trung Quốc và chấm dứt 15 năm thống trị của Volkswagen với tư cách là thương hiệu được ưa chuộng nhất. Nếu tính cả xe plug-in hybrid, BYD là công ty xe điện bán chạy nhất thế giới.
Hiện BYD đang cố gắng mở rộng thị trường ra ngoài đại lục. Kể từ năm 2021, công ty này đã tung ra nhiều mẫu xe tại các quốc gia khác nhau, đầu tư cho nhà máy, cơ sở xử lý lithium và đội tàu chuyên trách vận chuyển. Thái Lan - thị trường lớn nhất dành cho ô tô điện khu vực Đông Nam Á là nơi BYD ghi nhận chiến thắng áp đảo.
Tuy nhiên, ở những khu vực khác, BYD đang phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn khi cạnh tranh với Tesla và các thương hiệu truyền thống như Volkswagen. “BYD có tiềm năng tăng trưởng to lớn ở các thị trường mới nổi, song lại gặp nhiều trở ngại và rào cản ở các thị trường phát triển”, Michael Dunne, người sáng lập công ty tư vấn EV ZoZoGo, nói.
“BYD khó có thể thống trị thị trường toàn cầu như ở quê nhà. Đúng là hãng đang dẫn đầu về công nghệ xe điện song vẫn còn một vài vấn đề”, Zhang Xiang, chuyên gia phân tích ô tô, nói.
Theo các chuyên gia, bí quyết thành công của BYD nằm ở công nghệ pin. Chẳng hạn, Atto 3 được trang bị “pin Blade” - loại pin có cấu trúc cải tiến giúp tăng mật độ năng lượng của công nghệ lithium iron phosphate. Bằng cách này, nó có thể cạnh tranh với các loại pin sử dụng lithium, coban và niken có mật độ năng lượng cao hơn nhưng cũng đắt hơn.
“Lợi thế của BYD rất rõ ràng. Pin hiệu suất cao có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh,” Jeff Cai, cố vấn trưởng của JD Power China, nói khi lấy ví dụ một số nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vượt qua Tesla về công nghệ. “Ngoài ra, BYD còn có nhiều sản phẩm và thiết kế hợp thời trang gây được tiếng vang với khách hàng Trung Quốc”.
Thành công này của BYD gắn liền với nhà sáng lập Wang Chuanfu. Sinh năm 1966 trong một gia đình nghèo ở tỉnh An Huy, Wang tốt nghiệp chuyên ngành luyện kim và làm việc tại viện nghiên cứu nhà nước. Năm 1993, viện cử ông đến Thâm Quyến để quản lý một công ty liên kết sản xuất pin. Hai năm sau, Wang nghỉ việc và thành lập công ty của riêng mình: Biyadi. Cái tên không mấy ý nghĩa cho đến khi ông nghĩ ra slogan ‘Build Your Dream - BYD’.
Wang Chuanfu thành lập BYD vào giữa những năm 90. Thay vì nhập khẩu dây chuyền sản xuất tự động, hãng thuê người chế tạo pin thủ công với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ. Lao động giá rẻ sau đó giúp BYD trở thành một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới cho các thiết bị gia dụng, đồ chơi và điện thoại.
Đầu những năm 2000, ông Wang dần coi xe điện là cơ hội tăng trưởng quan trọng. Chính phủ Trung Quốc khi đó cũng quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển các dòng xe năng lượng mới vì cho rằng việc chuyển hướng khỏi động cơ đốt trong sẽ mang lại cơ hội ngàn năm có một.
Bất chấp sự phản đối của ban lãnh đạo BYD, ông Wang quyết định thâu tóm một nhà sản xuất ô tô trong nước đang gặp khó khăn. Những ngày sau đó, vào tháng 1/2003, cổ phiếu BYD giảm những 25%. Các nhà đầu tư Mỹ vội gọi cho Wang và yêu cầu ông hủy bỏ thương vụ, song vị lãnh đạo này vẫn kiên quyết: “Tôi đã quyết định nửa sau cuộc đời mình sẽ chỉ xoay quanh ô tô”.
Năm 2008, sau khi tung ra một số mẫu xe động cơ đốt trong, BYD ra mắt chiếc xe plug-in hybrid đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt và sử dụng chính pin hãng sản xuất: F3DM. Tham vọng này đã thu hút sự chú ý của Warren Buffett - người sau đó đã mua lại 10% cổ phần của BYD.
Ngoài năng lực về pin, BYD còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ chính phủ Trung Quốc. Hãng bán xe buýt và taxi điện với mong muốn thúc đẩy bền vững. Thành phố Thâm Quyến quê hương của BYD cũng đã mua 200 chiếc xe buýt điện đầu tiên vào năm 2011. Năm 2014, Trung Quốc công bố thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, bao gồm nhiều chính sách trợ cấp và giảm thuế.
“Sự cạnh tranh về chi phí giữa các nhà sản xuất xe điện rất khốc liệt. Nếu không thể giảm chi phí, bạn sẽ không có lợi thế. Khả năng kiểm soát của BYD đối với chuỗi cung ứng của chính họ là vô song”, Yale Zhang, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automotive Foresight ở Thượng Hải, cho biết.
Giờ đây, khi đã trở thành gã thống trị, BYD tìm cách tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài và cải thiện tỷ suất lợi nhuận. Atto 3, ra mắt vào năm 2022, là mẫu xe đầu tiên công ty đặc biệt phát triển nhằm hiện thực hóa tham vọng này và hiện đang được bán ở Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Úc, Brazil và hàng chục quốc gia khác.
Bất chấp hoài nghi, Atto 3 vẫn đạt được thành công về mặt doanh số nhờ giá rẻ, nội thất rộng rãi và cảm giác lái thoải mái. Tại Thái Lan, Singapore, Israel và New Zealand, Atto 3 đang giữ danh hiệu mẫu xe điện bán chạy nhất trong năm.
Togetherkone Saignasith, 51 tuổi, quyết định chuyển từ Peugeot chạy xăng sang Atto 3 để tiết kiệm nhiên liệu. Ngày lái chiếc xe về nhà, hàng xóm anh vội đến xin ‘chiêm ngưỡng’. “Ở Pháp, BYD chưa được biết đến nhiều”, Saignasith nói. “Vậy nên khi tôi lái chiếc xe, nó giống như một phòng trưng bày vậy”.
Maryjane O'Donnell, 36 tuổi, sống ở County Meath của Ireland, tình cờ biết đến BYD khi lướt Google và đã quyết định mua một chiếc Atto 3 vì tin vào thương hiệu xe hơi từng sản xuất cả xe buýt điện. Maryjane O'Donnell cho biết sau khi đem khoe xe, 2 người bạn cô cũng quyết định mua Attos.
Tại Thái Lan, một chiếc Atto 3 có giá gần bằng một nửa so với Tesla Model Y có kích thước tương tự. Chính điều này đã giúp BYD chinh phục được khách hàng sau khi đánh bại được các đối thủ cạnh tranh.
Được biết, mẫu xe Dolphin của BYD với phạm vi hoạt động 410 km hiện đang được bán tại Thái Lan với giá khoảng 20.000 USD. Tại đại lý BYD Metromobile ở Bangkok, dòng xe này đã gây được ấn tượng mạnh với các tài xế trẻ.
Ngồi trên ghế sofa, Chanidapa Moranya, 34 tuổi, đang đợi bạn trai lái thử Dolphin. Cô đã quyết định mua một cái vì khá thích kiểu dáng này. “Đầu tiên tôi lo ngại về phạm vi lái xe, song hiện tại, Thái Lan có rất nhiều trạm sạc”.
Jutipuk Yungnontard, 40 tuổi, cũng đến đại lý cùng mẹ và chồng để đặt mua Atto 3. “Mẹ đi cùng để giúp tôi chọn màu”, cô nói và cho biết mình thường xuyên phải lái hàng trăm km mỗi ngày để giao hàng. Cô hy vọng Atto 3 sẽ cắt giảm ít nhất một nửa chi phí nhiên liệu cho mình. “Thương hiệu Trung Quốc rất giỏi giải quyết các vấn đề xoay quanh giá cả”.
BYD thực sự rất mạnh, theo Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume. Tú Lê, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cũng cho biết: “Hãng đang thiết kế, chế tạo và sản xuất những phương tiện có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô nước ngoài sợ hãi vì không ai có thể bán một chiếc xe điện trị giá 15.000 hoặc 18.000 USD mà vẫn có lãi. Không ai cả, kể cả Tesla”.
Wang không ngại chia sẻ tham vọng yêu nước của mình. Tại một sự kiện hồi tháng 8, ông nghẹn ngào nhớ lại việc công ty đã phải vật lộn như thế nào để tồn tại chỉ vài năm trước đó. Giờ đây, kỷ nguyên xe điện đã đến, các nhà sản xuất ô tô như BYD có cơ hội phá vỡ những trật tự cũ. “May mắn thay, mùa xuân cuối cùng đã đến với chúng ta”.
Theo: Rest of World
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống