Nền tảng cho các công nghệ mới mẻ, hào nhoáng chính là những thứ cơ bản và đơn giản đến mức đôi khi người ta quên mất tầm quan trọng của nó. Ngay cả cuộc cách mạng AI đang diễn ra cũng như vậy.
Báo cáo môi trường 2023 mới được Google công bố cho thấy, lượng nước khủng khiếp mà người khổng lồ công nghệ này tiêu thụ mỗi năm là bao nhiêu – và vấn đề này ngày càng tồi tệ hơn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo đang được hãng đầu tư mạnh mẽ hơn.
Báo cáo của Google cho biết trong năm 2022, các trung tâm dữ liệu và văn phòng làm việc của hãng đã tiêu thụ tổng cộng 21,2 tỷ lít nước (khoảng 19,6 tỷ lít nước trong đó dùng cho các trung tâm dữ liệu). Lượng nước này đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho 1 triệu người dùng trong gần một năm (với mức tiêu thụ khoảng 100 lít nước/một người/mỗi ngày).
Một ví dụ khác cho thấy "cơn khát" của Google hiện nay, trung tâm dữ liệu của công ty tại bang Arizona tiêu thụ gần 4 triệu lít nước mỗi ngày và có thể lên đến gần 16 triệu lít nước mỗi ngày nếu hoạt động hết công suất. Điều tồi tệ hơn cả là lượng nước tiêu thụ khổng lồ này đang làm cạn kiệt nguồn nước ngầm của bang và buộc một số thành phố trong khu vực phải hạn chế xây dựng.
Theo báo cáo của Business Insider, mức tiêu thụ nước này đã tăng 20% so với năm trước đó khi báo cáo của Google cho biết trong năm 2022, họ đã sử dụng khoảng 16,2 tỷ lít nước. Shaolei Ren, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học California Riverside, cho biết, lượng nước tăng thêm này cũng đồng nghĩa với việc Google đang gia tăng sức mạnh điện toán – nhiều khả năng là do các nỗ lực phát triển AI của họ.
Sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm 2022, người khổng lồ công nghệ này đã chịu sức ép buộc phải phát triển và sớm ra mắt một chatbot AI mới cho thị trường. Trước đó vào tháng 8 năm 2022, Google đã giới thiệu mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng hội thoại – hay còn gọi là LaMDA. Sau sự xuất hiện của ChatGPT, Google bắt đầu thử nghiệm LaMDA cho một số ứng dụng giới hạn, để công ty có thể từ từ gỡ bỏ các rào cản trong quá trình thử nghiệm.
Trong khi mang lại các thay đổi cách mạng về khả năng xử lý tác vụ, công nghệ AI cũng có tiếng là tiêu tốn năng lượng và cần một lượng nước khổng lồ để làm mát các trung tâm dữ liệu cũng như máy chủ đóng vai trò như bộ não của chương trình.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California Riverside và Đại học Texas Arlington cho biết, riêng việc huấn luyện ChatGPT-3 đã cần đến hơn 840.000 lít nước – lượng nước đủ đề lấp đầy tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng, trung bình mỗi đoạn hội thoại của ChatGPT tương đương với việc đổ một chai nước ra sàn nhà. Khi LaMDA được sử dụng rộng rãi hơn trong công chúng từ năm 2022, nhiều khả năng Google cũng cần nhiều nước làm mát hơn cho các trung tâm dữ liệu của mình.
Phát ngôn viên của Google cho biết: "Việc gia tăng lượng nước sử dụng là do tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, cũng tương ứng với các hoạt động khác liên quan đến dữ liệu. Chúng tôi đang nghiên cứu để giải quyết tác động của việc tiêu thụ nước thông qua phương pháp làm mát trung tâm dữ liệu thân thiện với môi trường và chiến lược quản lý nước, bao gồm cả mục tiêu bổ sung 120% lượng nước của chúng tôi."
Mặc dù công ty đã tính đến tình trạng khan hiếm nước trong khu vực và hướng đến sử dụng các nguồn nước không uống được bất cứ khi nào có thể, nỗ lực phát triển AI của Google có thể khiến tình hình sử dụng nước ngày càng căng thẳng hơn trong tương lai.
Trong tháng 3 vừa qua, Google đã giới thiệu chatbot AI mới có tên Bard. Để nỗ lực bắt kịp và vượt mặt ChatGPT, CEO Google ông Sundar Pichai yêu cầu nhân viên dành từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày làm việc để tìm ra các nút thắt của AI trong khi công ty tìm cách tinh chỉnh lại các chính sách quyền riêng tư của mình.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống