Cuộc sa thải chấn động đến 30% nhân viên của Lazada: Bị Shopee cho “hít khói”, Lazada học theo "anh cả" trên con đường tìm lợi nhuận?

 
Cuộc sa thải chấn động đến 30% nhân viên của Lazada: Bị Shopee cho “hít khói”, Lazada học theo

Lazada tiếp tục là tâm điểm giai đoạn cuối năm sau thông tin trên Techinasia về việc có thể sa thải đến 30% nhân viên, bao gồm cả quản lý cấp cao. Đợt sa thải ồ ạt của sàn thương mại điện tử (TMĐT) này thậm chí bị tổ chức Công đoàn Singapore lên tiếng.

Lý do của cuộc sa thải: Chiến lược mới?

Theo các chuyên gia, động thái này của Lazada nằm trong chiến lược toàn tập đoàn nhằm hợp nhất các bộ phận sản phẩm, thương hiệu và doanh nghiệp vào trụ sở chính.

Trước đây Lazada theo đuổi mô hình kinh doanh khép kín tại mỗi quốc gia, nhưng nguồn lực không đủ đã hạn chế năng lực cạnh tranh của sàn. Do đó, Lazada đang hướng tới giải quyết vấn đề này bằng cách củng cố nguồn lực tại trụ sở chính để hành động tập thể. Với cuộc cải tổ lần này, Công ty tin rằng sự giám sát trực tiếp tại trụ sở chính sẽ nâng cao hiệu quả và các chiến lược trong tương lai, chẳng hạn như trợ giá và tăng trưởng người dùng.

Năm 2014, Alibaba mua cổ phần của Lazada và liên tục đổ vốn vào đây với tham vọng dẫn đầu cuộc chơi TMĐT. Tính đến tháng 12/2023, Alibaba đã rót tổng cộng 7,47 tỷ USD vào Lazada.

“Mạnh vì gạo bạo vì tiền”, Lazada đã có giai đoạn phát triển thần tốc. Riêng tại Việt Nam, công ty liên tục đầu tư mạnh từ trải nghiệm khách hàng, chất lượng sản phẩm, giao hàng, kho bãi… đến lấn sân cả mảng Logistics. Lazada tự tin là sàn TMĐT tiên phong hoàn thiện chuỗi bán hàng (bao gôm cả Logistics) và năm 2022 theo “tướng” Lazada bấy giờ mới chỉ là năm bắt đầu bùng nổ của sàn, bất chấp kinh tế dự báo khó khăn.

Doanh thu của Lazada tăng trưởng liên tục trong 3 năm từ 2020 - 2022 nhưng 2022 cũng là năm Lazada báo lỗ, trong khi Shopee lãi đột biến đến 3.000 tỷ. Theo giới quan sát, Lazada bị đối thủ Shopee vượt mặt trên đường đua TMĐT và cuộc cải tổ lần này cho thấy Lazada đi theo cách mà Shopee đã thực hiện.

Cuộc sa thải chấn động đến 30% nhân viên của Lazada: Bị Shopee cho “hít khói”, Lazada học theo

Cuộc sa thải chấn động đến 30% nhân viên của Lazada: Bị Shopee cho “hít khói”, Lazada học theo

Shopee và cuộc sa thải rầm rộ để có lãi

Shopee là một nền tảng TMĐT được thành lập bởi tập đoàn SEA vào năm 2015, có trụ sở tại Singapore và hoạt động tại Đông Nam Á và Đài Loan. Shopee không chỉ cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến, mà còn kết nối người mua và người bán, hỗ trợ việc kinh doanh trên nền tảng số. Shopee cung cấp nhiều loại sản phẩm khác nhau, như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại, tivi, xe máy...

Năm 2022, Sea gây chấn động khi cắt giảm hơn 7.000 việc làm, tương đương 10% nhân sự. Công ty này thậm chí còn cắt giảm lương của nhân viên và cắt giảm hơn 700 triệu USD chi phí tiếp thị và bán hàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động. Ngoài ra, công ty mẹ Shopee cũng quyết định đóng cửa các chi nhánh ở Ấn Độ và một số nước châu Âu nhằm cắt giảm chi phí và đạt được dòng tiền dương, giúp công ty có lãi trong quý IV/2022.

Cuộc cắt giảm thậm chí kéo dài sang đầu năm 2023 nhưng công ty đã báo tăng lương thêm 5% kể từ tháng 7/2023.

Tuy nhiên, điều tạo nên lợi nhuận của Shopee không chỉ là cuộc mạnh tay cắt giảm. Không thể phủ nhận những lợi thế cạnh tranh của sàn TMĐT này với những bước đi dẫn đầu thị trường ở các thời điểm quan trọng.

Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao và trong khi các đối thủ xây dựng nền tảng website, Shopee đã tiên phong xây dựng nền tảng di động để thâm nhập thị trường và đã rất thành công. Shopee cũng là nền tảng tiên phong phát triển đa dạng tiện ích phục vụ giải trí trong một ứng dụng mua sắm. Điển hình như các tính năng trò chơi trực tuyến, livestream, chat trực tuyến,… từ đó giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận người bán hơn.

Hơn hết, việc bắt đầu với mô hình C2C làm nền móng đã giúp thương hiệu mở rộng thị phần nhanh chóng. Đây là mô hình cho phép bất cứ ai có nhu cầu mua hoặc bán sản phẩm với số lượng tùy ý. Sau đó, Shopee đã tiếp tục phát triển mô hình B2C liên kết với các doanh nghiệp và cung cấp các sản phẩm chính hãng từ các nhãn hiệu nổi tiếng. Chiến lược này giúp Shopee đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, tạo dựng niềm tin và sự uy tín.

Sự thức thời và tái cấu trúc sớm, tại Việt Nam, kể từ năm 2019 Shopee đã bắt đầu có doanh thu và tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Shopee cũng đang độc chiếm ngôi đầu thị phần doanh thu với 72,7% (tương đương 22,674 nghìn tỷ đồng). Theo sau Shopee là TikTok Shop với 17,2% thị trường và Lazada với 9% thị trường.

Tuy nhiên, khoản lỗ của công ty này cũng tăng theo với con số lỗ nghìn tỷ. Số lỗ lũy kế đến năm 2021 của "ông lớn" thương mại điện tử này đã ở mức gần 7.500 tỷ đồng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống