Mark Zuckerberg phá vỡ niềm tin nhân viên thế nào

 

Zuckerberg có vẻ bồn chồn khi thông báo Meta tiếp tục cắt giảm 10.000 người, tiếp theo đợt sa thải 11.000 người cuối năm ngoái. Trong cuộc họp nội bộ tại trụ sở Meta ở California cuối tháng trước, nhiều nhân viên đặt hàng loạt câu hỏi với CEO Meta, như vì sao họ nên tin tưởng khả năng lãnh đạo của ông. "Đây là câu hỏi hợp lý", Zuckerberg đáp.

Đó như một lời thừa nhận của CEO từng nổi tiếng với câu "tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" khi mô tả cách biến startup nhỏ bé thành biểu tượng thành công trị giá 116 tỷ USD tại Thung lũng Silicon. Zuckerberg dẫn dắt Meta qua nhiều năm biến động, mang đến niềm tin vững chắc cho nhân viên rằng CEO của họ luôn đặt đúng canh bạc cho tương lai, bất chấp những sai lầm nhỏ trên hành trình.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn, việc sa thải khoảng 21.000 nhân viên và các khoản đầu tư tốn kém vào metaverse nhưng chưa thu về giá trị rõ rệt khiến nhiều nhân viên đặt dấu hỏi về ông chủ Meta. Hơn 20 nhân viên và cựu nhân viên Meta cho rằng Zuckerberg đang đưa công ty vào cuộc khủng hoảng tâm lý chưa từng thấy. Một người nói quá trình này giống như chuyển đổi từ "tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ" sang "chậm lại, phá hỏng mọi thứ" và sau đó là "có thể sửa từng việc riêng lẻ".

Nhiều nhân viên Meta đang mất niềm tin vào Zuckerberg. Ảnh: Washington Post

Facebook, sản phẩm cốt lõi của Meta, đang phải cạnh tranh người dùng và thị phần với TikTok. Nguồn tiền quảng cáo bị cắt giảm đáng kể, trong khi Meta bị chậm chân trong lĩnh vực AI tạo sinh vốn đang tạo nên cuộc cách mạng mới trong ngành công nghệ.

Cổ phiếu Meta cuối tháng 4 tăng 13% sau thông tin doanh thu quý lần đầu tăng trong gần một năm. Tuy nhiên, các nguồn tin nội bộ tiết lộ các đợt sa thải, cũng như tuyên bố cắt giảm chi phí trong tương lai của Zuckerberg, đã phá vỡ hoàn toàn quyết tâm của nhân viên.

Ngay cả những người trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Meta cũng chỉ trích Zuckerberg. Công ty từng tuyển dụng 41.000 người trong Covid-19 nhằm tăng cường nhân lực với nguồn tiền dồi dào. Trong cuộc họp tháng 4, Giám đốc công nghệ Andrew Bosworth nói Zuckerberg đã tiến hành nhiều đợt tuyển người bất chấp sự phản đối từ đội ngũ lãnh đạo, cũng như bác bỏ khuyến cáo của họ để sa thải nhân lực.

Zuckerberg mô tả nỗ lực cắt giảm chi phí là "đau đớn nhưng cần thiết", nhằm tăng hiệu quả hoạt động và giúp Meta chuẩn bị đối phó với tăng trưởng doanh thu chững lại do lãi suất tăng cao và bất ổn địa chính trị. Phát ngôn viên Meta Dave Arnold cho biết những điều kiện dẫn tới các đợt sa thải "được thấy rõ và đã lan truyền khắp ngành công nghệ".

Sĩ khí tại Meta đang suy giảm mạnh. Hàng loạt bê bối khiến công ty khó giữ chân và tìm kiếm nhân tài mới. Khảo sát nội bộ hồi tháng 11/2022, trước đợt sa thải đầu tiên, cho thấy chỉ 31% người được hỏi tin các lãnh đạo đang đưa Meta đi đúng hướng, giảm 11 điểm so với tháng 5/2022.

Zuckerberg cam kết công ty sẽ ổn định trở lại sau khi hoàn tất tái cơ cấu, nhưng không rõ liệu CEO Meta có lấy lại được niềm tin của nhân viên sau 7 tháng liên tục cắt giảm nhân lực hay không.

Meta từng tuyển dụng ồ ạt suốt nhiều năm qua, thu hút nhân lực nhờ mức lương cao hàng đầu ngành công nghệ và nhiều ưu đãi. Văn hóa công ty cũng khuyến khích tuyển dụng. Zuckerberg hàng năm đều tham vấn ban lãnh đạo để đặt mục tiêu tuyển nhân viên dựa trên ưu tiên kinh doanh. Các quản lý đầy tham vọng có thể nhanh chóng thăng tiến nhờ đề xuất dự án đòi hỏi thiết lập bộ máy nhân sự mới, hoặc thu nạp cấp dưới của những người sắp rời công ty. Quản lý như vậy được đồng nghiệp gọi là "người xây dựng đế chế".

Đầu 2021, Meta thông báo thương mại điện tử là lĩnh vực quảng cáo lớn nhất của công ty. Họ nhanh chóng thay đổi để tận dụng nhu cầu thị trường. Đội ngũ nhân viên Meta thường tăng ở mức hơn 10% trong nhiều năm, nhưng xu thế này càng tăng tốc trong đại dịch. Số nhân viên Meta tăng gần gấp đôi từ 2019 đến 2022. Hãng tung ra Facebook Shops, Instagram Shops, và Live Shopping. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thương mại điện tử rất mạo hiểm, khi các công ty mua quảng cáo trên mạng xã hội có thể nhanh chóng chuyển hướng khi chúng không mang lại doanh số.

Trong khi đó, Meta tiêu tốn hàng chục tỷ USD cho tham vọng metaverse. Trong đó, bộ phận thực tế ảo Reality Labs tiêu tốn hơn 13,7 tỷ USD năm 2022, 10,2 tỷ năm 2021 và 6,6 tỷ USD năm 2020.

John Carmack, cựu giám đốc công nghệ Oculus và cố vấn cấp cao của bộ phận thực tế ảo tại Meta, nghỉ việc hồi tháng 12/2022 và bày tỏ sự chán nản vì không thể thay đổi tình trạng kém hiệu quả tại đây. "Chúng tôi có lượng lớn người và nguồn lực, nhưng liên tục bắn vào chân mình. Không có cách nào để nói giảm nói tránh, tôi nghĩ tổ chức đang hoạt động ở mức hiệu quả chưa bằng một nửa con số làm tôi hài lòng", ông viết trong thông điệp chia tay.

Sự lạc quan tại Meta bắt đầu phai nhạt từ đầu 2022. Facebook, "con gà đẻ trứng vàng" của công ty, lần đầu tiên ghi nhận mức giảm người dùng hàng ngày trong vòng 10 năm trở thành công ty đại chúng. Cổ phiếu Meta cũng giảm hơn 25% giá trị.

Đến giữa 2022, Zuckerberg và giới lãnh đạo bắt đầu phát tín hiệu rằng các quản lý cần lọc ra những nhân viên có kết quả làm việc kém nhất. Hoạt động tuyển dụng bị đóng băng, khiến đội ngũ quản lý nhân lực mất phương hướng. Những tháng sau đó, công ty thu hồi nhiều thông báo tuyển người và không liên hệ với các ứng viên được đề xuất.

Thông điệp từ Zuckerberg và các lãnh đạo gây mất niềm tin, tạo ra làn sóng lo lắng, bức xúc trong bộ máy nhân lực Facebook. Nhiều người lo ngại mất việc, giảm tiền thưởng và môi trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Zuckerberg là một trong số ít nhà sáng lập tại Thung lũng Silicon vẫn giữ vai trò lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn sau khi mở bán công khai. Ông kiểm soát 61% cổ phần và nắm quyền lực tuyệt đối tại Meta. Những người chỉ trích cho rằng CEO Meta xây dựng bộ máy với cấp dưới đã gắn bó lâu năm với công ty, khiến ông bị hạn chế về góc nhìn quản lý.

Khi đợt sa thải đầu tiên diễn ra hồi tháng 11/2022, quyết định nhân sự nào phải ra đi là do lãnh đạo cấp cao đưa ra, thay vì quản lý cấp dưới. "Tôi đã tính toán sai. Đó là sai lầm lớn", Zuckerberg nói trong cuộc họp toàn công ty, đề cập tới dự báo doanh thu quá lớn so với thực tế. "Từ nay về sau, chúng ta sẽ phải tinh gọn bộ máy và sử dụng tiền đầu tư hiệu quả hơn".

Cũng trong cuộc họp, CEO Meta cũng đưa ra lý do để nhân viên tiếp tục gắn bó với công ty, đó là không doanh nghiệp nào mang đến trải nghiệm mạng xã hội cho hàng tỷ người theo cách của Meta. "Tôi hy vọng tất cả có mặt tại đây vì tin tưởng vào công việc chúng ta đang làm. Đây là nơi rất đặc biệt", ông nói.

Điệp Anh (theo Washington Post)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống