Hiện nay, có 91% lừa đảo liên quan đến tài chính ngân hàng. Trong lĩnh vực ngân hàng, trên 95% số lượng giao dịch được thực hiện qua mạng, chỉ 5% giao dịch tại quầy. Theo đó, tổng giá trị giao dịch là 200 triệu tỷ nếu chia theo ngày làm việc thì khoảng 830.000 tỷ/ngày, tương đương 40 tỷ USD giao dịch trong một ngày. Chính vì vậy, không có một ngành nào có giao dịch lớn như ngân hàng và đây mới chỉ là giao dịch thanh toán.
Thực tế, những đối tượng lừa đảo thường sử dụng nhiều cách để nhắm tới tài khoản ngân hàng của người dùng. Đầu tiên, thủ đoạn lừa đảo thường thao túng tâm lý để tự người dùng chuyển tiền đến các tài khoản lừa đảo.
Cùng với đó, đối tượng lừa đảo thường chiếm dụng máy của người dùng và âm thầm gửi tiền đi. Hoặc các đối tượng lừa đảo sẽ lấy các thông tin người dùng trên thiết bị khác để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trước tình hình như vậy, “hệ thống ngân hàng luôn tìm cách để phòng tránh, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo nhưng không có giải pháp nào là hoàn chỉnh. Chúng ta chỉ có thể hạn chế được nó. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, giải pháp của chúng ta đi theo cuộc sống nên chúng ta chỉ có giải pháp phù hợp thôi!”, ông Dũng nhấn mạnh.
Do tính chất số liệu quan trọng nên ngành ngân hàng coi an ninh bảo mật là điều kiện trọng yếu. Ngành ngân hàng năm nào cũng ra chỉ thị đầu năm, trong đó có chỉ thị về công tác chuyên môn và 1 chỉ thị của Thống đốc NHNN về an ninh an toàn. Việc này vô cùng quan trọng với ngành ngân hàng.
Tại Hội thảo, ông Dũng chia sẻ: “Ngày xưa ăn trộm 1 bao tiền rất khó, còn bây giờ chỉ cần xâm nhập được thì 1 nút enter là chúng ta mất tiền, một hoặc nhiều bao tiền”.
Đặc biệt với khối lượng và quy mô giao dịch lớn, khác so với những ngành kinh tế khác, thì ngành ngân hàng mất dữ liệu, mất thông tin là mất tiền. Nếu để mất thông tin trên mobile thì chúng ta mất tiền ngay lập tức. Do đó, tiền ra cực kì quan trọng với lĩnh vực ngân hàng.
Trong thời gian qua ngành ngân hàng phối hợp rất chặt chẽ với Bộ công an về vấn đề lừa đảo trên không gian mạng. Vào tháng 4/2023, ngân hàng đã ký một kế hoạch với Bộ công an để làm sạch dữ liệu căn cước công dân với 11 đầu việc và 35 công việc chi tiết.
Và gần đây nhất vào ngày 28/2/2024, ngân hàng cũng đã tổ chức Hội nghị an ninh công nghệ thông tin riêng với Bộ công an, do đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang chủ trì cùng Thống đốc NHNN. Những việc này rất quan trọng nên Thống đốc NHNN trực tiếp chủ trì cùng Bộ công an.
Hiện nay, Cục an ninh mạng cùng với các ngân hàng đã bàn các giải pháp liên quan đến phòng chồng lừa đảo trên không gian mạng. Cụ thể, từ ngày 1/7, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch.
Theo đó, khuôn mặt của chủ tài khoản phải được kiểm tra với CCCD gắn chip do Bộ Công an cấp. Thực hiện điều này để kiểm tra khuôn mặt với dữ liệu lưu trên chip CCCD do Bộ Công an cấp và kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp khi giao dịch trên 10 triệu. Giải pháp này khiến người mở tài khoản không thể dùng giấy tờ giả.
Nhưng chúng ta đã biết có một vấn nạn lớn là khi Bộ Công an cấp CCCD gắn chip thì việc dùng giấy tờ giả rất nhiều. Nhưng với công nghệ đưa vào thì hoàn toàn giải quyết được vấn đề này.
Đặc biệt, "Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm sạch dữ liệu người dùng nhằm chống lại lừa đảo trên không gian mạng", ông Dũng nhấn mạnh. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã tập hợp tất cả những tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân đã từng có vấn đề.
"Nếu số căn cước công dân của khách hàng đã rơi vào kho dữ liệu đen thì sẽ yêu cầu tăng cường mức xác thực. Cụ thể, nếu phát sinh giao dịch, sẽ có cảnh báo với ngân hàng để tăng cường xác thực. Theo đó, thay vì giao dịch điện tử thì mời khách hàng ra quầy. Với việc làm sạch dữ liệu được tiến hành như thế này, vấn đề xảy ra với tài khoản ngân hàng sẽ được hạn chế rất nhiều", ông Dũng nói thêm.
Ngoài ra, biện pháp tuyên truyền cảnh báo cũng rất quan trọng. Đối tượng lừa đảo rất tinh vi, từ việc trao thưởng khuyến mãi, giả danh người thân... đến giả danh các cơ quan nhà nước để lừa đảo. Do đó, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường cảnh báo liên tục.
Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng là sự kiện đầu tiên do Hiệp hội an ninh mạng Quốc gia tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ công an. Sự kiện được 2 thành viên của Hiệp hội là Công ty cổ phần công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam NCS Group và Công ty cổ phần VCCorp cùng phối hợp tổ chức thực hiện.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống