‘Thánh’ bán hàng online: Kiếm gần 30 tỷ đồng/năm, làm việc 10 tiếng/tuần, chỉ cần bỏ ra hơn 35 triệu đồng tiền vốn

 
‘Thánh’ bán hàng online: Kiếm gần 30 tỷ đồng/năm, làm việc 10 tiếng/tuần, chỉ cần bỏ ra hơn 35 triệu đồng tiền vốn - Ảnh 1.

Tờ BI mới đây đã đăng tải bài chia sẻ của Ben Alistor, một thanh niên bán hàng thành công trên Amazon. Nội dung như sau:

“Tôi bắt đầu kinh doanh bằng cách bán sản phẩm trên Amazon FBA (Fulfillment by Amazon). Tại đây, Amazon xử lý toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng.

Năm ấy tôi vẫn làm trong lĩnh vực tuyển dụng. Công việc chả thú vị gì nhưng tôi không có nhiều sự lựa chọn vào lúc đó. Tôi mua một căn nhà và nhận ra bản thân cần nhiều tiền hơn để trang trải đủ loại hóa đơn.

Đầu tư tiền số, giao dịch ngoại hối… tôi thử mọi cách để kiếm thêm thu nhập, song kết cục mất khá nhiều. Chính lúc đó, quảng cáo Amazon FBA đã tiếp cận tôi. Ý tưởng kinh doanh riêng nhen nhóm, hơn nữa tôi cũng không phải vay nợ quá nhiều để chi trả tiền thuê mặt bằng.

Thời gian đầu, có rất nhiều thứ phải tìm hiểu. Tôi lựa chọn sản phẩm đầu tiên bằng cách xem đánh giá của khách hàng. Số vốn ban đầu chỉ hơn 1.500 USD (hơn 35 triệu đồng).

Sau khi trò chuyện với một số nhà cung cấp trên Alibaba, một công ty thương mại điện tử của Trung Quốc chuyên cung cấp các sản phẩm bán buôn, tôi quyết định mua 600 chiếc găng tay với giá khoảng 2,81 USD/chiếc. Ban đầu, tôi tự lưu trữ sản phẩm, nhưng sau đó quyết định gửi chúng đến kho Amazon.

Hình ảnh là thứ vô cùng quan trọng. Tôi may mắn khi đối tác của mình là một nhà thiết kế đồ họa. Cô ấy chụp sản phẩm rất chuyên nghiệp.

Trên Amazon FBA, tôi bắt đầu bán những chiếc găng tay đầu tiên với giá 10 USD, sau đó tiếp tục tăng giá xem có ai mua không. Khi giá chạm mốc 14 USD, doanh số bán hàng bắt đầu tụt giảm. 12,72 USD là mức giá cao nhất mà tôi có thể đặt ra.

Ngay trong tháng đầu tiên, khoảng 300 chiếc găng tay đã được bán ra. Nó giúp tôi thu về khoản lợi nhuận khá lắm.

Trong hai năm, chúng tôi dồn hết lợi nhuận mua sản phẩm mới và liên tục thay đổi hình ảnh sao cho hấp dẫn và thu hút. Đồ chơi là một trong số những mặt hàng bán chạy nhất.

Sau khi bị sa thải trong đại dịch, tôi chú tâm hoàn toàn vào công việc kinh doanh trên Amazon. Thời gian dành cho nền tảng tăng từ 20 giờ/tuần lên 50 giờ. Chúng tôi còn phải thuê một người bạn ở Trung Quốc để giúp đàm phán các hợp đồng. Tỷ suất lợi nhuận nằm trong khoảng từ 20% đến 25%.

‘Thánh’ bán hàng online: Kiếm gần 30 tỷ đồng/năm, làm việc 10 tiếng/tuần, chỉ cần bỏ ra hơn 35 triệu đồng tiền vốn - Ảnh 2.

Amazon FBA tạo ra rất nhiều lợi nhuận cho những người bán hàng như Ben Alistor

Năm ngoái, chúng tôi kiếm được khoảng 1,2 triệu USD doanh thu (gần 30 tỷ đồng). Năm nay, con số hiện đang ở mức 802.000 USD.

Bây giờ tôi đang dành ra 10 giờ/tuần cho Amazon và bán 82 sản phẩm khác nhau. Tôi cũng đào tạo thêm người bán hàng mới và quản lý một số trang mạng xã hội. Tổng số giờ làm việc rơi vào khoảng 50 giờ/tuần.

Dĩ nhiên, thành quả hôm nay không đến chỉ sau ngày 1, ngày 2. Nó chỉ có thể trở thành nguồn thu nhập tương đối thụ động nếu bạn chịu bỏ công sức và tâm huyết. Nếu tôi có thể, bạn cũng có thể”.

Ngoài Ben Alistor, Scott Needham và anh trai cũng là những ông chủ ‘mát tay’ trên Amazon. Trang bán hàng của 2 thanh niên này trong khoảng thời gian từ năm 2018-2022 đã mang về doanh số 208 triệu USD với hơn 30 triệu USD lợi nhuận ròng, qua đó đưa trang bán hàng này lọt top 100 nhà bán hàng tốt nhất Amazon tại thị trường Mỹ vào năm 2019.

Chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động kinh doanh thành công trên nền tảng Amazon, Needham khuyên người kinh doanh online nên tận dụng các phần mềm kế toán trực tuyến miễn phí để quản lý chặt dòng tiền, tránh để việc kinh doanh đổ bể thì hối hận đã muộn.

Ngoài ra, các chính sách mới của Amazon cũng cần cập nhật liên tục để tối ưu hóa lợi nhuận.

“Tôi có thể khẳng định rằng cứ mỗi năm là Amazon lại có 2-3 thay đổi quy định đủ lớn đến mức người bán hàng phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình”, anh Needham nói, đồng thời cho biết việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và lòng tin với nhà cung cấp, khách hàng vô cùng quan trọng. Những chiêu trò dơ bẩn sẽ chẳng thể tồn tại được lâu.

Logistic và chuỗi cung ứng cũng được coi là ‘xương sống’ của ngành thương mại điện tử, bởi vậy người bán cần kỹ lưỡng lên kế hoạch tồn trữ hàng hóa và tính toán thời gian vận chuyển. Việc thiếu kỹ năng và mắc sai lầm sẽ khiến họ thiệt hại rất nhiều.

“Trong 3 năm qua, giá vận tải container đã tăng từ 3.000 USD lên 20.000 USD. Việc tính toán ngân sách cho chuỗi cung ứng theo đó đóng vai trò vô cùng quan trọng”, anh Needham nhấn mạnh.

Theo: BI, CNBC

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống