Hãy tưởng tượng bạn nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy rác đang bay trôi nổi bên ngoài. Hình ảnh này có lẽ sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy tức giận. Bây giờ, hãy tưởng tượng hình ảnh đó đến biên giới cuối cùng của hành tinh: không gian. Các mảnh vụn trong không gian, hay còn gọi là "rác vũ trụ", đang là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng và Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa ra những quyết định để giảm thiểu tình trạng này.
Vào ngày 2 tháng 10, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã đưa ra mức phạt mang tính bước ngoặt là 150.000 USD đối với Dish Network - Công ty truyền hình đã thất bại trong việc "xử lý" đúng cách vệ tinh EchoStar-7 của họ, vệ tinh này đã bay lơ lửng trên bầu trời từ năm 2002.
Tại sao lại phạt?
Khi được phóng vào năm 2002, EchoStar-7 đã di chuyển trên quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất khoảng 36.000 km. Sau khi kết thúc thời gian hoạt động vào năm 2012, Dish Network cam kết sẽ di chuyển nó đến "quỹ đạo nghĩa địa" cách xa các vệ tinh khác một cách an toàn. Nhưng họ đã thất bại trong quá trình này theo đúng nghĩa đen. Do mức nhiên liệu thấp, công ty chỉ có thể đẩy nó lên cao hơn quỹ đạo hoạt động 120 km. Theo FCC, điều này "có thể gây ra mối lo ngại về mảnh vụn quỹ đạo".
Rác vũ trụ là một vấn đề lớn
Không gian thực sự là một vùng rộng lớn vô tận, nó quá rộng lớn để có thể bị xáo trộn - nhưng quỹ đạo thấp của Trái Đất lại là một điều hoàn toàn khác. Hãy nghĩ về việc nó giống như một đường cao tốc đông đúc, nhưng thay vì ô tô, con đường này sẽ có vệ tinh, tàu vũ trụ và hàng tấn mảnh vụn bay vùn vụt với tốc độ đáng kinh ngạc - vượt quá 10 km/giây. Tốc độ này nhanh hơn 300 lần so với tốc độ giới hạn trên hầu hết các đường cao tốc ở Mỹ. Chỉ cần một bước đi sai lầm, điều đó có thể dẫn đến một vụ va chạm thảm khốc tiêu tốn một lượng động năng khổng lồ.
Cơ quan Vũ trụ Châu Âu báo cáo có hơn một triệu mảnh vụn, lớn hơn một cm, hiện đang quay quanh Trái Đất. Và đây không phải là những hạt bụi vô hại; chúng có thể "vô hiệu hóa một con tàu vũ trụ" và có thể giết chết phi hành đoàn của tàu vũ trụ đó.
Những mảnh vỡ này có thể đến từ mọi nơi - đôi khi trong những tình huống cực kỳ khó hiểu. Vào năm 2021, Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh tạo ra các mảnh vỡ nguy hiểm, khiến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) gặp nguy hiểm. Tương tự, vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Trung Quốc năm 2007 đã tạo ra 3.549 mảnh vỡ khác trong không gian.
Mới năm ngoái, một vệ tinh của Trung Quốc đã suýt va chạm với các mảnh vụn vũ trụ của Nga, chỉ cách nhau 14,5 mét. Vào năm 2021, một mảnh rác quay quanh quỹ đạo Trái Đấ đã va chạm và đục một lỗ 5 mm trên cánh tay robot của Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Bởi vậy, ra thải vũ trụ có thể gây ra những rủi ro vô cùng lớn.
Hình phạt của FCC đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của cơ quan này nhằm quản lý các mảnh vỡ không gian. Thỏa thuận giải quyết với Dish Network bao gồm việc thừa nhận lỗi sai và thỏa thuận tuân thủ các kế hoạch xử lý rã thải vũ trụ trong tương lai. Đó là một thông điệp nghiêm khắc: chơi theo luật hoặc phải trả giá.
Giám đốc Cục Thực thi FCC Loyaan A. Egal cho biết: “Khi các hoạt động của vệ tinh trở nên phổ biến hơn và nền kinh tế vũ trụ tăng tốc, chúng tôi phải chắc chắn rằng các nhà khai thác phải tuân thủ các cam kết của họ”.
Vậy điều rút ra được là gì? Quyết định mang tính đột phá của FCC thể hiện cam kết ngày càng tăng trong việc quản lý môi trường không gian. Khi sự phụ thuộc của chúng ta vào vệ tinh cho mọi hoạt động từ liên lạc đến điều hướng ngày càng tăng, nhu cầu hành xử có trách nhiệm trong không gian vũ trụ trở nên cấp thiết. Và nếu quỹ đạo thấp trở nên quá lộn xộn, các nhiệm vụ khám phá không gian mới có thể bị trì hoãn hoặc tệ hơn là bị hoãn vô thời hạn. Mọi người có thể không đến được Sao Hỏa hoặc thậm chí Mặt Trăng cho đến khi quỹ đạo được dọn sạch - và hiện tại chúng ta không có bất kỳ công nghệ vệ sinh vũ trụ nào như vậy.
Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel cho biết: “Hiện tại có hàng nghìn tấn mảnh vụn trên quỹ đạo - và nó sẽ ngày càng tăng lên. Chúng ta cần phải giải quyết nó”.
Các quy định mới hiện yêu cầu các nhà khai thác vệ tinh phải loại bỏ vệ tinh của họ trong vòng 5 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều quy tắc hơn nếu muốn bảo vệ các chuyến bay vào vũ trụ cho các thế hệ mai sau.
Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào vệ tinh, từ GPS đến các dịch vụ phát trực tuyến, bạn có thể nói rằng những gì xảy ra trên quỹ đạo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta ở dưới mặt đất.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống