Hồi sinh những dòng sông nước đen

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, việc làm đập tràn trên sông Hồng là để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh. Khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Làm sống lại sông Tô Lịch là ước mơ bấy lâu của người Hà Nội. Đã có nhiều dự án về vấn đề này, nhưng xem ra đến nay câu chuyện vẫn dang dở. Trong đó có thể kể đến dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, được cho là giải pháp quan trọng hồi sinh sông Tô Lịch. Dự án khởi công từ tháng 10/2016, tới nay đã gần 8 năm, tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu USD, nhưng tiếc thay vẫn chưa rõ ngày về đích.

Hồi sinh những dòng sông nước đen- Ảnh 1.

Hà Nội đặt mục tiêu biến Tô Lịch thành dòng sông xanh.

Tại một buổi làm việc cách đây chưa lâu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, môi trường là vấn đề lớn của thành phố. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, Hà Nội phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50 - 55% (hiện xử lý được 28,8%). Riêng với dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, theo ông Dũng, không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải mà còn góp phần rất quan trọng trong việc làm sạch các con sông của Thủ đô, phục vụ cho gần 1 triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì.

Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm hồi sinh sông Tô Lịch, như lấy nước sông Hồng tạo dòng chảy sông Tô Lịch; Dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; Công nghệ tiên tiến phân hủy bùn... Tuy nhiên, mối lo vẫn còn đó khi mà tới nay 2 bên bờ sông Tô Lịch vẫn có gần 300 cống lớn nhỏ, hàng ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ xuống sông.

Nhưng, không chỉ sông Tô Lịch mới nguy cấp, mà các con sông khác trong nội đô (Kim Ngưu, Lừ, Sét) cũng ô nhiễm trầm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng, để hồi sinh các dòng sông “đen”, cùng với việc tách được nước mặt và nước thải để xử lý, thì việc đưa thêm nước vào để từng bước làm sạch nước sông là vấn đề quan trọng.

Nếu chỉ hạn chế nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng vào sông và xử lý “lại” cho sạch thì hoàn toàn chưa đủ, nếu những dòng sông đó không thông thủy với các con sông chính là sông Hồng và sông Đuống.

Làm sạch những dòng sông nội đô, không để người dân chịu cảnh ô nhiễm cũng là làm đẹp cho Thủ đô. Trở lại với dự kiến xây đập dâng để cứu được các dòng sông chết ở nội thành Hà Nội, bên cạnh những ý kiến tán đồng thì cũng có không ít ý kiến phản biện.

Nói như GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì các dòng sông bị ô nhiễm không liên quan gì đến việc xây dựng đập dâng. Bởi vì mục đích của đập dâng chủ yếu là tăng lượng nước về phía thượng lưu của đập, còn ô nhiễm sông thường xảy ra ở phía hạ lưu. Nếu như ngăn ở trên lại, dòng nước xuống dưới ít thì lại càng ô nhiễm cho hạ lưu, chất thải đổ ra không được dòng nước rửa trôi.

Từ đó, GS Hồng cho rằng, nếu cho nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ, sông Đáy nhưng không có giải pháp thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất đổ vào sông thì vấn đề ô nhiễm vẫn không giải quyết được.

Tương tự, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, để có thể hồi sinh các con sông nội đô Hà Nội phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch. Đồng thời cần dựa trên các nguyên tắc tổng hợp và đồng bộ, tức là giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, môi trường nước phải kết hợp với các giải pháp bổ sung nguồn nước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống