Trong vài năm qua, các bậc cha mẹ, nhà nghiên cứu và giới truyền thông đã chú ý hơn đến mối quan hệ giữa việc sử dụng smartphone của thanh thiếu niên và sức khỏe tinh thần của họ.
Các nhà nghiên cứu Jonathan Haidt và Jean Twenge đã chỉ ra nhiều thước đo khác nhau về sự sụt giảm sức khỏe tinh thần của học sinh, bắt đầu vào khoảng năm 2012 trên khắp phương Tây, đúng lúc smartphone và mạng xã hội nổi lên và trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người trẻ. Một số người thậm chí còn cho rằng việc sử dụng smartphone sẽ làm giảm thành tích học tập của học sinh, và một nghiên cứu mới đã cho thấy điều đó.
Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện ba năm một lần ở gần 80 quốc gia, đã kiểm tra học sinh 15 tuổi về khả năng làm toán, đọc và suy luận khoa học. Đây là một trong những thước đo nổi tiếng nhất thế giới về khả năng của học sinh.
Báo cáo PISA mới nhất mang một thông điệp khá đặc biệt. Học sinh Mỹ đạt điểm môn toán thấp hơn bất kỳ năm nào khác trong lịch sử của bài kiểm tra, bắt đầu từ năm 2003.
Đáng chú ý là điểm kiểm tra đã giảm trong nhiều năm — ngay cả trước đại dịch. Theo OECD, điểm khoa học đạt đỉnh vào năm 2009 và điểm đọc đạt đỉnh vào năm 2012. Kể từ đó, các nước phát triển nhìn chung có thành tích trung bình "ngày càng kém". PISA báo cáo: "Không một quốc gia nào cho thấy xu hướng tích cực trong bất kỳ môn học nào", và "nhiều quốc gia cho thấy hiệu suất ngày càng kém trong ít nhất một môn học". Ngay cả ở những quốc gia nổi tiếng có thành tích học tập cao như Phần Lan, Thụy Điển và Hàn Quốc, điểm PISA ở một hoặc một số môn học đã giảm trong một thời gian.
Điểm kiểm tra PISA sụt giảm liên tục kể từ năm 2012
Vậy điều gì đang làm giảm điểm số của học sinh trên toàn thế giới? Báo cáo PISA đưa ra ba lý do để nghi ngờ rằng điện thoại là thủ phạm chính.
Đầu tiên, PISA phát hiện ra rằng những học sinh dành dưới một giờ "giải trí" trên các thiết bị kỹ thuật số mỗi ngày ở trường đạt điểm môn toán cao hơn khoảng 50 điểm so với những học sinh dán mắt vào màn hình hơn 5 giờ mỗi ngày. Khoảng cách này được duy trì ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố kinh tế xã hội. Mức giảm 50 điểm trong điểm môn toán lớn hơn khoảng bốn lần so với mức giảm trong thời kỳ đại dịch tại Mỹ.
Thứ hai, màn hình điện thoại dường như tạo ra sự mất tập trung chung trong toàn trường, ngay cả đối với những học sinh không thường xuyên nhìn vào chúng. Andreas Schleicher, giám đốc cuộc khảo sát PISA, nói rằng những học sinh cho biết cảm thấy bị phân tâm bởi thói quen sử dụng công nghệ số của bạn cùng lớp thì có điểm môn toán thấp hơn.
Cuối cùng, gần một nửa số học sinh tham gia nghiên cứu nói rằng họ cảm thấy "lo lắng" và "bất an" khi không có thiết bị kỹ thuật số ở gần. Sự lo lắng về điện thoại này có mối tương quan tiêu cực đến điểm môn toán.
Tóm lại, những học sinh dành nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào điện thoại sẽ học kém hơn ở trường, khiến những học sinh khác xung quanh mất tập trung và cảm thấy tệ hơn về cuộc sống của mình.
Trí thông minh có thể không hoàn toàn đo được bằng những bài kiểm tra, nhưng cuộc khảo sát mới nhất của PISA không phải là bằng chứng duy nhất cho thấy sự xuất hiện của điện thoại trong trường học là nguyên nhân chính gây mất tập trung.
Các nghiên cứu đã chỉ ra ba điều"
- Học sinh sử dụng điện thoại sẽ ít ghi chú hơn và ghi nhớ ít thông tin hơn từ lớp học.
- Việc chuyển đổi trạng thái tập trung giữa mạng xã hội và bài tập về nhà có mối liên hệ tương quan với điểm trung bình thấp hơn.
- Những học sinh nhắn tin nhiều trong lớp sẽ làm bài kiểm tra kém hơn, ngược lại những học sinh không sử dụng điện thoại di động trong môi trường thử nghiệm sẽ đạt điểm số tốt hơn.
Theo nhận định của nhà tâm lý học Haidt viết trên The Atlantic, chỉ sự hiện diện đơn thuần của smartphone trong tầm nhìn của chúng ta cũng có thể làm chúng ta mất tập trung. Ngay cả chiếc điện thoại đang không sử dụng trong túi hoặc trên bàn cũng chia cắt sự chú ý của chúng ta. Haidt và Twenge đã đề xuất cấm hoàn toàn điện thoại trong trường học.
Trong thập kỷ qua, internet dường như đã thực hiện một cuộc thử nghiệm toàn cầu đối với tâm trí của chúng ta và đặc biệt là đối với tâm trí của những người trẻ tuổi. Thanh thiếu niên rất dễ bị phân tâm và cực kỳ nhạy cảm trước sự phán xét của bạn bè.
Kết quả từ một thập kỷ nghiên cứu quan sát đã nhiều lần cho thấy mối quan hệ tiêu cực giữa việc sử dụng thiết bị như smartphone và sự hài lòng trong cuộc sống, mức độ hạnh phúc, sự chú ý ở trường, khả năng ghi nhớ thông tin, ghi chú trong lớp và thành tích của học sinh, những ai càng phụ thuộc vào thiết bị thì càng gặp những vấn đề trên hơn.
Tham khảo: The Atlantic
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống