Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ

 

Ngoáy mũi, thoạt nghe, chỉ là một hành động vô hại… thậm chí khá thú vị. Khi đưa ngón tay của mình vào mũi, nhiều người mô tả cảm giác đó giống như một người thợ mỏ đang khám phá hang động.

Họ không thể nhìn thấy gì, nhưng vẫn cố gắng lùng sục những ngóc ngách bí ẩn nhất bên trong lỗ mũi. Khi thị giác, thính giác và khứu giác bị tắt, não bộ chỉ còn sử dụng một đầu vào duy nhất là xúc giác để cảm nhận và tưởng tượng.

Cả thế giới trong khoảnh khắc bạn ngoáy mũi sẽ đều đứng yên lại. Khi toàn bộ sự tập trung chỉ dồn vào một đầu ngón tay duy nhất đang tìm kiếm, muôn vạn sự bí ẩn của vũ trụ - cuối cùng cũng chỉ còn lại một thứ đáng để bạn quan tâm: Cục gỉ mũi của mình đang nằm ở đâu?

Và rồi, cái cảm giác hồi hộp khi cậy được cục gỉ mũi ngoan cố ra khỏi mũi cũng giống như người thợ mỏ tìm thấy được kho báu, như một nhà khảo cổ đào được cổ vật, và giống một phi hành gia tìm thấy hành tinh có sự sống.

Nhìn thấy cục gỉ mũi cũng như nhìn thấy vàng trong rương. Hãy thử thú thật với bản thân mình đi: Có phải rương kho báu chứa càng nhiều vàng thì bạn sẽ càng sướng, giống như ngoáy được cục gỉ mũi càng to thì bạn càng thấy thỏa mãn?

Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các cuộc khảo sát khắp thế giới cho thấy cứ 10 người được hỏi thì 9 người thừa nhận họ có ngoáy mũi. Có 5/10 người nói rằng họ sẵn sàng ngoáy mũi ở nơi công cộng, thậm chí khi bị người khác nhìn thấy, bởi suy cho cùng, chẳng ai có thể cưỡng lại sự sung sướng ấy lại.

Thế nhưng, một nghiên cứu mới trên tạp chí Biomolecules bây giờ đưa ra một cảnh báo: Ngoáy mũi không phải hành vi vô hại như chúng ta thường nghĩ. Nó có thể là một rối loạn tâm thần. Ngoáy mũi quá nhiều có thể gây rách lớp mô lót bên trong mũi, mở đường cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, gây viêm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí Alzheimer.

Mối liên hệ giữa thói quen ngoáy mũi và bệnh Alzheimer

Chúng ta biết rằng Alzheimer là một bệnh lý thần kinh rất phổ biến, đặc trưng bởi triệu chứng mất trí nhớ. Ban đầu, người bệnh chỉ đơn thuần cảm thấy trí nhớ của mình đang giảm sút, họ hay quên vặt, đặc biệt là các thông tin hoặc sự kiện mới gần nhất.

Nhiều người nghĩ rằng đó đơn giản là chứng đãng trí, khi bị quên lịch hẹn, không nhớ được mình cần mua gì khi đi siêu thị hoặc không nhớ mình đã để chìa khóa ở đâu… Thế nhưng, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, người mắc Alzheimer có thể bắt đầu quên cả đường về nhà, quên dần khuôn mặt của người thân và quên chính bản thân họ là ai.

Giai đoạn cuối cùng của bệnh Alzheimer cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Người bệnh khi đó sẽ quên cả cách sử dụng đồ vật, từ bát đũa để ăn uống, quên cả cách mặc quần áo và thậm chí quên không biết đi vệ sinh ra sao. Họ không thể nói chuyện hoặc giao tiếp vì thực tế, não bộ họ đã quên cả mất chữ viết, ngôn ngữ và giọng nói.

Trung bình, người mắc Alzheimer chỉ có thể sống thêm 8-10 năm sau khi nhận chẩn đoán. Cuộc sống của họ từng bước phải phụ thuộc dần vào người chăm sóc. Khi không có người chăm sóc, bệnh nhân Alzheimer sẽ không thể tự sống.

Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ- Ảnh 2.

Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ- Ảnh 3.

Các cuộc mổ tử thi và khám nghiệm não bộ người Alzheimer cho thấy căn bệnh xuất phát từ việc tích tụ những mảng bám gọi là "peptide amyloid-beta (Aβ)" trong não, dẫn tới rối loạn chức năng và suy giảm trí nhớ.

Hiệp hội Alzheimer quốc tế cho biết cứ 3 giây trôi qua, thế giới sẽ có một người âm thầm phát triển bệnh Alzheimer. Bởi tính chất phổ biến của nó, các nhà khoa học từ lâu đã muốn điều tra nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Các cuộc mổ tử thi và khám nghiệm não bộ người Alzheimer cho thấy căn bệnh xuất phát từ việc tích tụ những mảng bám gọi là "peptide amyloid-beta (Aβ)" trong não, dẫn tới rối loạn chức năng và suy giảm trí nhớ.

Và một trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng tích tụ mảng bám chính là việc não bộ bị viêm khi nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Các vi sinh vật này có thể xâm nhập vào não từ chính ngón tay của bạn, thông qua thói quen ngoáy mũi.

"Những nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng viêm thần kinh cũng có thể đóng vai trò – ít nhất là một phần – vào quá trình sinh bệnh học của Alzheimer", các nhà khoa học đến từ Đại học Western Sydney ở Australia viết trên tạp chí Biomolecules.

"Trong bài báo đánh giá này, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng tình trạng viêm thần kinh ở bệnh nhân Alzheimer có thể xuất phát một phần từ những mầm bệnh như virus, vi khuẩn và nấm xâm nhập vào não bộ họ thông qua mũi và hệ thống khứu giác… 

Chúng tôi thảo luận về các cơ chế tiềm ẩn mà mầm bệnh có thể khai thác để gây viêm thần kinh, một trong số đó là qua niêm mạc khứu giác vô tình tiếp xúc với bàn tay dính đất và phân khi ai đó ngoáy mũi".

Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ- Ảnh 4.

Ngoáy mũi có thể làm rách lớp niêm mạc lót trong mũi, từ đó gây bệnh.

Có một "con đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng từ mũi lên não bộ

Theo nghiên cứu, ngoáy mũi là một hành vi vô thức. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng có thể bị coi là một rối loạn tâm thần. Các nhà khoa học có một thuật ngữ riêng dành cho hành vi rối loạn này, họ gọi nó là "rhinotillexomania" và nó có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến não bộ.

Đầu tiên, ngoáy mũi đồng nghĩa với việc đưa bất cứ thứ gì trên đầu ngón tay của bạn (bao gồm đất cát, bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm, thậm chí phân người) tới gần hơn với não bộ của bạn.

Thông thường, khoang mũi của bạn sẽ được lót một lớp biểu mô giống như da để phân cách đường thở với hệ thống tuần hoàn. Hệ thống tuần hoàn lại có hàng rào máu não, một cơ chế bảo vệ của não bộ chỉ cho một số phân tử nhất định đi qua và chặn các vi sinh vật, phân tử ngoại lai, bao gồm cả thuốc đi qua.

Ngoáy mũi có thể làm tổn thương lớp niêm mạc lót trong mũi, từ đó vi khuẩn có thể chui qua để đi vào máu. Nhưng vào được đến máu, chúng sẽ bị chặn lại bởi hàng rào máu não. Điều nguy hiểm hơn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập được vào các dây thần kinh khứu giác dẫn thẳng từ mũi lên não bộ.

Các dây thần kinh này không bị chặn bởi hàng rào máu não, vì vậy, chúng được ví như những con đường cao tốc dẫn thẳng từ mũi lên vùng não khứu giác, tới hệ thần kinh trung ương. Nếu vi khuẩn nhiễm được vào đây, chúng có thể chui thẳng lên não bộ và bắt đầu gây hại.

Ngoáy mũi mở "đường cao tốc" cho vi khuẩn chạy thẳng lên não bộ, có thể khiến bạn bị mất trí nhớ- Ảnh 5.

Có một "con đường cao tốc" cho phép vi khuẩn xâm nhập não bộ từ mũi bạn và gây bệnh Alzheimer.

Trong một thử nghiệm trên chuột được thực hiện vào năm 2022, các nhà khoa học Australia đã thử nhỏ một chủng vi khuẩn có tên là Chlamydia pneumoniae vào mũi chuột.

Chlamydia pneumoniae bình thường là một loại vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở người. Nó thường được tìm thấy trong đường hô hấp trên, bao gồm mũi và cổ họng. Trong một số khám nghiệm tử thi bệnh nhân Alzheimer, các bác sĩ cũng tìm thấy vi khuẩn Chlamydia pneumoniae trong não họ.

Đối với những con chuột trong thí nghiệm, sau 28 ngày bị nhỏ vi khuẩn vào mũi, chúng đã phát triển các triệu chứng như bệnh nhân Alzheimer. Các nhà khoa học sau đó an tử chúng và mổ não chuột để thấy đã có sự tích tụ của amyloid-beta (Aβ) trong não bộ, xung quanh khu vực xử lý khứu giác bị vi khuẩn Chlamydia pneumoniae xâm nhập.

"Chúng tôi là những người đầu tiên chứng minh vi khuẩn Chlamydia pneumoniae có thể đi thẳng lên mũi và đi vào não, nơi nó có thể gây ra tình trạng bệnh lý giống như Alzheimer", giáo sư James St John, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Thần kinh và Tế bào gốc Clem Jones cho biết.

Thử nghiệm trên người là cần thiết để xác nhận xem vi khuẩn có sử dụng cùng một con đường để xâm nhập từ mũi lên não bộ hay không. Thế nhưng, hiện đã có một số bằng chứng ủng hộ giả thuyết đó, bao gồm việc xét nghiệm khứu giác có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer.

Tại sao bạn không nên ngoáy mũi?

Dựa trên những phát hiện mới này, giáo sư James gợi ý những người trên 60 tuổi nên thực hiện bài kiểm tra khứu giác thường xuyên để phát hiện sớm bệnh Alzheimer. Đối với những người trẻ tuổi, lời khuyên dành cho họ là nên hạn chế ngoáy mũi lại.

"Không ai trong số chúng ta muốn làm tổn thương lớp niêm mạc lót trong mũi của mình. Nếu bạn làm tổn thương chúng, bạn cũng sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn có thể xâm nhập thẳng vào não bộ", giáo sư James nói.

Để hạn chế việc ngoáy mũi, có một số mẹo nhỏ mà bạn có thể áp dụng:

1. Giữ cho mũi của bạn sạch sẽ và thông thoáng bằng cách sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi hàng ngày. 

2. Sử dụng khăn giấy khi cần chạm vào mũi và vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. 

3. Cố gắng xác định những lúc bạn thường ngoáy mũi và tìm cách thay thế thói quen đó bằng một hành động khác, ví dụ như chơi đồ chơi fidget hoặc bóp bóng stress. 

4. Nếu nguyên nhân do khô mũi, bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hoặc xịt mũi để giữ cho niêm mạc mũi luôn ẩm. 

5. Trong trường hợp ngoáy mũi do dị ứng hoặc viêm mũi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách điều trị phù hợp.

Nguồn: Sciencealert, Racgp, Griffith

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống