Những lợi ích không ngờ của việc trả thù

 

Bạn có tin không, báo thù có lợi ích riêng đấy - ngay cả ý tưởng tìm cách báo thù cũng mang đến cho chúng ta niềm vui. Tại sao lại như vậy?

Câu chuyện về sự trả thù luôn đi kèm với niềm vui và nỗi buồn. Hãy lấy ví dụ sự bao vây thành Troy, như được mô tả trong sử thi Iliad của Homer. Khi Paris chiếm được tình cảm của Helen, chồng cô, vua Menelaus, không thể chịu đựng được sự bất công và tìm cách tấn công người đã quyến rũ vợ mình. Ông đưa toàn bộ quân đội tới thành Troy, tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài giết chết hàng nghìn người.

Lòng thù hận, ý chí báo thù xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Khi người bạn thân nhất và em họ Patroklus bị giết, Achilles cũng đã tìm cách trả thù một cách điên cuồng và đẫm máu.

Ý muốn trả thù là một phần của hành vi con người từ khi chúng ta tồn tại trên trái đất này. Văn học đã sử dụng nó trong suốt lịch sử, từ những bi kịch Hy Lạp như bộ ba tác phẩm Oresteia của Aeschylus - trong đó Orestes muốn giết người mẹ của mình để trả thù cho người cha - đến tác phẩm Hamlet của Shakespeare.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã tưởng tượng trả thù những người có hành động sai trái đối với chúng ta, thậm chí là chửi rủa họ một cách thậm tệ. Lúc đó, chúng ta chắc chắn cảm thấy rất nhẹ nhàng. Nhưng điều gì thúc đẩy chúng ta tìm cách trả thù? Các nhà nghiên cứu đang dần tìm ra câu trả lời, và họ thấy rằng việc trả thù có những lợi ích không ngờ.

Trả thù là một yếu tố châm ngòi cảm xúc mạnh mẽ buộc con người phải hành động. "Đây là trải nghiệm có tính lan rộng trong cuộc sống con người, chúng ta đều hiểu cảm giác giận dữ và muốn làm tổn thương những ai đã làm hại chúng ta", chuyên gia tâm lý học tiến hóa Michael McCullough, Đại học Miami cho biết.

Những lợi ích không ngờ của việc trả thù

Trả thù sẽ dẫn đến tội ác – nghiên cứu cho biết có tới 20% vụ giết người và 60% vụ bắn súng trong trường học là có liên quan đến việc trả thù. Và trả thù cũng định hình chính trị. Ví dụ, chiến thắng trong cuộc đua tổng thống của Donald Trump là do "ý muốn trả thù của tầng lớp lao động da trắng... những người cảm thấy bị bỏ rơi bởi nền kinh tế đang toàn cầu hoá nhanh chóng", theo một bài viết trên tờ Washington Post. Cảm giác tương tự cũng tồn tại trong nhiều tầng lớp khác.

Mặc dù chủ đề về bản tính gây hấn của con người đã được nghiên cứu kỹ lưỡng – với các yếu tố châm ngòi bao gồm rượu, việc bị sỉ nhục và tính cách tự yêu bản thân – trả thù ít được biết đến hơn. Không dễ để gỡ rối hành vi bạo lực, làm cho nó trở thành chủ đề khó nghiên cứu. David Chester của Đại học Commonwealth Virginia đã nghiên cứu bản tính gây hấn của con người nhưng nhanh chóng nhận ra rằng có rất nhiều thứ diễn ra trước khi có một hành động bạo lực. Ông đề cập những cảm xúc liên quan là "trung gian tâm lý" - những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện sau khi có hành động khiêu khích và trước khi có một kết cục bạo lực. "Tôi rất tò mò, do đâu mà bạn coi một cái gì đó là một sự xúc phạm và từ đó làm thế nào bạn có một phản ứng tấn công?". Ông tin rằng, câu trả lời nằm trong mong muốn trả thù. "Vì vậy, khi cố gắng để hiểu được bản tính gây hấn, tôi bắt đầu nghiên cứu về việc trả thù".

Ông đặt mục tiêu khám phá nhiều hơn về những gì gây ra ý muốn trả thù. Ban đầu, ông cùng với đồng nghiệp Nathan DeWall thuộc Đại học Kentucky phát hiện ra rằng khi một người bị xúc phạm hoặc bị xã hội từ chối, họ cảm thấy đau đớn về tinh thần. Khu vực trong não liên quan đến nỗi đau hoạt động tích cực nhất ở những người tham gia có phản ứng bạo lực sau khi bị từ chối. Chester cho biết: "Ý muốn trả thù khai thác xu hướng tiến hóa cổ xưa để phản ứng lại các mối đe dọa và tổn thương bằng hành động trả thù bạo lực".

Trong nghiên cứu tiếp theo, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng nỗi đau tinh thần đi kèm với niềm vui. Tức là, trong khi sự từ chối ban đầu gây ra đau đớn, nó nhanh chóng được che giấu bởi niềm vui khi thấy có cơ hội trả thù - nó thậm chí kích hoạt mạch tưởng thưởng của não, gọi là vùng nhân vòng. Chester thấy rằng những người bị kích động có hành vi bạo lực vì nó có thể được "thưởng một cách vui vẻ". Trả thù có vẻ như rất ngọt ngào.

Những lợi ích không ngờ của việc trả thù

Mối liên hệ giữa bạo lực và niềm vui không phải là mới. "Cha đẻ của tâm lý học" Sigmund Freud đã nhận thức rõ rằng con người có thể thấy rất phấn khích khi hành động hung hăng, nhưng ý tưởng trả thù mang đến niềm vui với hình thức đặc biệt chỉ trở nên rõ ràng hơn gần đây.

Để hiểu thêm về điều này, Chester và DeWall đã tiến hành một loạt các thí nghiệm, xuất bản trên tạp chí Nhân học và Tâm lý Xã hội vào tháng 3 năm 2017, trong đó những người tham gia cảm thấy bị từ chối vì bị cho ra rìa một cách có chủ ý khỏi trò chơi ném bóng. Tất cả người tham gia sau đó được phép cắm ghim vào một con búp bê. Những người bị từ chối đâm con búp bê của họ với nhiều ghim hơn. Thử nghiệm từ chối này lần đầu tiên được thực hiện trực tuyến và sau đó nhân rộng với những người tham gia khác trong phòng thí nghiệm. Trong phiên bản phòng thí nghiệm, thay vì một con búp bê, những người tham gia đã "trả thù" bằng cách tạo ra tiếng động ồn ào, khó chịu, kéo dài đến đối thủ của họ (là máy tính, không phải người thật mà những người tham gia không hay biết). Một lần nữa, những người bị từ chối nhiều nhất tạo ra tiếng ồn lâu hơn.

Cuối cùng, để hiểu được vai trò của cảm xúc trong ham muốn trả thù, Chester và DeWall đã cho những người tham gia những gì họ tin là một loại thuốc kích thích tâm trạng (thật ra chỉ là một viên vitamin vô hại). Tuy nhiên, hiệu quả của giả dược mạnh đến nỗi những người tham gia uống "thuốc" không bận tâm đến việc trả thù những người đã từ chối họ - trong khi những người không dùng giả dược hành động hung hăng hơn nhiều. Nhóm dùng giả dược dường như không tìm cách trả thù vì họ tin rằng họ sẽ không cảm thấy vui khi làm như vậy.

Gộp các kết quả này lại với nhau nhóm nghiên cứu đi đến một kết luận khá ngạc nhiên. Trả thù không chỉ mang đến niềm vui cho con người mà cả những người có ý muốn trả thù. Chester cho biết: "Đó là về kinh nghiệm điều chỉnh cảm xúc". Và nó hoạt động. Sau khi có cơ hội trả thù, những người bị từ chối có cùng số điểm trong bài bài kiểm tra tâm trạng giống như những người không bị từ chối.

Tuy nhiên, phát hiện này không nên được tin tưởng 100%. Hiện tại không có bất kì nghiên cứu dài hạn về việc người trả thù cảm thấy như thế nào vài ngày hoặc vài tuần sau khi hành động. Chester cho biết, các kết quả sơ bộ - chưa được công bố - cho thấy những người tìm cách trả thù chỉ có được cảm giác vui vẻ tạm thời. Ông giải thích: "Giống như rất nhiều thứ khác, chúng ta cảm thấy rất tốt vào ngay lúc đó. Điều đó bắt đầu một chu kỳ và bắt đầu giống như một cơn nghiện... sau đó bạn cảm thấy tồi tệ hơn lúc đầu".

Và điều đó có thể giúp giải thích tại sao những người tìm kiếm trả thù cao độ không lường trước được những hậu quả cá nhân thảm khốc. Ví dụ, cầu thủ bóng đá Zinedine Zidane sẽ mãi được nhớ đến vì đã húc đầu cầu thủ Marco Matterazzi ở World Cup 2006. Tương tự, Tổng thống Richard Nixon nổi tiếng với danh sách kẻ thù của mình, mục tiêu là để "tiêu diệt kẻ thù chính trị". Một số thủ đoạn bẩn thỉu của ông đã dẫn đến việc ông phải từ chức.

Những lợi ích không ngờ của việc trả thù

Câu hỏi đặt ra là, tại sao hành vi có vẻ như mang tính phá hoại này vẫn tiếp tục tồn tại trong quá trình tiến hóa của chúng ta nếu nó có thể gây ra cho chúng ta nhiều rắc rối như vậy?

Câu trả lời là trả thù phục vụ một mục đích rất hữu ích, chứ không phải là một sai sót trong tiến hóa. Michael McCullough giải thích như sau: mặc dù mọi người có thể nói rằng tìm cách trả thù "thực sự không tốt cho bạn" - ví dụ như nó có thể hủy hoại các mối quan hệ của bạn - thực tế là sự tồn tại của nó là một điều rất tốt. Nó hoạt động như chướng ngại vật, từ đó tạo ra những lợi thế rõ ràng cho sự tồn tại của chúng ta. Hãy xem xét văn hóa băng đảng hoặc nhà tù, nếu bạn gây sự không đúng người, các cuộc tấn công trả thù là một kết cục chắc chắn. Chester nói: "Nếu bạn có tiếng là một người sẽ tìm cách trả thù, thì sẽ không ai gây sự với bạn hoặc tìm cách lợi dụng bạn". Leonardo DiCaprio đã giành giải Oscar cho vai diễn trong phim "Người về từ cõi chết", mong muốn trả thù của ông mạnh mẽ đến mức giúp ông sống sót. Dù cơ thể bị thương nặng, ông đã tự kéo mình qua địa thế của kẻ thù để trả thù kẻ đã giết con trai mình.

Thậm chí sự đe doạ trả thù cũng có thể ngăn cản một cuộc tấn công, McCullough cho biết. "Cá nhân phản ứng với nguy hại đó sẽ làm tốt hơn cá nhân bị hại và để cho kẻ xấu làm theo cách của mình". Giống như cơn đói, ông coi nó là một sự thúc giục nguyên thủy cần phải được giải quyết. Chỉ khi đó người trả thù mới có thể bước tiếp "vì mục tiêu đã được hoàn thành", tương tự cách mà chúng ta ngừng cảm thấy đói sau khi chúng ta đã thỏa mãn cơn thèm ăn của mình.

Vì vậy, nếu mục đích chính của trả thù là để ngăn chặn tác hại, thì đó là một điều thực sự rất tốt. Theo McCullough, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên khuyến khích mọi người thỏa mãn mình bằng cách trả thù. Ông nói: "Chúng ta có thể đánh giá cao mục đích của việc trả thù, hiểu rằng nó không phải là sản phẩm của những tâm trí bị tổn thương, và cũng giúp mọi người cắt giảm mong muốn trả thù của họ".

Chúng ta cũng phần nào được an ủi khi biết rằng không phải ai cũng hành động theo mong muốn tìm cách trả thù. Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy đàn ông có nhiều niềm vui hơn từ ý tưởng trả thù. Những người tham gia là nam giới cho thấy có nhiều hoạt động hơn trong mạch tưởng thưởng của não so với phụ nữ khi họ nhìn thấy đối thủ gian lận bị điện giật. Trong một nghiên cứu năm 2008, Ozlem Ayduk của Đại học California, Berkeley và các đồng nghiệp nhận thấy rằng những người có các kiểu tính cách cụ thể có nhiều khả năng hành động bạo lực hơn sau khi bị từ chối. Cô phát hiện ra rằng một số cá nhân có mức độ "nhạy cảm với sự chối từ" cao hơn - những người này có nhiều khả năng kỳ vọng bị từ chối dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ.

Những người này cũng cho thấy dễ bị chứng loạn thần kinh hơn, có nhiều lo âu và trầm cảm hơn. Ayduk nói: "Họ có khuynh hướng nhìn thấy sự từ chối ngay cả khi nó không tồn tại. Từ chối là một mối đe dọa hiện hữu, do đó kỳ vọng [bị từ chối] luôn chuẩn bị sẵn sàng - cả tinh thần lẫn sinh lý – cho người đó để tự bảo vệ mình. Vì vậy, thái độ hung hăng trả thù của những cá nhân này là phản ứng "tức thời" với cảm giác bị từ chối.

Những lợi ích không ngờ của việc trả thù

Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai có "lược sử nhạy cảm với sự từ chối" đều có xu hướng bạo lực. Một số người giải quyết cảm giác bị từ chối theo những cách khác, chẳng hạn như tự hành hạ bản thân. Ayduk cho biết: "Bằng cách nào đó điều này làm cho mọi người cảm thấy họ đang kiểm soát một cái gì đó. Bạo lực chỉ là một trong những phản ứng".

Tương tự, những người dễ có xu hướng trả thù có thể tìm ra cách để vượt qua những cơn giận của mình, tương tự cách mà một người nghiện học cách kiểm soát cơn nghiện của mình bằng các chiến lược tâm lý khác nhau. Khi Chester và DeWall nhìn vào não của một cá nhân trong một nghiên cứu về sự trả thù, họ nhận thấy rằng những người có khả năng kiềm chế hành động có hoạt động của não ở vỏ não trước trán, một khu vực quan trọng trong lý luận và ức chế những hành động bốc đồng. "Vì vậy, chúng ta không chịu thua các động lực trả thù. Chúng ta đã phát triển vỏ não trước trán rất tinh vi để có thể ức chế hành vi bốc đồng và hướng dẫn nó đưa ra những kết quả thân hữu hơn. Vẫn có hy vọng dù chúng ta đang nhận thức được nó hay không".

Vì vậy, lần tới khi bạn âm mưu trả thù ai đó đã có hành vi không đúng với bạn, biết rằng ý muốn trả thù có thể mang đến cảm giác vui vẻ vào ngay lúc đó, nhưng đừng mong đợi những "lợi ích" ẩn khuất này kéo dài. Thay vào đó, hãy hiểu rằng cảm giác này tồn tại vì một lý do rất tốt và nó có thể đã bảo vệ tổ tiên cổ xưa của bạn để không bị người khác lợi dụng.

Hồng Ngân

Theo BBC

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống