Những vị trí dễ bị ung thư tấn công, mọi người cần biết để phòng ngừa

 

Những vị trí dễ bị ung thư mọi người nên biết để phòng ngừa

Tế bào ung thư tấn công các mô cơ thể - Ảnh minh họa.

Hơn 100 loại ung thư khác nhau

ThS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.

Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua các hạch bạch huyết. Một số loại ung thư gây ra sự phát triển tế bào nhanh chóng, trong khi những loại khác làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ chậm hơn.

Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh. Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra, các ung thư có thể phát triển từ máu, như là các bệnh máu ác tính.

Có thể phòng tránh ung thư được không?

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên nhân cụ thể gây ung thư chưa thể biết hết nhưng bao gồm nhiều yếu tố đan chéo nhau. Ung thư không phải do một yếu tố mà là đa nguyên nhân. 

Cách tốt nhất là nên nhận biết và đề phòng nó, nhất là ở các vị trí nó thường tấn công:

- Gan:  Thống kê gần nhất Việt Nam ghi nhận có 26.218 ca mắc ung thư gan mới/năm, chiếm tỉ lệ 14,5%, dẫn đầu các bệnh ung thư phổ biến. Yếu tố nguy cơ hàng đầu là những người mắc viêm gan virus B, C, gan nhiễm mỡ, xơ gan; chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, nhiễm độc nấm aflatoxin…

Do đó, nên chủng ngừa viêm gan B, C, hạn chế uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động, không sử dụng các loại thực phẩm khô bị nấm mốc, thực phẩm ngâm muối… để loại trừ nguy cơ.

- Phổi: Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở cả thế giới và Việt Nam. Việt Nam ghi nhận 26.262 người mắc, hơn 23.000 người tử vong/năm.

Việc hút thuốc lá dài hạn có thể khiến tích tụ các chất độc hại là nguyên nhân đầu tiên. Khói bụi, ô nhiễm môi trường hay các hóa chất độc hại cũng tác động xấu đến phổi gây ung thư. Do đó mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng khi tiếp xúc và làm việc trong những môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Dạ dày: Ung thư dạ dày đang ngày càng gia tăng với hơn 15.000 ca/năm. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), tuổi cao, ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thực phẩm hun khói, đồ ăn cay, đồ nướng, ít chất xơ, ít vận động… 

Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày và người mang nhóm máu A sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Vú: Tại Việt Nam, ung thư vú đứng thứ nhất ở nữ với 21.555 người, chiếm tỉ lệ 25,8%. Nam giới cũng bị loại ung thư này.

Bệnh do nhiều yếu tố, trong đó khoảng 5-7% là do di truyền, hơn 90% là do các yếu tố môi trường và lối sống sinh hoạt. Các yếu tố nguy cơ gồm tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu, béo phì, thừa cân, ít vận động hoặc tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường sống. 

Xu hướng kết hôn muộn, sinh con sau tuổi 35, ít đẻ con, ít cho con bú cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

- Đại trực tràng: Ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp, liên quan trực tiếp đến lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: thừa cân béo phì, ít vận động, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau củ xanh và trái cây, ăn thức ăn nhanh, hút thuốc lá, uống rượu bia...

Ngoài ra, ung thư đại trực tràng còn liên quan đến yếu tố di truyền với hai hội chứng điển hình là đa polyp đại trực tràng gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (hội chứng Lynch).

- Thực quản: Ung thư thực quản đứng thứ ba trong số các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa, mỗi năm Việt Nam có 2.411 ca mắc mới và 2.222 ca tử vong, tỉ lệ mắc là 8,7 trên 100.000 người.

Có nhiều yếu tố nguy cơ như thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia là nguyên nhân hàng đầu, chế độ ăn uống nhiều chất đạm, béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Tuyến tiền liệt: Ung thư tuyến tiền liệt nguy hiểm thứ 5. Bệnh tiến triển chậm nhưng liên tục với các mức độ khác nhau. Nam giới từ 40 tuổi trở đi cần quan tâm và thăm khám sức khỏe nam khoa định kỳ, thực hiện xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) kết hợp với siêu âm nội trực tràng và sinh thiết chẩn đoán.

- Cổ tử cung: Tại Việt Nam, số bệnh nhân mắc mới ung thư cổ tử cung hơn 4.100 ca và hơn 2.200 ca tử vong/năm. Ung thư cổ tử cung diễn biến âm thầm và kéo dài suốt 5-20 năm. Nhiều trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn, phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, mất đi khả năng làm mẹ. Nguyên nhân hàng đầu gây căn bệnh này là do virus HPV.

- Buồng trứng: Việt Nam có khoảng 1.404 ca mắc mới ung thư buồng trứng và 923 ca tử vong/năm. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm phụ nữ đã mãn kinh hoặc ít sinh đẻ, kinh nguyệt không đều, sử dụng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh, người bị ung thư vú, người có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng...

- Tuyến tụy: Đây là bệnh có tiên lượng rất xấu, tỉ lệ sống sau hai năm chỉ khoảng 9,3%. Nguyên nhân là do tụy ở vị trí rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng bệnh không rõ ràng dễ nhầm lẫn nên thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, can thiệp điều trị chậm trễ gây nhiều khó khăn.

- Thận: Ung thư thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, phổ biến hơn ở nam giới, nhiều nhất là trên 75 tuổi. Nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, bệnh nhân sẽ có tiên lượng sống tốt, chất lượng sống được cải thiện nhiều.

Tuyến giáp: Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Nữ giới sẽ trải qua nhiều biến động trong thời kỳ hành kinh, thai kỳ, mãn kinh, căng thẳng... ảnh hưởng đến quá trình điều hòa hormone tuyến giáp, tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Người bệnh cần lưu ý khi có triệu chứng ho dai dẳng, khàn giọng, nuốt khó hoặc có khối u.

- Hạch: Ung thư hạch bạch huyết là bệnh lý ác tính của hệ thống lưới lympho bao gồm u lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Triệu chứng phổ biến là nổi hạch không đau ở cổ, nách, bẹn; đôi khi có sốt, đổ mồ hôi về đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học và chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ. Tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, can thiệp điều trị hiệu quả khi ung thư mới khởi phát, giảm gánh nặng chi phí và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Đặc biệt, sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Hiện nay nhờ các phương pháp phát hiện và điều trị tiên tiến, tỉ lệ điều trị khỏi bệnh ung thư rất cao, chẳng hạn ung thư vú từ tỉ lệ khỏi từ 20 - 30% đã tăng lên 70%.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống