Phát hiện bánh mì 8.600 tuổi cổ xưa nhất thế giới

 

Chiếc bánh mì ở Çatalhöyük thuộc loại cổ xưa nhất từng được khai quật trên thế giới, được người cổ đại làm ra khoảng năm 6600 trước Công nguyên, tức nay nó đã 8.400 tuổi.

Çatalhöyük là di chỉ thời đại đồ đá mới ở phía Đông Nam TP Konya - Thổ Nhĩ Kỳ, là một khu định cư được lập nên từ khoảng năm 7500 trước Công nguyên.

Phát hiện bánh mì 8.600 tuổi cổ xưa nhất thế giới- Ảnh 1.

Khu định cư Çatalhöyük - Thổ Nhĩ Kỳ vào thời hoàng kim - Ảnh đồ họa: Dan Lewandowski

Đến năm 6700-6500 trước Công Nguyên, khu định cư phát triển đến đỉnh cao trước khi dân số sụt giảm nhanh chóng những thế kỷ sau đó. Cuối cùng, cả khu vực bị bỏ hoang kể từ khoảng năm 5950 trước Công nguyên.

Khu định cư được người hiện đại phát hiện vào đầu những năm 1960 bởi một nhà khảo cổ học người Anh, sau đó thu hút các nhà khảo cổ học từ khắp thế giới suốt nhiều thập kỷ qua nhờ quy mô lớn và tình trạng bảo quản đặc biệt tốt của nó.

Cư dân ở khu định cư cổ đại này là một trong những nhóm nông dân đầu tiên trên thế giới trồng lúa mì và lúa mạch. Ngoài ra, họ còn chăn cừu và dê.

Phát hiện mới về chiếc bánh mì cổ đại được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Necmettin Erbankan (Thổ Nhĩ Kỳ), ở khu vực được đặt tên là Mekan 66 của Çatalhöyük.

Xung quanh một chiếc lò nướng, họ tìm thấy lúa mì, lúa mạch, hạt đậu cũng như khối "cặn hữu cơ dạng xốp".

Phát hiện bánh mì 8.600 tuổi cổ xưa nhất thế giới- Ảnh 2.

Chiếc bánh mì cổ xưa nhất thế giới vừa được khai quật - Ảnh: Đại học Necmettin Erbakan

Quá trình phân tích cho thấy khối đó chính là phần còn lại của một chiếc bánh mì đã lên men nhưng chưa được nướng.

Trước đó, một số bằng chứng về bánh mì được lên men như cách người hiện đại làm đã được tìm thấy trong các di tích Ai Cập cổ đại. Tuy vậy, bánh mì ở Çatalhöyük cổ xưa hơn nhiều.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống