Thời tiết năm 2023 phá vỡ nhiều quy luật

 

Không có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào đất liền

Đến thời điểm này đã có thể khẳng định, năm 2023 là một năm không có một cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta. Tính từ năm 1945 đến nay, năm nay trở thành năm thứ 3 trong lịch sử hiện đại không có bão đổ bộ vào Việt Nam.

Theo dõi lại bản đồ đường đi của bão và áp thấp nhiệt đới năm nay cũng có thể thấy, bão số 1 -Talim cũng chỉ ảnh hưởng đến miền Bắc sau khi đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Ngoài ra, trong tháng 9 chỉ có một áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền Trung Bộ nhưng đây không phải là bão.

Ngay cả trên biển Đông, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trong năm nay cũng ít hơn khoảng 5 cơn so với trung bình mọi năm, chỉ có 5 cơn bão và 2 cơn áp thấp nhiệt đới.

Mưa lũ, sạt lở đất lịch sử

Mặc dù không có cơn bão nào ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta nhưng năm nay vẫn ghi nhận nhiều điểm mưa lớn bất thường cục bộ gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng từ vùng núi xuống đồng bằng, ven biển.

Tháng 6 và tháng 7, thành phố Đà Lạt ghi nhận tổng lượng mưa cao gấp đôi so với trung bình nhiều năm, nhiều khu phố bị ngập sâu, đất đá mất độ liên kết, sạt lở đất đã liên tiếp xảy ra. Trong đó phải kể đến vụ sạt lở tại Phường 10, thành phố Đà Lạt khiến 7 người thương vong.

Mưa lớn kéo dài tại khu vực đèo Bảo Lộc đoạn qua huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đã gây sạt lở nghiêm trọng khiến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị người thiệt mạng vì bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp.

Thời tiết năm 2023 phá vỡ nhiều quy luật- Ảnh 1.

Tại thị xã Sa Pa, Lào Cai, mưa hơn 150mm/ngày đã gây ra trận lũ ống, sạt lở bất ngờ, 9 người bị thiệt mạng. Toàn bộ trại nuôi cá hồi tại thôn Nậm Than, xã Liên Minh bị tàn phá hoàn toàn.

Tại Thủ đô Hà Nội, cuối tháng 9, mưa ngập dị thường. Tại Trạm Hoài Đức, lượng mưa đo được trong 1 ngày lên tới 245mm, hơn cả gấp đôi kỷ lục cũ cách đây 5 năm. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu gần nửa mét, giao thông hỗn loạn, ùn tắc.

TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận nhiều trận mưa to gây ngập nặng trong mùa mưa vừa qua. Các khu vực rốn ngập cũng như những tuyến đường không thường xuyên ngập đều mênh mông trong biển nước.

Thời tiết năm 2023 phá vỡ nhiều quy luật- Ảnh 2.

Ở miền Trung, Nghệ An một trong những nơi có mưa lũ lịch sử vào cuối tháng 9 vừa qua. Nhiều tài sản, hoa màu và 40 điểm trường bị nhấn chìm và cuốn trôi. Ghi nhận tại Quỳ Châu, chỉ trong 1 ngày mà mưa tới gần 300mm, vượt xa kỷ lục cũ cách đây 14 năm.

Thành phố Đà Nẵng cuối tháng 10 mưa liên tục nhiều ngày, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập sâu. Nhiều hộ dân phải di dời ngay trong đêm.

Cũng trong đợt mưa này, 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền của Thừa Thiên - Huế ghi nhận lượng mưa hơn 1.000 mm. Nước lũ dâng cao, người dân phải sử dụng ghe để đi lại, hơn 7.000 hộ dân huyện Phong Điền mất điện.

Nắng nóng kỷ lục đầu hè 2023

Không chỉ có mùa mưa bão bất thường, người dân miền Bắc và miền Trung cũng đã trải qua một mùa hè nắng nóng khốc liệt, ghi nhận rất nhiều giá trị nhiệt độ cao kỷ lục.

Mới đầu hè (7/5), tại Tương Dương của Nghệ An đã đo được nhiệt độ lên tới 44,2 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất ở nước ta trong lịch sử quan trắc khí tượng. Tương Dương trở thành nơi nóng nhất, xô đổ kỷ lục cũ từng thiết lập tại Hương Khê của Hà Tĩnh vào năm 2019.

Sau đó, lại đến lượt người dân ở Hà Nội trải qua ngày nóng nhất trong tháng 5 với nhiệt độ kỷ lục ghi nhận là 41,3 độ C, phá vỡ mốc lịch sử cũ vào năm 2020.

Đến đầu tháng 6, nhiệt độ tại Mường La của Sơn La cũng liên tiếp phá vỡ kỉ lục, lên tới 43,8 độ C. Đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay tại đây.

Thời tiết năm 2023 phá vỡ nhiều quy luật- Ảnh 3.

Tháng 7 cũng trở thành một trong 2 tháng nóng nhất từ trước đến nay ở nước ta, với nhiệt độ trung bình toàn quốc tương đương với giá trị lịch sử 28,5 độ C của tháng 7/2020.

Đến hiện tại, mặc dù miền Bắc và miền Trung đã bước vào giữa mùa Đông, nhưng chúng ta cũng mới chỉ trải qua một đợt rét đậm, rét hại diện rộng. Còn lại đa phần là những ngày ấm áp.

Thậm chí tháng 11 vừa qua, 18 địa phương từ Bắc vào Nam đã ghi nhận mức nhiệt cao kỉ lục. Riêng Hòn Dấu, Hải Phòng và Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiệt độ đã phá vỡ mức nhiệt lịch sử cách đây gần 40 năm. Mức nhiệt cao nhất cả nước ghi nhận được trong tháng 11 tại huyện Sông Mã của Sơn La, lên tới 36 độ C.

Chú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thườngChú trọng dinh dưỡng để phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường

VTV.vn - Thời tiết thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh sâu kéo dài, từ nắng chuyển sang mưa sẽ dễ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ hệ tiêu hóa và hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống