Trong bài đăng trên blog hôm 5.9, Sundar Pichai cho biết AI “sẽ là sự thay đổi công nghệ lớn nhất mà chúng ta thấy trong đời. Đó là sự thay đổi có thể lớn hơn cả internet”.
Hồi tháng 2, Bill Gates cho rằng ChatGPT, chatbot AI đình đám của OpenAI, cũng quan trọng như việc phát minh ra internet. Nhà đồng sáng lập Microsoft chia sẻ điều này với nhật báo kinh doanh Handelsblatt (Đức) trong một cuộc phỏng vấn.
Google đã đóng vai trò trung tâm trong cách thức hoạt động của web kể từ khi những người đồng sáng lập công ty là Larry Page và Sergey Brin bắt đầu tổ chức thông tin trên toàn cầu theo cách có trình tự giúp mọi người có thể truy cập chúng từ bất cứ đâu.
Tuy nhiên, sự nổi lên của AI kể từ khi OpenAI trình làng ChatGPT vào tháng 11.2022 đã khiến các công ty internet như Google phải vật lộn để thích nghi vì công nghệ này đưa ra một cách tìm kiếm thông tin hoàn toàn mới, cùng với các chức năng khác.
Google có lịch sử lâu dài trong lĩnh vực AI, đặc biệt là sau khi mua lại công ty AI DeepMind có trụ sở tại London (thủ đô Anh) với giá hơn 500 triệu USD vào năm 2014. Thế nhưng, mối đe dọa trực tiếp do chatbot AI trả lời câu hỏi cho người dùng internet gây ra khiến Google lao đao vào đầu năm nay.
Google đã rất ngạc nhiên trước tác động của AI đến mức Sundar Pichai đã ban hành mã đỏ sau khi ChatGPT ra mắt. Trong khi Sergey Brin được cho thường xuyên đến văn phòng Google nhiều hơn trong năm nay để làm việc trực tiếp trong các dự án AI.
Trong bài đăng trên blog hôm 5.9, Sundar Pichai cho biết AI đại diện cho “sự làm mới cơ bản của công nghệ và là công cụ đáng kinh ngạc về sự khéo léo của con người”.
Google đã giới thiệu chatbot AI mang tên Bard vào tháng 2 và tung ra trong tháng 3, đang chuẩn bị phát hành mô hình AI có tên Gemini dự kiến sẽ cạnh tranh với GPT của OpenAI.
Sundar Pichai viết: “Làm cho AI trở nên hữu ích hơn cho mọi người và triển khai nó một cách có trách nhiệm, là cách quan trọng nhất mà chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh của mình trong 10 năm tới và hơn thế nữa”.
Cuối tháng 5, Sundar Pichai cho biết Google vẫn cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm trong bối cảnh lo ngại về vấn đề an toàn tăng lên do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này.
Trong bài viết trên tờ Financial Times, Sundar Pichai cho biết ông rất lạc quan về tương lai của AI khi gọi đó là "công nghệ sâu sắc nhất mà nhân loại đang phát triển hiện nay", nhưng lưu ý rằng một số công ty đang tranh đua để trở thành những người tiên phong ở lĩnh vực này, đồng nghĩa vấn đề an toàn có thể bị bỏ qua.
Sundar Pichai nêu trong bài viết: "Dù một số người đã cố gắng coi khoảnh khắc này chỉ là cuộc đua AI, chúng tôi nhìn nhận nó với nhiều ý nghĩa hơn thế. Tại Google, chúng tôi đã đưa AI vào các sản phẩm, dịch vụ của mình trong hơn một thập kỷ và cung cấp chúng cho người dùng. Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cuộc đua để xây dựng AI có trách nhiệm và đảm bảo rằng với tư cách là một xã hội, chúng ta thực hiện đúng điều đó".
Tỷ phú người Ấn Độ 50 tuổi nhấn mạnh việc triển khai AI vào các sản phẩm Google như Gmail, Google Maps và Google Search đã mang lại lợi ích cho người dùng, đưa ra ví dụ về cách tài xế trên khắp châu Âu có thể tìm thấy các tuyến đường tiết kiệm nhiên liệu hơn bằng công nghệ của hãng.
Ông cũng đề cập đến các nguyên tắc AI của Google được xuất bản vào năm 2018, nói rằng công ty tin tưởng vào việc phát triển công nghệ một cách "có trách nhiệm", đồng thời "tránh ứng dụng có hại".
Sundar Pichai nói thêm rằng: "AI quá quan trọng để không điều chỉnh và quá quan trọng để không điều chỉnh hợp lý".
Giám đốc điều hành của Alphabet (công ty mẹ Google) trước đó đã đến Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề an toàn AI với Phó tổng thống Mỹ - Kamala Haris cùng các công ty AI hàng đầu như Microsoft, OpenAI và Anthropic.
Lo lắng về những tác động tiêu cực có thể có của AI càng được khuếch đại khi Elon Musk cùng hơn 1.800 nhà lãnh đạo công nghệ quyền lực và chuyên gia AI ký vào bức thư ngỏ, kêu gọi tạm dừng phát triển hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI vì những nguy cơ tiềm tàng với nhân loại.
Google bị chỉ trích vì sự phát triển nhanh chóng của AI. Timnit Gebru, nhà khoa học máy tính về AI, tuyên bố cô bị sa thải vào năm 2020 sau khi chỉ ra những thành kiến trong các công cụ AI.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, Timnit Gebru nói các công ty như Google đang bị cuốn vào cơn sốt AI, điều đó có nghĩa là họ sẽ không "tự điều chỉnh" trừ khi chịu áp lực.
Timnit Gebru kể rằng từng là đồng lãnh đạo nhóm AI có đạo đức của Google trước khi xung đột với công ty khiến cô bị sa thải vào năm 2020.
Từng làm việc tại Apple và Microsoft, người phụ nữ 40 tuổi giải thích rằng sự cường điệu xung quanh AI đồng nghĩa các biện pháp bảo vệ đang bị gạt sang một bên. "Trừ khi có áp lực bên ngoài phải làm điều gì đó khác biệt, các công ty sẽ không tự điều chỉnh. Chúng ta cần quy định và cần một cái gì đó tốt hơn là chỉ vì động cơ lợi nhuận", Timnit Gebru nói.
Timnit Gebru rời Google ngay sau khi cô là đồng tác giả một bài viết nghiên cứu với các đồng nghiệp chỉ ra những thành kiến có sẵn trong các công cụ AI.
Theo báo cáo của trang Insider thời điểm đó, ban quản lý cấp cao tại Google đã phản đối bài viết và yêu cầu Timnit Gebru rút bài hoặc loại bỏ tên cô cùng các đồng nghiệp khỏi đó. Timnit Gebru kể rằng cô từ chối rút bài viết và chỉ sẵn lòng loại bỏ tên các tác giả nếu Google trình bày rõ ràng những phê phán của mình với nội dung.
Timnit Gebru nói cô bị sa thải sau đó, nhưng Google tuyên bố rằng cô đã từ chức, theo The Guardian.
"Chúng tôi tin rằng phương pháp tiếp cận của mình với AI phải vừa mạnh mẽ vừa có trách nhiệm. Điều đó đồng nghĩa phát triển AI một cách tối đa hóa những lợi ích tích cực cho xã hội trong khi đối phó với những thách thức, dựa trên các Nguyên tắc AI của chúng tôi", Google cho biết trong một tuyên bố với Insider.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống