Theo kênh truyền hình RT, các nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Leeds và Đại học Edinburg (Anh) đã tái tạo một cách tỉ mỉ bề mặt lưỡi của con người - cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người nếm thức ăn, nói, nuốt và hấp thụ chất dinh dưỡng.
Theo tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Efren Andablo-Reyes tại Đại học Leeds, trên bề mặt lưỡi có hàng trăm cấu trúc giống như chồi non nhú lên tạo cho lưỡi một kết cấu thô ráp đặc trưng. Sự thô ráp này khiến lưỡi của chúng ta có cảm giác như giấy nhám khi miệng khô, trái ngược hẳn với tính chất mềm mại của mô lưỡi.
Để tạo lưỡi 3D, nhóm nghiên cứu đã lấy khuôn silicone bề mặt lưỡi của 15 người trưởng thành. Sau khi dùng công nghệ quang học 3D quét qua bề mặt lưỡi mẫu, các nhà khoa học có thể lập bản đồ kích thước nhú, mật độ và độ thô trung bình của lưỡi từ các chỉ số. Nhóm nghiên cứu sử dụng mô phỏng máy tính và mô hình toán học để tạo ra một bề mặt lưỡi nhân tạo.
Các nhà khoa học khẳng định lưỡi nhân tạo 3D mô phỏng sinh học chính xác cấu trúc liên kết, độ đàn hồi và “khả năng thấm ướt” như lưỡi người.
'Bề mặt lưỡi mô phỏng sinh học này có thể đóng vai trò như một công cụ cơ học độc đáo giúp phát hiện hóa chất độc trong thực phẩm và đồ uống, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhóm nghiên cứu kết luận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống