Dân công nghệ muốn sống lâu hơn đang dùng liệu pháp peptide gây xôn xao

 

Một trong những xu hướng kéo dài tuổi thọ gây xôn xao giới công nghệ hiện nay là phương pháp điều trị bằng peptide, bao gồm thuốc viên, thuốc tiêm và kem bôi có thể nâng cao hiệu suất làm việc, cải thiện độ đàn hồi của da, tăng ham muốn tình dục và thậm chí chống lại bệnh tật.

Tiến sĩ Andrew Huberman, nhà khoa học thần kinh nổi tiếng của Thung lũng Silicon, cho biết các peptide, về cơ bản là các chuỗi axit amin ngắn, thuộc “một loại đặc biệt nằm giữa thuốc bổ sung và thuốc kê đơn”.

Andrew Huberman lưu ý rằng một số phương pháp điều trị bằng peptide phổ biến nhất cho sức khỏe và thể lực hiện nay ở nam giới lẫn phụ nữ là những phương pháp giải phóng hormone tăng trưởng của con người như Sermorelin, Tesamorelin và Ipamorelin. Ông nói: “Hãy dùng chúng trước khi ngủ, khi bạn chưa ăn trong vài giờ và chúng sẽ kích thích giải phóng lượng lớn hormone tăng trưởng, có thể giúp bạn phục hồi nhanh hơn và cải thiện quá trình giảm mỡ cũng như phục hồi cơ bắp”.

Tại NextGen Health, phòng khám chăm sóc tái tạo sức khỏe ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ), các phương pháp điều trị bằng peptide phổ biến nhất gồm CJC 1295 / Ipamorelin, hỗn hợp các peptide kích thích sản xuất hormone tăng trưởng và GHK-Cu, một peptide chống lão hóa để cải thiện làn da.

Lorraine McCarthy, quản lý của NexGen Health, cho biết: “Tôi chỉ nghĩ nhiều người thực sự hào hứng với chúng”, đồng thời nói thêm rằng đây là một phương pháp điều trị hợp lý với kết quả tốt.

Lorraine McCarthy nói bệnh nhân đến phòng khám để xét nghiệm máu và định lượng, sau đó được hướng dẫn cách tiêm thuốc tại nhà. Bà nói thêm, họ thường được cung cấp thuốc điều trị tự chọn trong một tháng, với giá khoảng 420 USD/tháng. Giá của các mũi tiêm peptide thường rơi vào khoảng từ vài trăm USD đến gần 1.000 USD.

dan-cong-nghe-muon-song-lau-dang-dung-phuong-phap-dieu-tri-bang-peptide.jpg
Các liệu pháp peptide đã phát triển kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và sự gia tăng của các loại thuốc giảm cân - Ảnh: Internet

Cuối năm nay, Jeff Tang, cựu học viên của công ty tăng tốc khởi nghiệp công nghệ Y Combinator, đang lên kế hoạch bay đến Blue Phoenix, công ty chăm sóc sức khỏe cung cấp các phương pháp điều trị bằng peptide ở thành phố Medellìn (Colombia), theo trang Insider.

Jeff Tang từng thâm nhập vào nền văn hóa những người thử nghiệm sinh học của Thung lũng Silicon thông qua những nỗ lực như T-Party (công ty khởi nghiệp tăng cường testosterone) và dịch vụ giao đồ ăn Blueprint Service. Anh nói với Insider rằng đang có kế hoạch tiêm Ipamorelin, BPC-157, một loại peptide để sửa chữa mô, và có thể là NAD+, giúp tăng cường sức khỏe tế bào và chức năng não.

Người phát ngôn Blue Phoenix nói với Insider rằng giá cả, tùy thuộc vào liều lượng, thường rơi vào khoảng từ 250 đến 500 USD cho các phương pháp điều trị này.

Christian Angermayer, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực tuổi thọ, trước đây nói với Insider: “Thật vậy, những người thử nghiệm sinh học rất hào hứng với điều đó bởi trên thực tế, bạn có thể khiến cơ thể mình làm một số việc nhất định”.

Theo trang Semafor, các peptide (từ lâu được các vận động viên ưa chuộng để xây dựng và phục hồi cơ bắp) đã phát triển kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 và sự gia tăng của các loại thuốc giảm cân như Wegovy, Mounjaro, Ozempic. Theo báo cáo của Precedence Research, đến năm 2032, thị trường trị liệu toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 77 tỉ USD.

Theo trang Wall Street Journal, trong khi bệnh nhân đang tìm kiếm liệu pháp peptide tại các phòng khám chăm sóc sức khỏe như NexGen Health, trung tâm y tế toàn diện và văn phòng bác sĩ, một số người thậm chí còn trực tiếp đến các nhà cung cấp nguyên liệu chỉ nhằm mục đích nghiên cứu. Nhu cầu cao về peptide đã thúc đẩy thị trường chợ đen dành riêng cho chúng.

Song cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nào, điều quan trọng là phải đảm bảo bạn ngủ đủ giấc, dinh dưỡng, tập thể dục và giao tiếp xã hội để tối ưu hóa kết quả của mình, tiến sĩ Andrew Huberman khuyên.

Dân công nghệ bạo chi để chăm sóc sức khỏe

Ngày nay, các tỷ phú công nghệ đang khá coi trọng sức khỏe và thể chất của mình. Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) mới đây khoe cơ bụng săn chắc trên cầu thang du thuyền của mình. Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) rất nghiêm túc với jiu jitsu để hiện có cơ bắp săn chắc và thậm chí sẵn sàng đấu võ với Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX).

Jiu jitsu là nhu thuật, dùng sự khéo léo, uyển chuyển của cơ thể để chế ngự sức mạnh của đối thủ. Jiu jitsu không phải là một môn võ riêng lẻ mà tổng hợp các kỹ năng đỉnh cao trong nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật Bản.

Trang The Information gần đây đã tiến hành một cuộc thăm dò ẩn danh về thói quen chăm sóc sức khỏe và thể chất của 500 người đăng ký. Trang The Information có khoảng 45.000 người đăng ký trả phí với giá khoảng 450 USD một năm.

Mát xa, xông hơi và thực phẩm bổ sung được xếp hạng trong số những khoản chi tiêu chăm sóc sức khỏe hàng đầu với những người trả lời khảo sát, một người nói với The Information rằng đã mua một chiếc giường trị liệu bằng ánh sáng đỏ mang tên NovoThor.

Theo trang web của NovoThor, chiếc giường này sử dụng "ánh sáng đỏ và gần hồng ngoại để giảm đau, thư giãn cơ/khớp và tăng cường lưu thông máu".

James Carroll, người sáng lập và Giám đốc điều hành hãng Thor Photomedicine (Anh), nói với trang Insider rằng một chiếc giường dài 7 foot (2,1336 m) có giá khoảng 150.000 USD (3,6 tỉ đồng). Ông cho biết Thor Photomedicine đã bán được khoảng 100 chiếc NovoThor cho việc sử dụng cá nhân kể từ khi bắt đầu sản xuất giường này vào năm 2016.

Đây cũng là loại thiết bị y tế mà người dân cũng có thể đặt lịch hẹn tại spa hoặc trung tâm y tế để sử dụng. Tại Next Level Therapeutics, trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố New York (Mỹ), một buổi trị liệu bằng ánh sáng đỏ toàn thân với NovoThor kéo dài 15 phút có giá khoảng 55 USD, theo trang đặt phòng của trung tâm này.

Theo Bệnh viện Mayo Clinic, những người trả lời khảo sát của The Information cũng chi tiền nhiều hơn cho một buồng oxy cao áp trị giá 70.000 USD (1,68 tỉ đồng) - thiết bị điều áp giúp phổi thu thập nhiều oxy hơn mức có thể ở áp suất không khí bình thường.

Theo Mayo Clinic, buồng này được sử dụng cho liệu pháp oxy cao áp có thể giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bong bóng khí trong mạch máu, vết thương do bệnh tiểu đường hoặc phơi nhiễm tia X, đồng thời cũng có thể giúp giải phóng protein và tế bào gốc giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Gần 1/3 số người trả lời cuộc khảo sát của The Information cho biết họ dành hơn 1 giờ mỗi tuần cho một số hình thức thực hành chăm sóc sức khỏe như liệu pháp hồng ngoại, truyền tĩnh mạch hoặc áp lạnh. Áp lạnh liên quan đến việc để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ rất lạnh, được cho là giúp phục hồi chấn thương và giảm cân.

Một số người trả lời cuộc khảo sát của The Information chấp nhận nêu danh tính. Nhà đầu tư mạo hiểm Keith Rabois, thành viên quỹ Founders Fund (Mỹ), cho biết ông dành một giờ mỗi tuần cho liệu pháp áp lạnh. Song theo FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), không có bằng chứng nào cho thấy liệu pháp áp lạnh mang lại bất kỳ lợi ích nào, thậm chí có thể gây ra một số rủi ro.

Keith Rabois cũng nói với The Information rằng ông luyện tập khoảng 90 phút mỗi ngày, thường bằng cách tham gia các lớp Bootcamp (chương trình rèn luyện thể chất kiểu quân đội) của hãng Barry (Mỹ).

Các giao dịch mua thiết bị khác được người trả lời đề cập gồm cả chiếc xe đạp Colnago C68 trị giá 19.000 USD với bánh xe carbon Enve đắt tiền.

Trong dân chúng nói chung, các xu hướng chăm sóc sức khỏe như ngâm nước lạnh và liệu pháp ánh sáng đỏ đang trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều người có nhu cầu sống lâu hơn.

Có vẻ như những người ở Thung lũng Silicon cũng muốn trông đẹp hơn. Một số trong 500 người được hỏi nói với The Information rằng họ chi từ 400 đến 1.000 USD mỗi lần tiêm Botox.

Tiêm Botox là liệu pháp làm đẹp trong chuyên ngành thẩm mỹ đến điều trị như tăng tiết mồ hôi bàn tay, vùng nách, các nếp nhăn trên trán, tiêm thon gọn hàm, vai, bắp chân. Ở lĩnh vực thẩm mỹ, bác sĩ sử dụng chủ yếu Botulinum toxin type A.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống