Elon Musk bàn với Thủ tướng Anh về Trung Quốc, robot sát thủ sau hội nghị thượng đỉnh AI

 

Trong hai ngày (1 và 2.11), Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI đầu tiên đã được tổ chức tại Bletchley Park (London, thủ đô Anh) với sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các nhà lãnh đạo từ 28 quốc gia, đại diện những hãng công nghệ hàng đầu, học giả và thành phần khác.

Elon Musk hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI đầu tiên, nơi thu hút các công ty và quốc gia hàng đầu cùng nhau thống nhất các bước ban đầu về cách quản lý rủi ro của các mô hình AI tiên tiến.

Ông nói: “Nếu Mỹ, Anh và Trung Quốc đồng thuận về vấn đề an toàn thì đó sẽ là một điều tốt, bởi họ thường đứng đầu về công nghệ và quản lý rủi ro”.

Được đối xử như nhân vật quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5, Elon Musk hoan nghênh việc cường quốc châu Á tham gia các cuộc đàm phán về an toàn AI tại sự kiện này.

"Tôi nghĩ việc có họ ở đây thực sự là cần thiết. Nếu họ không phải là người tham gia thì điều đó thật vô nghĩa", ông chủ mạng xã hội X nói.

Thủ tướng Rishi Sunak đã trò chuyện với Elon Musk, người được nước Anh tôn vinh như một vị khách quý tộc tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày, trên sân khấu nhỏ trong căn phòng mạ vàng tại Lancaster House ở London (thủ đô Anh). Đây là một trong những địa điểm sang trọng nhất của chính phủ Anh, thường được sử dụng cho các sự kiện ngoại giao.

Tự nhận là người đam mê công nghệ, Rishi Sunak cho biết ông cảm thấy "có đặc ân và hào hứng" khi được tiếp đón Elon Musk.  Rishi Sunak tận dụng cơ hội này để đề xuất Elon Musk đầu tư vào nước Anh khi Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX cho biết các công ty khởi nghiệp cần những ưu đãi cao để dám mạo hiểm trong ngành.

Thủ tướng Anh nói: “Chúng tôi có một hệ thống thuế rất hỗ trợ điều đó”.

elon-musk-tro-chuyen-voi-thu-tuong-anh-ve-trung-quoc-va-robot-sat-thu.jpg
Thủ tướng Rishi Sunak tham dự một sự kiện trò chuyện với Elon Musk tại London ngày 2.11 - Ảnh: Reuters

Cuộc thảo luận đa dạng

Cuộc thảo luận đa dạng này diễn ra trước sự chứng kiến ​​của hàng chục lãnh đạo doanh nghiệp khác. Đây là sự kiện cuối cùng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày được xem là một bước tiến lớn trong việc khai thác AI một cách tốt đẹp vì lợi ích chung bằng cách bắt đầu nghĩ về các rủi ro nghiêm trọng mà công nghệ này có thể gây ra.

Elon Musk và Rishi Sunak đã đồng ý về nhu cầu có thể có các "công tắc vật lý" để ngăn robot mất kiểm soát theo cách nguy hiểm, đề cập đến loạt phim Kẻ hủy diệt và các phim khoa học viễn tưởng khác.

Thủ tướng Anh nói: “Tất cả những bộ phim có cùng cốt truyện đều kết thúc bằng việc người ta tắt nó đi”, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tắc vật lý để kiểm soát các hệ thống AI - đã được hình thành một phần trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh trước đó trong ngày.

Elon Musk nói với Thủ tướng Rishi Sunak rằng ông nghĩ AI là "thế lực đột phá nhất trong lịch sử", suy đoán rằng công nghệ này sẽ có thể "làm được mọi thứ" và biến việc làm như chúng ta biết ngày nay trở thành quá khứ.

“Tôi không biết điều đó khiến mọi người thoải mái hay khó chịu. Điều đó vừa tốt vừa xấu. Một trong những thách thức trong tương lai sẽ là làm thế nào chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống nếu bạn có một 'vị thần' có thể làm mọi thứ bạn muốn?", tỷ phú 52 tuổi người Mỹ phát biểu.

Hồi tháng 6, Elon Musk đã đến Trung Quốc để gặp gỡ một số bộ trưởng nước này tại thủ đô Bắc Kinh. Sau cuộc gặp với các quan chức, Elon Musk cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách khởi xướng các quy định về AI ở nước này.

Một số chính phủ đang xem xét cách giảm thiểu sự nguy hiểm của công nghệ mới nổi, vốn đã trải qua sự bùng nổ về đầu tư và phổ biến với người tiêu dùng trong những tháng gần đây sau khi OpenAI phát hành ChatGPT cuối tháng 11.2022.

Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã đua nhau soạn thảo quy tắc quản lý việc sử dụng generative AI, có tác động được so sánh với internet.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Hôm 12.7, Elon Musk giới thiệu xAI khi tìm cách cạnh tranh với OpenAI, công ty khởi nghiệp tạo ra ChatGPT, chatbot AI mà ông cáo buộc là thiên vị chính trị và vô trách nhiệm.

Trang web xAI cho biết Elon Musk sẽ điều hành xAI tách biệt với các công ty khác của mình nhưng công nghệ được phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đó, gồm cả Twitter. Trang web xAI cho biết: “Mục tiêu của xAI là hiểu được bản chất thực sự của vũ trụ”.

Trên X, Elon Musk cho biết thêm rằng mục tiêu của công ty mới là “hiểu thực tế” và trả lời những câu hỏi lớn nhất của cuộc sống.

xAI được điều hành bởi các nhà nghiên cứu cũ từ OpenAI, Google DeepMind, Tesla và Đại học Toronto (Canada). xAI có cố vấn là Dan Hendrycks, người đang lãnh đạo Trung tâm An toàn AI, tổ chức có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) cảnh báo về việc phát triển AI quá nhanh. Dan Hendrycks là người khởi xướng bức thư ngỏ gửi tới các nhà lãnh đạo toàn cầu vào tháng 6, cảnh báo AI là mối nguy cho sự tồn tại của loài người ngang với đại dịch và chiến tranh hạt nhân.

Elon Musk nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của AI. Tỷ phú công nghệ gọi AI là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta” và nói rằng công nghệ này phát triển quá nhanh giống như “triệu hồi quỷ dữ”.

Elon Musk cùng Sam Altman và những người khác thành lập OpenAI dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận năm 2015, tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI, coi việc Google đạt được những tiến bộ trong AI là liều lĩnh.

Ông rời hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 với lý do xung đột lợi ích để tập trung vào Tesla. Sau đó, Elon Musk nói rằng không thoải mái với định hướng chạy theo lợi nhuận mà OpenAI đang thực hiện dưới sự quản lý của Giám đốc điều hành Sam Altman.

Elon Musk từng hứa sẽ cung cấp 1 tỉ USD cho OpenAI nhưng đã ngừng thanh toán sau khi ông rời đi vào tháng 2.2018, khiến tổ chức phải vật lộn để huy động tiền mặt. OpenAI sau đó nhận được khoản đầu tư 1 tỉ USD từ Microsoft và chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019.

Hồi tháng 2, tỷ phú giàu nhất thế giới đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.

Elon Musk tin rằng một trong những mối đe dọa lớn do AI gây ra là sự thao túng nó bởi các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng này. Ông đặc biệt nhắm đến Microsoft, công ty công bố đầu tư thêm hàng tỉ USD vào OpenAI hồi tháng 1.

Hồi tháng 4, Elon Musk đã chia sẻ chi tiết về kế hoạch tạo ứng dụng AI mới có tên TruthGPT trong cuộc phỏng vấn với Fox News. "Tôi sẽ bắt đầu một thứ mà tôi gọi là TruthGPT hoặc một AI tìm kiếm sự thật tối đa cố gắng hiểu bản chất của vũ trụ", tỷ phú công nghệ nói trong cuộc phỏng vấn với MC Tucker Carlson của Fox News.

Ông lý giải: "Tôi nghĩ đây có thể là con đường tốt nhất để đến với sự an toàn, theo ý nghĩa rằng một AI quan tâm đến việc hiểu vũ trụ khó có khả năng xóa sổ con người vì chúng ta là một phần thú vị của vũ trụ”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Elon Musk nói rằng công ty AI mới của ông sẽ đến rất muộn sau OpenAI và Google DeepMind, cả hai đều đạt được những bước tiến lớn những năm gần đây.

Việc ra mắt một công ty AI ở quy mô OpenAI hoặc Google DeepMind sẽ phải mất khoản chi phí khổng lồ, đặc biệt cần số lượng lớn bộ xử lý đồ họa (GPU) chủ yếu được cung cấp bởi Nvidia.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống