Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đồng ý tái đàm phán hiệp ước KH-CN mang tính lịch sử

 

Theo trang SCMP, quyết định này là một trong những kết quả tích cực từ hội nghị thượng đỉnh hôm 16.11 ở bang California (Mỹ), được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một địa điểm an ninh phía nam San Francisco.

STA là hiệp định lớn đầu tiên được Mỹ và Trung Quốc ký kết khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1979. Nó tồn tại sau 44 năm thăng trầm ngoại giao giữa Mỹ với Trung Quốc và được gia hạn 5 năm một lần cho đến năm nay.

Ngay trước khi STA hết hạn vào tháng 8, Mỹ đã gia hạn hiệp ước này thêm 6 tháng để hai bên có thể “đàm phán lại thỏa thuận”, giải quyết những lo ngại về các vấn đề như tương hỗ trong nghiên cứu và việc sử dụng công nghệ cao của quân đội.

Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các điều khoản của STA cần được “sửa đổi và củng cố” mà không nêu rõ những thay đổi nào đang được xem xét.

Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác khoa học và công nghệ. Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc và Mỹ “chia sẻ lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và nông nghiệp cũng như những lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Chủ tịch Trung Quốc nói với Tổng thống Mỹ: “Ngày nay, lợi ích chung của chúng ta đã tăng lên chứ không giảm đi”, đồng thời cho biết thêm rằng việc hợp tác trong các lĩnh vực như chống ma túy, tư pháp và thực thi pháp luật, AI cũng như khoa học và công nghệ là quan trọng.

Ông Biden cho biết Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chống ma túy và AI, đồng thời rất vui khi thấy nhiều trao đổi về giáo dục, khoa học và công nghệ cũng như cá nhân giữa hai nước.

ong-biden-va-tap-can-binh-dong-y-xem-lai-hiep-uoc-kh-cn-mang-tinh-lich-su.jpg
Hai nhà lãnh đạo chào tạm biệt sau cuộc hội đàm ở San Francisco hôm 16.11 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc đã thay thế Anh trở thành đối tác khoa học hàng đầu của Mỹ vào năm 2011, gây ra những lo ngại chính trị ở Mỹ rằng sự thống trị của nước này trong khoa học và công nghệ có thể bị đe dọa bởi các hiệp định như STA.

Thế nhưng theo Caroline Wagner - chuyên gia chính sách khoa học từ Đại học bang Ohio, vào cuối những năm 1970, khoa học được các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc coi là “hoạt động ít xung đột, tương đương với trao đổi văn hóa”.

“Họ cho rằng việc bắt đầu bằng một thỏa thuận khoa học không mang tính đe dọa có thể mở đường cho các cuộc thảo luận sau này về các vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị hơn”, Caroline Wagner viết trong một bài báo được xuất bản bởi hãng truyền thông độc lập The Conversation (Úc) hồi tháng 8.

Caroline Wagner cho biết sự hợp tác ban đầu theo thỏa thuận, được hai nhà lãnh đạo khi đó là Jimmy Carter và Đặng Tiểu Bình ký vào ngày 28.7.1979, chủ yếu mang tính biểu tượng “nhưng sự hợp tác thực chất đã phát triển theo thời gian”.

“Khi nền kinh tế mở rộng, Trung Quốc cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong nước. Tất cả điều này đã thúc đẩy khả năng hợp tác của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học, giúp ích cho nền kinh tế của chính họ”, Caroline Wagner nhận xét.

Bài báo của Caroline Wagner được xuất bản ngay sau khi STA được gia hạn, khi bà lưu ý rằng ngay cả khi hiệp ước dẫn đến một thỏa thuận được đàm phán lại, Mỹ đã tỏ ra miễn cưỡng hợp tác với Trung Quốc.

“Kể từ năm 2018, số lượng ấn phẩm chung đã giảm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ít sẵn sàng đến Mỹ hơn. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ ngày càng có xu hướng trở về nước, mang theo những kiến ​​thức quý giá. Mỹ đang đối mặt với rủi ro bị cô lập khỏi kiến thức hàng đầu khi Trung Quốc tiến lên phía trước. Có lẽ việc coi khoa học như một nguồn tài nguyên được chia sẻ toàn cầu có thể giúp cả hai bên tạo ra một thỏa thuận thực sự đôi bên cùng có lợi”, Caroline Wagner viết.

Thông báo của Trung Quốc về hội nghị thượng đỉnh cho biết nước này không có kế hoạch vượt qua hoặc thay thế Mỹ, do đó Mỹ cũng không nên có bất kỳ ý định đàn áp hoặc kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ sự bất bình với một số chính sách của Mỹ đã “gây tổn hại nghiêm trọng” đến lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.

Theo thông báo, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đánh giá đầu tư và trừng phạt đơn phương của Mỹ đang đàn áp khoa học và công nghệ của Trung Quốc “nhằm hạn chế sự phát triển chất lượng cao của nước này và tước đoạt quyền phát triển của người dân Trung Quốc”.

Đầu tháng 8, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn người Mỹ đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc. Lệnh này dự kiến triển khai vào năm 2024 và nhắm tới các khoản đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn, vi điện tử, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Tôi nhận thấy một số quốc gia đáng quan ngại đang thực hiện các chiến lược tổng thể, dài hạn nhằm định hướng, tạo điều kiện hoặc hỗ trợ phát triển những công nghệ và sản phẩm nhạy cảm có ý nghĩa quan trọng đối với năng lực quân sự, tình báo, giám sát và các hành vi trên mạng của một quốc gia”, Tổng thống Joe Biden nói.

Theo sắc lệnh của ông Biden, các nhà đầu tư Mỹ rót vốn ra nước ngoài phải báo cáo với Bộ Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai sắc lệnh hành pháp này. Cụ thể, bà Janet Yellen sẽ phải xác định các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm trong danh mục đã nêu để cấm và yêu cầu nhà đầu tư thông báo.

Bà Janet Yellen cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết lệnh này được thiết kế để không bóp nghẹt hoạt động kinh doanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một quan chức giấu tên chia sẻ với trang CNBC rằng: “Chúng tôi biết từ lâu rằng các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới đã giúp ích cho nền kinh tế Mỹ. Lệnh hành pháp này bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và có mục tiêu nhắm đến khá hẹp, đồng thời duy trì sự cởi mở của hoạt động đầu tư”.

Một quan chức khác cho biết ông Biden đã thảo luận với các quốc gia đồng minh, nhà làm luật trong nước và lãnh đạo các ngành trước khi ban hành sắc lệnh. Các biện pháp mới cũng nhắm đến các lợi ích đầu tư vô hình như giới thiệu chuyên gia và những cơ hội kết nối khác.

“Trung Quốc không cần tiền từ Mỹ, họ là nước xuất khẩu vốn ròng. Do đó, điều mà chúng tôi cố gắng ngăn cản không phải là dòng tiền vào Trung Quốc nói chung, bởi nước này có rất nhiều tiền. Thứ mà Trung Quốc thiếu là bí quyết”, quan chức này nói. Ông cho biết thêm, dựa trên các trao đổi trước đó, chính quyền ông Biden dự kiến các nước đồng minh cũng sẽ đưa ra những hạn chế tương tự.

Lệnh này nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến. Sự hạn chế mà Mỹ đặt ra với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi là chiến lược “sân nhỏ, rào cao”.

Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh đi đến sự đồng thuận cao nhất có thể về sự cần thiết phải hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không hề đơn giản, bởi các quốc gia khác lo ngại rằng hành động của Mỹ có thể đi quá xa. Trong một số trường hợp, các quốc gia khác còn gặp phải trở ngại về pháp lý trong nước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống