Huyền thoại thiết kế của Apple và CEO OpenAI thảo luận việc xây dựng phần cứng AI mới

 

Theo The Information, vẫn chưa rõ thiết bị này sẽ là gì hoặc liệu họ có quyết định chế tạo nó hay không, nhưng Jony Ive và Sam Altman đã thảo luận về phần cứng mới dành cho thời đại AI sẽ trông như thế nào.

Masayoshi Son (Giám đốc điều hành SoftBank) cũng tham gia vào một số khía cạnh của cuộc trò chuyện nhưng không rõ liệu ông có cùng tạo ra phần cứng AI mới hay không.

OpenAI và SoftBank không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Reuters về chuyện trên.

Huyền thoại thiết kế Jony Ive rất thân thiết với Steve Jobs - nhà đồng sáng lập Apple. Ông đã dành hơn hai thập kỷ làm việc tại Apple và lãnh đạo việc thiết kế những chiếc iMac màu kẹo giúp Apple tái xuất trên thị trường sau thập kỷ 1990 gần như bên bờ phá sản. Jony Ive cũng lãnh đạo việc thiết kế của iPhone.

Thời còn làm Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs coi Jonathan Ive là lãnh đạo quyền lực thứ hai tại công ty. Steve Jobs đưa nhóm thiết kế lên hàng đầu trong quy trình phát triển sản phẩm, bảo đảm họ đóng vai trò trung tâm trong iPod, iPhone và iPad.

Jony Ive rời Apple vào năm 2019 vì cơ chế lãnh đạo dưới thời Tim Cook và sau đó đồng sáng lập công ty thiết kế LoveFrom cùng Marc Newson. Tự mô tả là một "tập thể sáng tạo", LoveFrom có các khách hàng lớn như Airbnb và Ferrari.

Trong khi OpenAI, công ty tạo ra chatbot AI ChatGPT cực kỳ nổi tiếng, đã thành công phi thường và được Microsoft đầu tư hàng tỉ USD.

huyen-thoai-thiet-ke-cua-apple-va-ceo-openai-thao-luan-ve-phan-cung-ai-the-he-moi.jpg
Jony Ive và Sam Altman thảo luận về việc xây dựng một thiết bị phần cứng AI mới - Ảnh: Internet

OpenAI tìm mức định giá 90 tỉ USD khi hướng tới doanh thu 1 tỉ USD hàng năm

OpenAI đang nói chuyện với các nhà đầu tư về việc bán cổ phiếu tiềm năng sẽ định giá công ty khởi nghiệp ở mức 80 tỉ USD đến 90 tỉ USD, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Theo Wall Street Journal, mức định giá OpenAI như vậy sẽ gần gấp ba lần con số vào đầu năm nay, trích dẫn những người giấu tên quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Thỏa thuận trên sẽ cho phép nhân viên bán cổ phiếu hiện có thay vì OpenAI phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn. OpenAI đã bắt đầu thuyết phục các nhà đầu tư về thỏa thuận này, dù các điều khoản vẫn có thể thay đổi.

Việc định giá ít nhất 80 tỉ USD sẽ đưa OpenAI trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị cao nhất trên thế giới.

Microsoft đã đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI, do Sam Altman đồng sáng lập. Tờ Bloomberg đưa tin OpenAI đang hướng tới doanh thu 1 tỉ USD hàng năm khi các doanh nghiệp đua nhau áp dụng công nghệ đằng sau ChatGPT.

OpenAI đang kiếm được khoảng 80 triệu USD doanh thu mỗi tháng, một nguồn tin am hiểu vấn đề này tiết lộ cho trang Bloomberg.

Trang The Information lần đầu tiên đưa tin về doanh thu của OpenAI, gồm cả việc công ty khởi nghiệp này lỗ khoảng 540 triệu USD vào năm 2022 khi phát triển mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4 và ChatGPT. Con số này cho thấy mức chi phí mà OpenAI phải gánh chịu trong nỗ lực triển khai một sản phẩm AI thương mại.

OpenAI được coi là một trong số ít các công ty đi đầu trong lĩnh vực generative AI, có thể tạo nội dung từ video đến thơ chỉ bằng một vài lời nhắc của người dùng. Kể từ khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11, OpenAI đã làm việc với các công ty từ các hãng non trẻ đến các tập đoàn lớn để đưa công nghệ này vào hoạt động kinh doanh và sản phẩm của họ.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

OpenAI hôm 25.9 đã thông báo bản nâng cấp sắp tới sẽ mang đến cho ChatGPT khả năng “nhìn, nghe và nói” khi tương tác với người dùng.

ChatGPT sẽ có thể trao đổi bằng giọng nói và tương tác thông qua hình ảnh, một bước đi gần hơn với trợ lý ảo Siri của Apple.

Trong thông báo đăng trên blog, OpenAI nói rằng tính năng hỗ trợ giọng nói “sẽ mở ra cánh cửa sáng tạo và các ứng dụng tập trung vào khả năng tiếp cận”.

Người dùng trả phí dịch vụ cho ChatGPT của OpenAI sẽ nhận bản cập nhật mới vào hai tuần tới.

"Đó là thách thức lớn của chúng tôi. Một trong những công việc khó khăn nhất là sử dụng công nghệ mà chúng tôi đang sở hữu để biến nó trở nên đơn giản hơn để tiếp cận 300-400 triệu người dùng tiếp theo", Peter Deng, Phó chủ tịch phụ trách mảng Sản phẩm tiêu dùng của OpenAI, cho biết.

Các dịch vụ AI trợ lý ảo như Siri, Google và Alexa của Amazon được tích hợp trực tiếp trên thiết bị và thường được sử dụng để cài báo thức, đặt lịch nhắc nhở hoặc lấy thông tin từ Internet.

ChatGPT đã được các công ty áp dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tóm tắt tài liệu cho đến viết mã máy tính, tạo ra cuộc chạy đua giữa những gã khổng lồ công nghệ trong lĩnh vực này.

Tính năng giọng nói của ChatGPT có thể kể lại câu chuyện ru ngủ, tham gia giải quyết những thảo luận khi ăn tối hoặc đóng vai trò là “thư ký” chép lại nội dung đọc của người dùng.

OpenAI cho biết công nghệ này đang được Spotify sử dụng trên các podcast của nền tảng để dịch nội dung sang nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Với tính năng hỗ trợ hình ảnh, người dùng có thể chụp ảnh mọi thứ xung quanh và yêu cầu ChatGPT giải quyết những vấn đề như “lò nướng không hoạt động, xem trong tủ lạnh có gì cho bữa tối”, hay thậm chí “phân tích biểu đồ dữ liệu phức tạp”.

Google Lens của Alphabet đang là ứng dụng phổ biến thu thập thông tin về hình ảnh.

Dự kiến những tính năng mới trên ChatGPT sẽ được phát hành cho những người đăng ký gói Plus và Enterprise trong hai tuần tới.

Vào tháng 8, OpenAI đã ra mắt phiên bản ChatGPT dành cho doanh nghiệp với các tính năng bổ sung và biện pháp bảo vệ quyền riêng tư. Đây là nỗ lực quan trọng nhất của OpenAI nhằm thu hút nhiều khách hàng doanh nghiệp và tăng doanh thu từ sản phẩm nổi tiếng nhất của mình.

Việc triển khai ChatGPT Enterprise là một bước tiến trong kế hoạch kiếm tiền từ chatbot AI của OpenAI.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống