Internet nhanh nhất thế giới 1,2 terabit/giây, truyền 150 phim độ phân giải cao mỗi giây

 

Mạng đường trục (tạo thành tuyến dữ liệu chính giữa các thành phố) có thể truyền dữ liệu với tốc độ 1,2 terabit/giây (1.200 gigabit/giây) giữa Bắc Kinh ở phía bắc Trung Quốc với thành phố Vũ Hán (miền trung) và Quảng Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông phía nam).

Đường dây cáp quang trải dài hơn 3.000km, đã được kích hoạt vào tháng 7 và chính thức ra mắt hôm 14.11, sau khi hoạt động đáng tin cậy và vượt qua tất cả bài kiểm tra vận hành.

Thành tựu này là sự hợp tác giữa Đại học Thanh Hoa, China Mobile, Huawei và Cernet Corporation, đã phá vỡ dự đoán của các chuyên gia rằng mạng tốc độ cực cao 1 terabit/giây sẽ không xuất hiện cho đến khoảng năm 2025.

Hầu hết mạng đường trục internet trên thế giới chỉ hoạt động ở tốc độ 100 gigabit/giây. Ngay cả Mỹ cũng chỉ mới hoàn thành quá trình chuyển đổi sang internet thế hệ thứ 5 với tốc độ 400 gigabit/giây.

internet-nhanh-nhat-the-gioi-1-2-terabit-giay-truyen-150-phim-do-phan-giai-cao-moi-giay.jpg
Mạng đường trục có thể truyền dữ liệu với tốc độ 1,2 terabit/giây giữa Bắc Kinh với thành phố Vũ Hán và Quảng Châu - Ảnh: Internet

Kết nối Bắc Kinh - Vũ Hán - Quảng Châu là một phần của Cơ sở hạ tầng công nghệ internet tương lai của Trung Quốc (FITI), dự án được thực hiện trong 10 năm và là phiên bản mới nhất của Mạng nghiên cứu và giáo dục quốc gia Trung Quốc (Cernet).

Trưởng dự án FITI, Wu Jianping từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho biết đường dây siêu tốc này “không chỉ là sự thành công” mà còn mang lại cho Trung Quốc “công nghệ tiên tiến để xây dựng một mạng internet thậm chí còn nhanh hơn”.

Wang Lei, Phó chủ tịch Huawei, phát biểu trong cuộc họp báo tương tự tại Đại học Thanh Hoa rằng mạng này “có khả năng truyền dữ liệu tương đương 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong một giây”.

Xu Mingwei của Đại học Thanh Hoa đã so sánh đường trục internet mới với đường ray xe lửa siêu tốc đã thay thế 10 đường ray thông thường từng mang cùng một lượng dữ liệu. Ông cho biết điều này làm giảm chi phí và quản lý dễ dàng hơn nhiều.

Mạng đường trục có vai trò then chốt với giáo dục và nghiên cứu quốc gia, cũng như nhu cầu truyền dữ liệu ngày càng tăng nhanh từ các ứng dụng như ô tô điện và hầm mỏ được kết nối sử dụng công nghệ 5G công nghiệp.

Wu Jianping từng nói trong một cuộc họp: “Dự án FITI là chưa từng có trên toàn thế giới. Nó mở cửa cho xã hội và có khả năng hỗ trợ các thử nghiệm những cấu trúc mạng sáng tạo”.

Ông cũng phát biểu trong cuộc họp đó rằng FITI sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2023. FITI bắt đầu vào năm 2013 và được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, do Bộ Giáo dục quản lý và được xây dựng với sự giúp đỡ của Đại học Thanh Hoa cùng 40 trường đại học khác.

Mạng đường trục mới đánh dấu một bước tiến khác của Trung Quốc, quốc gia đang lo ngại về sự phụ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản về bộ định tuyến (router) và các thành phần khác của công nghệ internet.

Tất cả phần mềm và phần cứng của hệ thống đều được sản xuất trong nước này, với đội ngũ nghiên cứu kỹ thuật đang thực hiện những cải tiến về mọi thứ, từ bộ định tuyến và bộ chuyển mạch đến kết nối cáp quang.

Wu Jianping và nhóm của ông đã phát triển bộ định tuyến siêu tốc của riêng mình, có khả năng xử lý nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất công nghệ tổng hợp nhiều đường truyền quang (sử dụng tín hiệu quang học) để tăng giới hạn trên của việc truyền dữ liệu.

Huawei thúc đẩy ra mắt mạng 5.5G nhanh hơn 5G gấp 10 lần

Huawei đang thúc đẩy việc ra mắt mạng 5.5G với các nhà khai thác từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Trung Đông, hứa sẽ hỗ trợ tốt hơn các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và ô tô thông minh.

Huawei đã công bố các sản phẩm và giải pháp 5.5G đầu tiên trong ngành vào giữa tháng 11.10 tại Dubai (thủ đô UAE), với sự hợp tác của các nhà khai thác viễn thông nhà nước Trung Quốc như China Mobile, China Telecom và China Unicom, cùng công ty Trung Đông như United Arab Emirates (UAE) và Saudi Telecommunication Company (Ả Rập Saudi).

Phát biểu tại Diễn đàn băng thông rộng di động toàn cầu của Huawei, ông Cao Ming, Chủ tịch Giải pháp không dây của công ty, cho biết 5.5G sẽ mang lại tốc độ tăng gấp 10 lần so với các mạng hiện có, cũng như độ trễ thấp hơn và mức tiêu thụ điện năng ít hơn cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp, gồm cả trò chơi VR và các phương tiện được kết nối.

Công nghệ 5.5G, còn được gọi là 5G-Advanced, đã được Huawei ca ngợi là bước tiến trong công nghệ viễn thông, tạo cầu nối cho sự phát triển lên 6G, dự kiến sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.

Xét về tốc độ, 5.5G vượt trội so với 5G khi đạt tốc độ tải xuống 10 GB/giây, tải lên 1 GB/giây. Trong kỷ nguyên dữ liệu khổng lồ được đưa lên đám mây, tính năng livestream trở nên phổ biến và công nghệ 3D trở nên phổ biến, 5.5G được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng ở nhiều ngành khác nhau. Trong lĩnh vực IoT, 5.5G hỗ trợ 100 tỉ kết nối, nhiều gấp 10 lần 5G hiện tại. Về mặt trải nghiệm, công nghệ mới rút ngắn độ trễ từ 20 mili giây của 5G giai đoạn đầu xuống còn 1 mili giây, hỗ trợ định vị ở cấp độ centimet thay vì cấp độ mét.

Trước đó, Huawei đã thông báo có kế hoạch ra mắt bộ thiết bị mạng 5.5G thương mại hoàn chỉnh vào năm 2024, mở rộng danh mục sản phẩm cho công nghệ này.

“5.5G đang trong giai đoạn thương mại hóa nhanh chóng trên toàn thế giới”, Cao Ming cho biết trong một cuộc họp báo 11.10, đồng thời nói thêm rằng các chipset và thiết bị dành cho 5.5G đã được các công ty trong ngành tung ra thị trường và gần 20 quốc gia trên thế giới đã có phổ tần sẵn sàng cho 5,5G.

Theo Cao Ming, với việc triển khai mạng 5G mở rộng kết nối giữa con người và gia đình, phương tiện và các ngành công nghiệp, 5.5G sẽ đánh dấu một bước tiến cho nhiều lĩnh vực truyền thống khác nhau.

Cao Ming cho biết: “Với các ngành nhằm cải thiện năng suất và đón nhận chuyển đổi kỹ thuật số, 5G và 5.5G sẽ đóng một vai trò to lớn”.

Theo Huawei, trong 4 năm qua, hơn 260 mạng 5G đã được triển khai trên toàn thế giới, bao phủ gần một nửa dân số thế giới.

Là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên triển khai vùng phủ sóng 5G cách đây 4 năm, phạm vi phủ sóng của Trung Quốc đã tăng vọt. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin cùng Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6, cả nước này có gần 3 triệu trạm gốc 5G.

Thiết bị Huawei đã đóng góp lớn cho mạng lưới. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến gần đây đã đảm bảo 52% công việc lắp đặt trạm gốc 5G của China Mobile từ năm 2023 đến năm 2024.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống