Theo đài truyền hình CNN, con người chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng quang học của Mặt trời, trong khi vẫn còn nhiều bước sóng ánh sáng khác như tia X và tia cực tím của ngôi sao khổng lồ này bị che khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta.
Các tia X được giải phóng từ các điểm nóng nhất trong bầu khí quyển của Mặt trời đã được quan sát bởi NuSTAR, tên viết tắt của Mảng Kính viễn vọng Quang phổ Hạt nhân. Mặc dù kính viễn vọng này không thể quan sát toàn bộ Mặt trời từ quỹ đạo quay quanh Trái đất, nhưng vào tháng 6/2022, nó đã chụp được 25 hình ảnh tia X năng lượng cao trong khí quyển của Mặt trời.
Trước đó, kính viễn vọng NuSTAR được phóng lên quỹ đạo vào tháng 6/2012 với mục đích quan sát các hố đen và ngôi sao bị tàn lụi bên ngoài Hệ Mặt trời.
Các điểm tia X được mô tả trong bức ảnh được NASA công bố bằng màu xanh lam kết hợp với màu xanh lá từ dữ liệu của kính viễn vọng Hinode của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và màu đỏ từ Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA.
Đài quan sát Động lực học Mặt trời có khả năng phát hiện tia cực tím cực mạnh, trong khi kính viễn vọng Hinode được thiết kế để phát hiện tia X năng lượng thấp.
Vật chất năng lượng được tạo ra khi các ngọn lửa nano xảy ra gần nhau được cho là tia X mà kính viễn vọng NuSTAR ghi lại. Ánh sáng từ các ngọn lửa nano quá mờ khi xảy ra để có thể tách biệt khỏi độ sáng của Mặt trời.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống