Lý do lãnh đạo và nhân viên OpenAI từng đánh giá thấp ChatGPT

 

Ilya Sutskever, đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của OpenAI, nói với trang MIT Technology Review rằng ban đầu ông không mấy ấn tượng với việc ChatGPT không thể trả lời các câu hỏi một cách chính xác và rất ngạc nhiên trước sự phổ biến bùng nổ của chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này.

Ilya Sutskever nói: “Phải thừa nhận rằng, tôi hơi bối rối khi chúng tôi tạo ChatGPT. Tôi đã không biết liệu nó có tốt hay không. Khi bạn hỏi một câu về sự thật, nó sẽ trả lời sai. Tôi nghĩ ChatGPT sẽ kém ấn tượng đến mức nhiều người sẽ nói: Tại sao bạn lại làm điều này? Điều đó thật nhàm chán!”.

Ông chia sẻ với MIT Technology Review rằng điểm thu hút thực sự của ChatGPT là sự tiện lợi chứ không phải độ chính xác, so sánh lần đầu tiên nhiều người sử dụng chatbot AI này với một "trải nghiệm tâm linh".

Trải nghiệm lần đầu tiên đó đã cuốn hút mọi người. Bạn sẽ thốt lên: Ôi Chúa ơi, cỗ máy này dường như hiểu được chúng ta", Ilya Sutskever cho hay.

ChatGPT nhanh chóng đạt kỷ lục khi ra mắt vào cuối tháng 11.2022, vượt mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng để trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất lịch sử và gây ra cơn sốt AI toàn cầu khi các hãng công nghệ tranh nhau xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ.

Có vẻ lãnh đạo và nhân viên OpenAI là những người ngạc nhiên nhất khi ChatGPT thành công. Greg Brockman, Chủ tịch và đồng sáng lập OpenAI, nói với trang Forbes rằng nhân viên của công ty khởi nghiệp không nghĩ chatbot AI này đặc biệt hữu ích và rất ngạc nhiên trước sự phổ biến đột ngột của nó.

OpenAI được cho từng phân vân về thời điểm phát hành ChatGPT và xây dựng các mô hình thay thế trước khi quyết định ra mắt nó.

lanh-dao-va-nhan-vien-openai-tung-lo-ngai-chatgpt-se-that-bai.jpg
Ilya Sutskever ban đầu ông không mấy ấn tượng với việc ChatGPT không thể trả lời các câu hỏi một cách chính xác và rất ngạc nhiên trước sự phổ biến bùng nổ của chatbot AI này - Ảnh: Internet

Hồi tháng 1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho “cha đẻ” ChatGPT.

Thỏa thuận này sẽ chứng kiến ​​Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.

Microsoft đã triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Microsoft cũng thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào kết quả tìm kiếm Bing. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows còn đưa một số công nghệ AI ngôn ngữ vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.

Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.

Tin đồn về thỏa thuận này cho thấy Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi đảm bảo hoàn vốn đầu tư và 49% cổ phần trong công ty. OpenAI cho biết vẫn là một công ty có giới hạn lợi nhuận sau thỏa thuận này, cho phép họ tiếp tục huy động vốn.

Microsoft đã mua giấy phép độc quyền cho công nghệ cơ bản đằng sau GPT-3 vào năm 2020 sau khi đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI hồi năm 2019. Hãng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với OpenAI và đã thêm mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh AI vào Bing được cung cấp bởi DALL-E 2 của OpenAI.

Kể từ năm 2020, OpenAI đã phát triển các công nghệ generative AI trên một siêu máy tính khổng lồ do Microsoft chế tạo, sử dụng 10.000 GPU (bộ xử lý đồ họa) của Nvidia.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Việc chạy ChatGPT rất tốn kém với OpenAI. Theo phân tích từ chuyên gia Stacy Rasgon của ngân hàng Bernstein, mỗi truy vấn tốn khoảng 4 cent. Nếu các truy vấn ChatGPT tăng lên bằng 1/10 quy mô tìm kiếm của Google, ban đầu OpenAI sẽ cần số GPU trị giá khoảng 48,1 tỉ USD và số chip trị giá khoảng 16 tỉ USD mỗi năm để duy trì hoạt động.

Vào cuối tháng 9, OpenAI đã ra mắt một số tính năng mới ấn tượng cho ChatGPT. Công ty khởi nghiệp Mỹ thông báo rằng ChatGPT sẽ hỗ trợ giọng nói và có vài "đôi mắt".

OpenAI cho biết người dùng đã đăng ký phiên bản ChatGPT Plus (giá 20 USD/tháng) sẽ có thể bắt đầu tương tác "trong cuộc trò chuyện qua lại" bằng tính năng giọng nói.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể tải hình ảnh lên chatbot AI này và đặt câu hỏi dựa trên đó. Hiện chưa rõ khi nào các tính năng hình ảnh và giọng nói sẽ được tung ra cho người dùng ChatGPT miễn phí.

Tính năng mới về hình ảnh của ChatGPT dễ sử dụng. Trên phiên bản web, biểu tượng hình ảnh sẽ xuất hiện ở phía bên khung nhập văn bản. Người dùng có thể nhấp vào để tải hình ảnh lên ChatGPT. Trên ứng dụng di động ChatGPT, người dùng cũng có thể chụp ảnh trên smartphone của mình và khoanh tròn bất cứ thứ gì họ muốn ChatGPT tập trung vào. Sau khi tải lên, người dùng có thể đặt câu hỏi về bức ảnh.

Ví dụ, PV trang Insider đã gửi cho ChatGPT bức ảnh về một số thành phần hơi ngẫu nhiên và yêu cầu đề xuất công thức nấu ăn. Chatbot AI này đã đưa ra bốn đề xuất trong vòng vài phút, tất cả đều có vẻ ăn được ít nhất là từ cái nhìn đầu tiên, dù trong đó có vài thành phần thông thường nằm trong tủ bếp không xuất hiện trên hình ảnh.

Tính năng này có những ứng dụng thực tế khác. Ví dụ ChatGPT có thể hiểu chữ viết tay không hoàn hảo của PV Insider và gõ ra thành văn bản. Chatbot AI cũng làm rất tốt việc xác định các vật thể trong tự nhiên và đưa ra một số lời khuyên để giúp cây sắp chết của PV Insider sống lại.

Song, tính năng mới có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác ngoài việc tạo cảm hứng trong bếp và tư vấn cách làm vườn.

Mckay Wrigley, người sáng lập một công ty khởi nghiệp Takeoff AI, đã chia sẻ ví dụ khác về tính năng hình ảnh mới trên ChatGPT. Trong một video đăng trên X, Mckay Wrigley đã chỉ ra cách ChatGPT có thể viết mã từ một phiên làm việc trên bảng trắng. Ông đã tải lên hình ảnh một tấm bảng trắng mô tả hướng dẫn trang web bằng tiếng Anh đơn giản và yêu cầu chatbot tạo mã. ChatGPT đã biến các hướng dẫn thành mã làm việc.

Dù tính năng này có những công dụng rõ ràng nhưng cũng đặt ra những câu hỏi về quyền riêng tư. Ví dụ, trang Wired đã nhắc nhở người dùng tránh tải ảnh cá nhân, nhạy cảm lên ChatGPT khi dùng thử tính năng mới.

ChatGPT cũng được thêm một số hạn chế mới. OpenAI đã ngăn chatbot AI của mình trả lời các câu hỏi xác định con người dựa trên hình ảnh.

Khi PV Insider đưa cho ChatGPT một bức ảnh chụp nghệ sĩ Frida Kahlo (Mexico), chatbot này từ chối xác định hình ảnh. Tuy nhiên sau khi thăm dò một chút, ChatGPT cuối cùng đã xác định hình ảnh đó sau khi trích dẫn một nhãn ở góc trên bên phải.

"Tôi được lập trình để tránh xác định con người thực dựa trên hình ảnh vì lý do bảo mật. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật mà bạn cung cấp đã được dán nhãn", ChatGPT nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống