Người dùng đang khai thác sức mạnh của ChatGPT cho mọi việc, từ tiết kiệm thời gian tại nơi làm việc đến thành lập doanh nghiệp và nhận lời khuyên về mối quan hệ.
Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) này được công ty khởi nghiệp OpenAI đào tạo trên bộ dữ liệu gồm hàng tỉ thông số thu thập từ sách, bài báo và nguồn trên internet.
Với tất cả dữ liệu đào tạo đó, nội các của Tổng thống Mỹ - Joe Biden tự hỏi liệu ChatGPT có thực sự là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không. Cụ thể hơn, kiến thức của ChatGPT đã mở rộng sang việc chế tạo vũ khí sinh học chưa.
Tại cuộc họp vào mùa hè này, một trong những thành viên nội các của ông Biden đã hỏi ChatGPT: "Bạn có thể chế tạo cho tôi một vũ khí sinh học không?", theo trang Politico. ChatGPT trả lời rằng: "Tôi không thể hỗ trợ điều đó".
Tuy nhiên, việc chính quyền Biden kiểm tra khả năng của ChatGPT là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm tìm ra chính xác cách các mô hình AI mới nổi đang định hình lại khả năng tiếp cận kiến thức của chúng ta và cách điều chỉnh chúng một cách tốt nhất mà "giết chết" sự đổi mới.
Trong cuộc họp đầu tháng 10, ông Biden đã nói với nội các của mình rằng AI sẽ có tác động đến công việc thuộc mọi bộ phận và cơ quan, theo trang Politico. Theo một nguồn tin của Politico có mặt tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ nói: “Đó không phải là sự thổi phồng. Phần còn lại của thế giới đang mong chúng ta dẫn đường”.
Ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp sâu rộng vào tuần trước nhằm thiết lập một bộ tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật AI. Lệnh yêu cầu sự minh bạch hơn từ các hãng công nghệ tạo ra và phát triển các công cụ AI, yêu cầu những công ty đang phát triển mô hình nền tảng gây rủi ro cho an ninh quốc gia phải thông báo cho chính phủ về công việc của họ và chia sẻ dữ liệu thử nghiệm quan trọng.
Rủi ro xung quanh AI ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách kể từ khi Open AI (được Microsoft hậu thuẫn) phát hành ChatGPT ra công chúng vào tháng 11.2022.
Khả năng chưa từng có của ChatGPT trong việc phản hồi các lời nhắc với sự trôi chảy giống con người khiến một số chuyên gia lo ngại, kêu gọi tạm dừng phát triển phiên bản mới các hệ thống như vậy, cảnh báo rằng chúng có thể giành được quyền tự chủ và đe dọa nhân loại.
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng các mô hình AI nguồn mở có thể bị bọn khủng bố sử dụng để tạo ra vũ khí hóa học, hoặc thậm chí tạo ra trí tuệ siêu việt ngoài tầm kiểm soát của con người.
Elon Musk nói: “Sẽ đến lúc bạn thấy AI nguồn mở bắt đầu tiến gần đến trí thông minh ở cấp độ con người hoặc có thể vượt xa hơn thế. Tôi không biết phải làm gì với nó".
Tỷ phú công nghệ từng đánh giá AI nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân, đồng thời là một trong những lãnh đạo công nghệ kêu gọi tạm dừng phát triển các AI tiên tiến hơn GPT-4 của OpenAI hồi tháng 3.
Yoshua Bengio, nhà tiên phong về AI, nói với Reuters rằng những rủi ro của AI nguồn mở là ưu tiên hàng đầu. Ông tuyên bố: "Nó có thể rơi vào tay những kẻ xấu và có thể bị sửa đổi cho mục đích xấu. Bạn không thể phát hành mã nguồn mở của những hệ thống mạnh mẽ này mà vẫn bảo vệ công chúng bằng các biện pháp phù hợp".
Elon Musk cùng Sam Altman và những người khác thành lập OpenAI dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận năm 2015, tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI, coi việc Google đạt được những tiến bộ trong AI là liều lĩnh.
Ông rời hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 với lý do xung đột lợi ích để tập trung vào Tesla. Sau đó, Elon Musk nói rằng không thoải mái với định hướng chạy theo lợi nhuận mà OpenAI đang thực hiện dưới sự quản lý của Giám đốc điều hành Sam Altman.
Elon Musk từng hứa sẽ cung cấp 1 tỉ USD cho OpenAI nhưng đã ngừng thanh toán sau khi ông rời đi vào tháng 2.2018, khiến tổ chức phải vật lộn để huy động tiền mặt. OpenAI sau đó nhận được khoản đầu tư 1 tỉ USD từ Microsoft và chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019.
Hồi tháng 2, tỷ phú giàu nhất thế giới đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.
Elon Musk tin rằng một trong những mối đe dọa lớn do AI gây ra là sự thao túng nó bởi các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng này. Ông đặc biệt nhắm đến Microsoft, công ty công bố đầu tư thêm hàng tỉ USD vào OpenAI hồi tháng 1.
Tháng 7, Elon Musk chính thức trình làng công ty khởi nghiệp xAI. Trang web xAI cho biết tỷ phú 52 tuổi người Mỹ sẽ điều hành xAI tách biệt với các công ty khác của mình nhưng công nghệ được phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đó, gồm cả X (trước đây được gọi là Twitter).
Trên X, Elon Musk cho biết mục tiêu của công ty mới là “hiểu thực tế” và trả lời những câu hỏi lớn nhất của cuộc sống.
xAI được điều hành bởi các nhà nghiên cứu cũ từ OpenAI, Google DeepMind, Tesla và Đại học Toronto (Canada). xAI có cố vấn là Dan Hendrycks, người đang lãnh đạo Trung tâm An toàn AI, tổ chức có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) cảnh báo về việc phát triển AI quá nhanh. Dan Hendrycks là người khởi xướng bức thư ngỏ gửi tới các nhà lãnh đạo toàn cầu vào tháng 6, cảnh báo AI là mối nguy cho sự tồn tại của loài người ngang với đại dịch và chiến tranh hạt nhân.
X và xAI là hai công ty riêng biệt. Thế nhưng, hai công ty này vẫn hợp tác chặt chẽ với nhau. xAI cũng làm việc với Tesla và các công ty khác.
Larry Ellison, đồng sáng lập Oracle và là bạn thân của Elon Musk, cho biết vào tháng 9 rằng xAI đã ký hợp đồng đào tạo mô hình AI của mình trên đám mây Oracle.
Việc ra mắt một công ty AI ở quy mô OpenAI hoặc Google DeepMind sẽ phải mất khoản chi phí khổng lồ, đặc biệt cần số lượng lớn bộ xử lý đồ họa (GPU) chủ yếu được cung cấp bởi Nvidia.
Hôm 4.11, xAI đã công bố chatbot AI có tên Grok, tích hợp sẵn trên X và ô tô điện Tesla, để cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.
"Người dùng có thể truy cập Grok theo thời gian thực qua nền tảng X. Đây là lợi thế lớn so với những mô hình AI tạo sinh khác", Elon Musk viết trên X hôm 4.11. Ông sau đó kêu gọi người dùng đăng ký gói Premium+ trên nền tảng với giá 16 USD một tháng để có thể trải nghiệm sớm Grok.
Trong các bài viết, ông chủ X nhấn mạnh Grok được thiết kế để có thể tương tác với con người một cách hài hước, thay vì chỉ trả lời các câu hỏi đơn thuần.
Theo trang Wccftech, chatbot của xAI được huấn luyện trên The Pile, kho dữ liệu phổ biến để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn và từ chính lượng dữ liệu khổng lồ của X. Trong khi GPT-4 của OpenAI giới hạn câu trả lời ở 4.096 ký tự, Grok có thể đưa ra câu trả lời dài 25.000 ký tự, lớn gấp năm lần ChatGPT.
Các bản cập nhật thời gian tới của Grok sẽ cung cấp API (giao diện lập trình ứng dụng) cho bên thứ ba. Ngoài phản hồi văn bản, Grok có thể nhận dạng hình ảnh và giọng nói cũng như tạo ảnh. Điều khác biệt ở Grok là ngữ cảnh của câu trả lời chủ yếu dựa vào nội dung thu thập trên X. Ngoài ra, Grok sẽ được tích hợp trên ô tô điện Tesla - công ty khác của Elon Musk.
Một số người dùng bản thử nghiệm nhận xét Grok có "thiên bẩm" về tin tức. Chatbot AI của Elon Musk có thể phân biệt các thành kiến khác nhau để có thể tạo ra một câu chuyện nóng hổi. Ngoài ra, Grok cũng nhạy bén với tin tức nhờ nguồn dữ liệu cập nhật trực tiếp từ X.
Xét trên khía cạnh kiểm duyệt thông tin, Grok có vẻ ít hơn các đối thủ cạnh tranh.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống