Phát hiện hành tinh có thể hỗ trợ sự sống cách Trái Đất 35 năm ánh sáng

 
Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Daily Mail

Theo Daily Mail (Anh), nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hành tinh Ngoài Hệ Mặt Trời Trottier (Canada), sử dụng kính viễn vọng không gian TESS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đã phát hiện một “siêu Trái Đất” có điều kiện lý tưởng để tồn tại sự sống. Hành tinh này có tên L 98–59 f, nằm cách Trái Đất khoảng 35 năm ánh sáng.

L 98–59 f là một trong 5 hành tinh quay quanh sao lùn đỏ L 98–59, nhưng chỉ hành tinh này được xác định nằm trong vùng có thể ở được, là khu vực mà nước dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt, yếu tố thiết yếu cho sự sống như chúng ta biết.

Ông Charles Cadieux, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Việc phát hiện một hành tinh ôn hòa trong một hệ sao nhỏ gọn như vậy khiến khám phá này trở nên đặc biệt hấp dẫn. Nó cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc của các hệ hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu những hành tinh quay quanh sao lùn đỏ”.

Hệ sao L 98–59 lần đầu được phát hiện vào năm 2019 với bốn hành tinh đã biết. Tuy nhiên, nhờ phân tích dữ liệu bổ sung từ kính viễn vọng mặt đất và không gian, nhóm nghiên cứu đã xác nhận sự tồn tại của hành tinh thứ năm.

Điểm đáng chú ý là L 98–59 f không đi ngang qua phía trước ngôi sao chủ — hiện tượng gọi là “transit”, vốn thường được các nhà thiên văn học sử dụng để phát hiện hành tinh. Thay vào đó, hành tinh này được xác định nhờ các dao động nhỏ trong chuyển động của ngôi sao chủ, một phương pháp đòi hỏi độ chính xác cao.

Các chuyên gia ước tính L 98–59 f nhận được năng lượng từ sao chủ tương đương với lượng năng lượng Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Điều này cho thấy hành tinh nằm ổn định trong “vùng có thể ở được”, làm dấy lên kỳ vọng về khả năng tồn tại nước lỏng và tiềm năng sự sống.

Nghiên cứu mới cũng cung cấp thêm thông tin về bốn hành tinh còn lại trong hệ.

Chú thích ảnh
Hành tinh L 98-59 b có kích thước bằng khoảng 84% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng một nửa Trái Đất. Ảnh: Daily Mail

Hành tinh gần sao nhất, L 98–59 b, có kích thước khoảng 84% Trái Đất và chỉ nặng bằng một nửa. Hai hành tinh phía trong được cho là có đặc điểm giống với vệ tinh Io của Sao Mộc – nơi được biết đến với hoạt động núi lửa cực kỳ mãnh liệt. Trong khi đó, hành tinh thứ tư có thể là một thế giới nước, theo nhận định của nhóm nghiên cứu.

Theo ông René Doyon, đồng tác giả nghiên cứu, hệ hành tinh L 98–59 mang đến một cơ hội quý giá để trả lời nhiều câu hỏi then chốt của ngành thiên văn học.

“Với sự đa dạng về thành phần cấu tạo và đặc tính vật lý, L 98–59 là một phòng thí nghiệm lý tưởng để tìm hiểu: ‘Siêu Trái Đất’ và ‘tiểu Hải Vương’ được hình thành như thế nào? Các hành tinh đá quanh sao lùn đỏ có giữ được khí quyển theo thời gian không?”, ông nói.

Sau khi xác nhận hành tinh thứ năm và mở rộng hiểu biết về các hành tinh còn lại, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục sử dụng kính viễn vọng James Webb – thiết bị quan sát không gian tiên tiến nhất hiện nay – để nghiên cứu sâu hơn về hệ sao này.

Bà Alexandrine L’Heureux, đồng tác giả, chia sẻ: “Với những dữ liệu mới, L 98–59 đã gia nhập nhóm các hệ hành tinh nhỏ gọn gần Trái Đất mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thật phấn khích khi thấy nó được so sánh với những hệ nổi bật như TRAPPIST–1 trong hành trình giải mã cách các hành tinh nhỏ hình thành quanh sao lùn đỏ”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống