
Giai đoạn đầu đời của Sao Mộc chứa đựng những manh mối quan trọng về sự hình thành của Hệ Mặt Trời. Được mệnh danh là "kiến trúc sư" của các hành tinh, lực hấp dẫn khổng lồ của Sao Mộc đã góp phần định hình quỹ đạo của các hành tinh lân cận và tạo nên đĩa khí và bụi xoáy tròn, sau này hình thành nên "gia đình" các hành tinh quanh Mặt Trời.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy ngày 20/5 đã hé lộ khởi nguồn bí ẩn của Sao Mộc. Các nhà nghiên cứu Konstantin Batygin thuộc Viện Công nghệ California (Caltech) và Fred C. Adams thuộc Đại học Michigan đã truy ngược hình dạng cổ xưa của hành tinh khí khổng lồ này về thời điểm quan trọng, khoảng 3,8 triệu năm sau khi những hạt rắn đầu tiên xuất hiện trong Hệ Mặt Trời. Thời điểm này đánh dấu sự phai tàn của tinh vân tiền hành tinh - đám mây vật chất khổng lồ bao quanh Mặt Trời sơ sinh.
Để khám phá trạng thái ban đầu của Sao Mộc, nhóm nghiên cứu đã quan sát hai vệ tinh nhỏ và gần nhất: Amalthea và Thebe. Những vệ tinh tí hon này quay quanh hành tinh ở quỹ đạo thậm chí còn gần hơn cả Io - vệ tinh nhỏ nhất trong 4 vệ tinh Galileo lớn của Sao Mộc.
Điều thú vị là Amalthea và Thebe không quay trên quỹ đạo hoàn toàn phẳng. Độ nghiêng nhẹ của chúng đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu những manh mối quý giá. Bằng cách nghiên cứu những dao động quỹ đạo tinh tế này, hai nhà nghiên cứu Batygin và Adams đã có thể tính ngược thời gian để ước tính kích thước và sức mạnh ban đầu của Sao Mộc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Sao Mộc thời kỳ đầu có thể tích tương đương hơn 2.000 lần Trái Đất và được bao bọc bởi một từ trường đủ mạnh để định hình môi trường xung quanh một cách đáng kể.
Adams nhấn mạnh về dấu ấn mạnh mẽ mà quá khứ để lại trên Hệ Mặt Trời ngày nay: "Thật đáng kinh ngạc khi sau 4,5 tỷ năm, vẫn còn đủ manh mối để chúng ta tái hiện trạng thái vật lý của Sao Mộc vào thời kỳ mới hình thành".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống