Chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm bao bì, những loại nhựa có nguồn gốc sinh học này hiện chiếm chưa đến 1% sản lượng nhựa toàn cầu.
Nhựa sinh học là loại nhựa được sản xuất với lượng xăng ít hơn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp không phải hóa thạch như bã mía, ngô hoặc tinh bột lúa mì.
Theo định nghĩa ở châu Âu, nhựa sinh học là loại polymer có nguồn gốc sinh học và có khả năng phân hủy, cả trong môi trường tự nhiên và trong điều kiện công nghiệp. Yêu cầu tối thiểu để được xem là có nguồn gốc sinh học là 50%, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% vào năm tới.
Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang tiếp tục đưa ra ngày càng nhiều loại nhựa mới có nguồn gốc tự nhiên. Công ty hóa chất Arkema của Pháp đang phát triển nhựa sinh học PBAT được làm từ dầu thầu dầu, được sử dụng để sản xuất giày thể thao và nội thất ô tô. Một thương hiệu của Thụy Sĩ và các đối tác Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang nghiên cứu về Bananatex - một loại vải có khả năng phân hủy sinh học được làm từ lá chuối.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhựa sinh học đều phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Một số loại nhựa như PLA (axit polylactic) cần được ủ trong công nghiệp ở nhiệt độ từ 35 - 60 độ C.
Theo Quỹ Heinrich Boll, hầu hết các loại nhựa có nguồn gốc sinh học đều không thể phân hủy sinh học hoặc ủ phân hoàn toàn. Do đó, bà Nathalie Gontard, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp, đánh giá nhựa có nguồn gốc sinh học không mang lại lợi ích thực sự vì chúng không phân hủy tự nhiên mà phân hủy thành nhựa siêu nhỏ và nano.
Bà Gontard nhấn mạnh sự mơ hồ xung quanh thuật ngữ "phân hủy sinh học", lưu ý rằng các định nghĩa rất khác nhau. Một số vật liệu được coi là có thể phân hủy sinh học nếu chúng phân hủy trong vòng vài tháng hoặc vài năm, trong khi những vật liệu khác có thể mất nhiều thời gian hơn.
Mặc dù nhựa có nguồn gốc sinh học có thể làm giảm lượng khí thải CO2 trong ngành nhựa, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nhu cầu tăng đối với đất nông nghiệp để trồng nguyên liệu thô có thể dẫn đến thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc nạn phá rừng, từ đó có nguy cơ làm tăng lượng khí thải CO2.
Bà Pauline Debrabandere từ tổ chức phi chính phủ Zero Waste nhấn mạnh rằng việc sản xuất nhựa sinh học chuyển gánh nặng sang đất nông nghiệp, vốn chủ yếu được sử dụng để sản xuất lương thực.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống