Cuộc tranh luận về khái niệm “chiến tranh nguồn nước” đã nổ ra giữa các chuyên gia về nước trong gần 4 thập niên. Năm 1988, ông Boutros Boutros-Ghali (người sau này trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc) nói rằng các cuộc chiến tiếp theo sẽ là tranh chấp nguồn nước. Tuy nhiên, từ đó đến giờ, không có trường hợp rõ ràng nào về giành giật nguồn nước, khiến cho tuyên bố táo bạo khi ấy có vẻ hơi sai lầm.
Vì vậy, điều ngược lại có thể đúng? Liệu việc chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới có thể là một cơ chế tạo ra hòa bình lâu dài, ngay cả khi nguồn nước sẵn có khan hiếm?
Quản lý tình trạng khan hiếm nước
Lưu vực sông Jordan, theo bất kỳ cách đánh giá nào, là một trong những khu vực khô hạn nhất trên thế giới. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều có nguồn nước bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với ngưỡng được toàn cầu coi là “khan hiếm nước”.
Bình thường, con sông mà chúng ta nhìn thấy trên bề mặt chỉ là một phần của lưu vực rộng hơn nhiều. Trong trường hợp sông Jordan, lưu vực của nó có diện tích tương đương Thổ Nhĩ Kỳ. Các dòng ở lưu vực này chảy vào Biển Chết và nguồn nước của nó được chia sẻ bởi Israel, Jordan, Lebanon, Palestine và Syria.
Mỗi nước có cách tiếp cận riêng để giải quyết tình trạng khan hiếm nước. Điều này đã gây ra những hậu quả sâu sắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội và công cuộc bảo vệ môi trường của họ.
Jordan và Syria đang phải vật lộn với vấn đề quản lý nước, điều này phần nào phản ánh năng suất kinh tế thấp hơn (GDP bình quân đầu người lần lượt là 4.100 USD và 1.100 USD).
Ngược lại, Israel đã sử dụng các giải pháp công nghệ cao để quản lý nước và đổi mới đáng kể trong ứng dụng nông nghiệp, trở thành nước dẫn đầu thế giới về tưới nhỏ giọt. Những thành tựu công nghệ như vậy được phản ánh qua GDP bình quân đầu người tương đối cao 42.000 USD.
Lịch sử hợp tác và xung đột
Sự khan hiếm nước kéo theo sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy nguồn nước hạn chế. Thông thường, sự cạnh tranh như vậy không chỉ tồn tại xuyên biên giới quốc tế mà còn giữa các lĩnh vực khác nhau trong một quốc gia. Trong vô số tình huống liên quan đến nguồn nước chung, các quốc gia đã ngồi vào bàn đàm phán với nhau và tìm cách giải quyết những thách thức về nước.
Ví dụ kinh điển về sự hợp tác như vậy là Hiệp ước Nước Indus giữa hai đối thủ gay gắt Ấn Độ và Pakistan, kéo dài từ năm 1960 trải qua các cuộc chiến tranh và quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước.
Tại lưu vực sông Jordan, một ví dụ sâu sắc là “các cuộc đối thoại tại bàn ăn dã ngoại” giữa Jordan và Israel. Đó là quá trình quản lý nước chung bắt đầu từ năm 1953 và không hề gián đoạn ngay cả khi hai nước chính thức có chiến tranh từ năm 1948 cho đến khi đạt được Hiệp ước Hòa bình Israel - Jordan năm 1994.
Thỏa thuận chia sẻ nước chính thức giữa Israel và Jordan trên sông Yarmouk, một nhánh của sông Jordan, có thể được tìm thấy trong phụ lục II của hiệp ước năm 1994. Mặc dù thỏa thuận còn lâu mới hoàn hảo và bị chỉ trích vì không xem xét thỏa đáng quyền lợi của người Palestine ở hạ lưu, nhưng nó vẫn tồn tại.
Thỏa thuận không đề cập đến Cao nguyên Golan nhưng lại cho phép Israel sử dụng nước phát ra từ đó. Một thỏa thuận khác năm 1984 giữa Jordan và Syria về sông Yarmouk cũng được thực hiện và được phát triển để cho phép xây dựng đập El Wahdat (có nghĩa là Thống nhất).
Tuy nhiên, việc hợp tác quản lý các nguồn nước chung không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ ở lưu vực sông Jordan. Ví dụ, đã xảy ra xung đột gay gắt về việc chia sẻ nước giữa Lebanon và Israel, sau khi Israel rút khỏi lãnh thổ Lebanon vào năm 2000. Lebanon muốn đào các giếng Wazzani ở khu vực thượng nguồn sông Jordan có khả năng ảnh hưởng đến dòng nước ngầm chảy vào Israel.
Mỗi bên đều cáo buộc bên kia hành động thiếu thiện chí và vi phạm luật pháp quốc tế. Tình trạng này cuối cùng đã được giải quyết thông qua sự can thiệp của Liên minh Châu Âu và Mỹ. Nhờ vậy, các giếng đã được hình thành.
Nhìn chung, những ví dụ này củng cố thêm lập luận rằng việc chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới có thể được sử dụng để thúc đẩy hợp tác. Điều quan trọng là những cuộc thảo luận kỹ thuật này cũng mở ra cơ hội tiến hành đối thoại gián tiếp về các vấn đề chính trị khác.
Suy nghĩ sáng tạo
Có một ví dụ đáng chú ý khác về cách Israel, Jordan và Palestine đã cùng nhau phát triển một sáng kiến toàn khu vực bất chấp những diễn biến căng thẳng.
Ý tưởng đột phá về việc chuyển nước từ Biển Đỏ sang Biển Chết (RSDS) ban đầu được hình thành vào năm 1998 nhằm cứu Biển Chết đang bị thu hẹp nhanh chóng, đồng thời tạo ra năng lượng thủy điện do độ cao giữa hai biển chênh đến 500 mét.
Năng lượng đó có thể được sử dụng để khử muối một phần nước đưa vào sử dụng ở Jordan cũng như ở Israel và Palestine. Dự án này sẽ tạo cơ hội việc làm cho Jordan, tạo ra nước cũng như năng lượng rất cần thiết và có thể trở thành biểu tượng của hòa bình.
Thỏa thuận về sáng kiến RSDS đã được ký kết vào năm 2005 giữa Israel, Jordan và Palestine thông qua sự trung gian của Ngân hàng Thế giới. Sự triển khai toàn diện đã được khởi công vào năm 2013.
Việc chia sẻ hiệu quả nguồn nước sông Jordan có thể là con đường dẫn đến hòa bình lâu dài trong khu vực. Dự án RSDS có thể không sớm được hồi sinh vì tình hình bất ổn chính trị và xung đột vũ trang hiện nay trong khu vực. Tuy nhiên, nó đã chứng minh rằng dám nghĩ đến những ý tưởng táo bạo có thể dẫn đến các giải pháp đôi bên cùng có lợi và đưa những đối thủ gay gắt vào bàn đàm phán.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống