Từ đồng minh thân thiết đến kẻ thù giấu mặt
Trong lịch sử, giun đất từng bị đánh đồng với ốc sên là những loài gây hại trong vườn và được cho là ăn rễ hoa, rễ rau hay củ bên dưới bề mặt đất. Chúng bị coi như sâu dưới đất (tiếng Anh vẫn gọi là earthworm) nên bị đuổi cùng giết tận khỏi vườn cho đến khi những nhà sinh vật học hiểu biết giống như Charles Darwin đưa ra những quan sát cho thấy giá trị của giun đất.
Giun đất đôi khi được gọi là “máy cày của Darwin” bởi chúng đào xới đất một cách tự nhiên và tăng độ phì nhiêu cho đất bằng cách kéo những chiếc lá xuống đất. Điều đó giúp đất màu mỡ hơn nhờ lá phân hủy.
Giun đất cũng được coi là kỹ sư hệ sinh thái vì có ảnh hưởng to lớn đến môi trường của chúng ta. Thực vậy, chúng thực hiện nhiều hoạt động có lợi cho chúng ta, chẳng hạn như tạo mùn, thoát nước và thông khí cho đất. Chúng cũng là nguồn thức ăn giàu protein cho chim và động vật có vú. Thật không may, giờ đây chúng đối diện với thực tế u ám và bắt đầu làm loạn ở một số vùng.
Giun đất châu Âu, chẳng hạn như loài giun đất nổi tiếng Lumbricus terrestris, là loài giun lớn và có sắc tố sẫm màu mà bạn có thể từng thấy chúng quằn quại khi lộ trên mặt đất. Hiện chúng không còn chỉ ở châu Âu mà đã được tìm thấy trên toàn thế giới. Nhiều thế kỷ trước, giun đất châu Âu đã theo chân con người du hành trên vùng đất trồng trọt và trồng cây ăn quả. Chúng không muốn viễn du mà bị con người đưa đến những vùng đất mới. Ở những trang trại mới cần cày xới, chúng được coi là cứu tinh và thực sự những con giun được đưa vào vùng đất mới đã miệt mài thúc đẩy sản xuất lương thực.
Gần đây, những loài giun đất được du nhập này đã tự thiết lập ở những môi trường sống tự nhiên hơn, chẳng hạn như ở các khu rừng ôn đới ở Bắc Mỹ. Thông thường, việc chúng đến những khu rừng này chỉ là trong vai trò mồi câu bị bỏ đi khi con người kết thúc một buổi câu cá. Ở môi trường mới, thói quen chôn vùi lá rụng và xới đất của giun đất đã gây ra nhiều vấn đề, làm thay đổi nghiêm trọng trạng thái dinh dưỡng của đất, làm lộ rễ cây và giảm độ che phủ cho các loài chim làm tổ trên mặt đất (chim non dễ bị động vật săn mồi phát hiện).
Giun đất hiện được coi là loài ngoại lai xâm lấn trong các hệ sinh thái như vậy. Xa hơn về phía bắc, trong các khu rừng ở Bắc Cực và cận Bắc Cực thuộc Canada, một vấn đề lớn hơn đang gia tăng.
Đất ở Bắc Cực được cho là lưu trữ khoảng một nửa tổng lượng carbon bị giam giữ trong đất trên toàn cầu. Rủi ro lớn nhất đối với việc lưu trữ carbon của rừng phương bắc thường là cháy rừng, thứ có thể gia tăng do nhiệt độ toàn cầu tăng cao.
Nhưng giun đất thực sự có thể là mối đe dọa lớn không kém nguy hiểm. Khi vùng đất từng được bao phủ bởi băng (hoặc ở trạng thái đóng băng bán vĩnh viễn) tan chảy, các chất dinh dưỡng giàu carbon vốn bị đất chôn vùi suốt hàng nghìn năm sẽ trở nên dễ tiếp cận đối với vi sinh vật và động vật sống trong đất.
Sau kỷ băng hà gần nhất, không còn loài giun đất nào hiện diện ở vùng đất phía bắc. Vì sinh vật này phát triển lãnh địa trên Trái đất với tốc độ rất chậm trong điều kiện bình thường (chỉ 10 mét mỗi năm), nên chúng không thể đến được những khu vực gần Bắc Cực trong nhiều thế kỷ.
Thoát chết để bắc tiến và giải phóng carbon
Nhưng thông qua việc xây dựng đường sá và theo đuổi các hoạt động giải trí như câu cá, con người gần đây đã vô tình đưa giun đất vào những khu vực đang chờ tan băng. Một lần nữa, giun sau khi thoát chết đã tổ chức một mặt trận chinh phục vùng đất mới.
Bằng cách thực hiện hành vi tự nhiên, giun đất đang giải phóng carbon từ vùng đất này và phần lớn carbon được thải vào khí quyển dưới dạng carbon dioxide. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 dự đoán tổn thất trung bình bởi giun đất mỗi năm là 10 gram carbon trên một mét vuông sàn rừng - một con số tương tự như lượng khí thải do cháy rừng hoặc chặt cây để lấy gỗ.
Bạn có thể nghĩ giun đất sẽ phải vật lộn để sống sót qua mùa đông ở Bắc Cực nên khó phản công được chúng ta trong cuộc chiến chống khí thải carbon. Thế nhưng, một số loài, chẳng hạn như giun hình bát giác (Dendrobaena octaedra) có khả năng chịu lạnh tương đối tốt và trứng của chúng có thể sống sót ở môi trường lạnh âm 35 độ C. Những loài khác, chẳng hạn như giun thùy, có thể đào sâu để tồn tại bất chấp phía trên đóng băng. Những loài như vậy một khi đã hình thành hậu phương vững chắc thì không dễ bị tiêu diệt.
Trong những loại đất mới có này, giun đất đang cộng tác với nhiều loại vi sinh vật và cho phép chúng phân hủy dễ dàng hơn các chất thực vật vốn trước đây bị nhốt trong băng, tạo ra một lượng lớn carbon dioxide, metan và các khí nhà kính khác trong quá trình này.
Điều này tạo ra một vòng phản hồi dương đẩy mạnh việc giải phóng khí nhà kính, sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng nhiệt độ. Đây có lẽ là một quá trình không thể ngăn cản vì như đã nói giun trong lòng đất với số lượng lớn thì rất khó để đánh bại. Sẽ sai lầm nếu tuyên chiến với giun đất vì một lần nữa cần nhắc lại ở đầu bài viết về vai trò tích cực của giun đất đối với nền nông nghiệp thế giới, chúng là ân nhân trong mỗi bữa ăn của chúng ta.
Nếu giun đất được ở yên trong môi trường mà nó sống tự nhiên như những vùng đất nông nghiệp (như ở Việt Nam) thì chúng mãi mãi là đồng minh của chúng ta. Chỉ khi con người lợi dụng giun đất và đưa chúng lên những vùng đất lạnh lẽo dù vô tình (đi câu) hay có chủ ý (làm nông nghiệp) thì chúng mới bị đẩy vào hoàn cảnh trở thành kẻ thù của chúng ta bằng cách phá kho carbon lưu trữ trong đất.
Hành động đúng đắn nhất đối với giun đất là ngăn chặn sự xâm nhập vô tình của chúng tới các địa điểm xa hơn ở cận Bắc Cực thông qua giáo dục hành vi của con người.
Trên toàn cầu, chúng ta phải bắt đầu giải quyết các vấn đề khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến chúng ta, của giun đất và thực sự là của mọi sinh vật sống trên Trái đất.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống