Mua bán - sáp nhập: Sự trỗi dậy của nhà đầu tư nước ngoài

 

Tại Hội thảo xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam tổ chức ngày 12-3, chuyên gia cho biết từ năm 1996 đến 2022, tại Việt Nam có 2.650 thương vụ M&A với khoảng 5,7 tỉ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế

Riêng 10 tháng đầu năm 2023, tại Việt Nam giá trị M&A đạt 4,4 tỉ USD, với 265 thương vụ, trung bình đạt 54,5 triệu USD/thương vụ.

Nhà đầu tư ngoại sẽ chiếm ưu thế. Đơn cử như Nhật Bản do tình hình kinh tế, đồng yen mất giá, lo ngại đồng yen tiếp tục rớt giá, DN Nhật mang tiền đầu tư ở nước ngoài.

TS Nguyễn Tuấn Anh, Trường ĐH RMIT Nam Sài Gòn, cho biết top 5 thương vụ có giá trị nhất trong 10 tháng năm 2023 thuộc về các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Thái Lan.

Đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam là Công ty Cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy).

Ngoài ra, nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ - Bain Capital đầu tư vào Tập đoàn Masan 200 triệu USD.

“Xu hướng tương lai là sự trỗi dậy của nhà đầu tư nước ngoài. Vừa qua, một tập đoàn Trung Quốc thông tin muốn mua Bách Hóa Xanh. Đây có thể là thương vụ tiêu biểu của năm 2024, khi các nhà đầu tư sẽ nhắm tới những DN có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài như ngành nông nghiệp và thực phẩm, với nền tảng cơ bản của nền kinh tế - sản xuất và phân phối thực phẩm.

nhà đầu tư
Hội thảo xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) ngày 12-3, chuyên gia cho biết từ năm 1996 đến 2022, tại Việt Nam có 2.650 thương vụ M&A với khoảng 5,7 tỉ USD. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngoài ra, các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm và tiến hành M&A trong các lĩnh vực có thể tận dụng được mức giá rẻ như bất động sản, xây dựng” - TS Anh nói.

Luật sư Đào Tiến Phong, Công ty tư vấn InvestPush, cho biết hiện công ty đang làm việc với ba quỹ đầu tư của Singapore, Mỹ, Trung Quốc.

Phía Mỹ có dòng tiền lớn muốn vào Việt Nam theo dạng cho vay kèm điều kiện chuyển đổi cổ phần. Sẵn sàng đầu tư cho dự án về sản xuất, bất động sản với các thương vụ vài chục triệu USD, lãi suất cho vay thấp 2%-3%.

Trong khi đó, quỹ đầu tư của Singapore tập trung vào mảng giáo dục, y tế.

Nhà nước cần hỗ trợ tháo gỡ môi trường kinh doanh

Theo luật sư Đào Tiến Phong, Công ty tư vấn InvestPush, khâu đàm phán pháp lý và những điều kiện pháp lý trên hợp đồng mua bán là rào cản lớn của DN Việt khi tham gia các hoạt động M&A.

Đầu tiên, DN Việt thiếu chuyên gia quốc tế, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược đàm phán M&A nên dễ rơi vào thế bị động trước các bên mua giàu kinh nghiệm với những yêu cầu sâu, nặng tính chuyên môn về pháp lý nên thường ở vào thế yếu trong khâu đàm phán, ảnh hưởng đến tâm lý đàm phán, dẫn đến DN Việt bị thua thiệt.

Bên cạnh đó, chính sách Việt Nam cho đến nay vẫn ưu đãi các DN đầu tư nước ngoài hơn DN trong nước. Do đó, vị thế DN Việt trong các thương vụ M&A thì DN tư nhân Việt Nam bị yếu thế hơn.

“Đây là cái khó mà chính sách vĩ mô cần tháo gỡ để DN tiếp cận nguồn vốn bên ngoài khi điều kiện vốn trong nước chưa đủ tốt, tạo điều kiện để DN tư nhân tiếp cận công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng quản trị tiên tiến… để phát triển bền vững hơn” - chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Đối với nhà đầu tư Trung Quốc, ngoài mua các nhà hàng, quán ăn, gần đây tập trung tìm kiếm thương vụ, trong đó các nhà máy đã có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, với hình thức mua một phần hoặc toàn bộ cổ phần.

“Nguyên nhân do việc thành lập nhà máy tại Việt Nam cần nhiều thời gian, nếu M&A một DN Việt Nam có sẵn đơn hàng đi châu Âu, Mỹ, họ có thể thay đổi ngành hàng để tiến vào các thị trường này” - ông Phong cho biết.

Vốn ngoại khả thi hơn?

Về nguyên nhân, gần đây thị trường M&A thu hút mạnh các nhà đầu tư ngoại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều DN buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.

Và DN tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài đang là xu hướng khả thi hơn nguồn vốn trong nước.

“Chúng ta hiện có hàng triệu tỉ đồng chờ rót vào nền kinh tế. Tuy nhiên, huy động như thế nào, ai đứng ra huy động, làm cách nào để phân bổ nguồn vốn đó đến các DN hoặc khả năng của DN tiếp cận được nguồn vốn thế nào thì rất khó.

nhà đầu tư
Doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài đang là xu hướng khả thi hơn nguồn vốn trong nước. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngoài ra, chi phí vốn trong nước rất đắt đỏ, cao hơn so với các nước trong khu vực, chưa kể đến các nước phát triển.

Bên cạnh yếu tố vốn, nguyên nhân khiến sức hút của nhà đầu tư ngoại lớn là do các DN tìm kiếm các yếu tố công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường, tận dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết khi mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài qua các thương vụ M&A” - chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bên cạnh việc DN Việt M&A để tìm kiếm nhà đầu tư mới chung sức phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh thì còn có nhiều DN muốn bán đứt để chuyển mục đích khác.

Điều này sẽ khiến nội lực kinh tế Việt Nam yếu đi, đặc biệt với một số ngành hàng có lợi thế xuất khẩu nếu để rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài chi phối thị trường nhiều hơn.

Chính vì vậy, làm sao để DN tiếp cận các nguồn vốn tốt hơn, kể cả trong và ngoài nước, là việc Chính phủ và các nhà làm chính sách cần phải quan tâm hơn nữa.

Cần giúp cho DN Việt, đa phần nhỏ và siêu nhỏ có thể “lớn lên” để có vị thế tốt hơn trong tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn.

Nếu các DN mãi nhỏ, quá thiếu, yếu về các mặt, không có vị thế thì không thể tìm kiếm các nhà đầu tư mới.

Trong khi hiện nay, yêu cầu đầu tiên và quan trọng mà các nhà đầu tư đòi hỏi ở DN chính là năng lực kinh doanh nhất định đáp ứng yêu cầu tìm kiếm lợi nhuận, xác lập vị thế ở thị trường thì họ mới tham gia góp vốn vào.

Năm 2023, Nhật Bản đứng đầu thị trường M&A Việt Nam với 1,6 tỉ USD, gồm thương vụ nổi bật Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi 1,45 tỉ USD mua 15% cổ phần tại VPBank.

Gói 120.000 tỉ: Ngân hàng bảo 'đỏ mắt tìm khách', doanh nghiệp than 'lãi suất cao'

Gói 120.000 tỉ: Ngân hàng bảo 'đỏ mắt tìm khách', doanh nghiệp than 'lãi suất cao'

(PLO)- Nhiều doanh nghiệp 'than' khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội. Trong khi ngân hàng cho biết rất muốn cho vay, "đỏ mắt tìm khách hàng".

Tháng 11-2023, cùng lúc có ba thương vụ M&A là Sojitz tiến hành mua đứt 100% Đại Tân Việt với số vốn không được tiết lộ.

Sojitz cũng đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD), chuỗi cửa hàng Ministop của AEON Mall…

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống