Ngày 18-12, lãnh đạo UBND TP Hội An (Quảng Nam) xác nhận, TAND TP đang thụ lý một số đơn của nạn nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm hồi giữa tháng 9 khởi kiện chủ tiệm Bánh mì Phượng (đường Phan Châu Trinh, TP Hội An).
Nguyên đơn được xác định là những du khách đến từ Hà Nội, được cho là bị ngộ độc sau khi ăn Bánh mì Phượng.
Bên cạnh đó, có thông tin một số du khách người Trung Quốc cũng đã uỷ quyền cho luật sư người Việt Nam làm đơn khởi kiện chủ tiệm này cũng vì lý do gây ra ngộ độc, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, cũng như chuyến du lịch của họ.
Trong ngày 17-12, tiệm Bánh mì Phượng mở cửa trở lại. Sau khi nhận thông tin, cơ quan chức năng đã kiểm tra, yêu cầu chủ tiệm Bánh mì Phượng chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh.
Trả lời PLO qua điện thoại, bà Trương Thị Phượng, Chủ tiệm Bánh mì Phượng, cho rằng đây không phải mở cửa hoạt động trở lại mà là “thử nghiệm mời anh em bà con”.
“Có bán đâu, ai cũng nghĩ tôi bán. Tôi mở cửa mời anh em, bạn bè, hàng xóm… vì vừa đổi công nghệ”, bà Phượng nói.
Bà Phượng cho hay, đến ngày 3-1-2024, tiệm của bà mới được phép mở cửa hoạt động. Dự kiến, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra trước khi mở cửa hoạt động trở lại.
Như PLO thông tin, giữa tháng 9-2023, ngành y tế tỉnh Quảng Nam ghi nhận 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn Bánh mì Phượng. Kết quả kiểm nghiệm, mẫu thịt heo xíu (có trong bánh mì) chế biến ngày 11-9 phát hiện Salmonella spp.
Ngày 3-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng.
Theo quyết định, cơ sở này thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước; không lưu mẫu thức ăn; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Ngoài ra, bánh mì Phượng còn vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ năm người trở lên.
Sau khi xem xét các vi phạm và sự hợp tác của chủ cơ sở bánh mì Phượng, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định xử phạt cơ sở này 96 triệu đồng và đình chỉ hoạt động ba tháng.
Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ cơ sở bánh mì Phượng chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
Hộ kinh doanh bánh mì Phượng phải hoàn trả kinh phí cho các cá nhân, tổ chức bị ngộ độc thực phẩm được khám và điều trị tại các cơ sở y tế, chi phí vận chuyển mẫu cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống