Đến giờ có thể khẳng định rằng năm 2023 sẽ là năm nóng kỷ lục. Đó là điều mà không cơ quan khoa học khí hậu lớn nào dám dự báo vào đầu năm.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng khi con người vẫn còn đẩy mạnh việc thải ra các loại khí nhà kính làm nóng hành tinh như carbon dioxide, chủ yếu thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong khi giới khoa học đang cố gắng giải thích đầy đủ về sự gia tăng nhiệt độ "kinh khủng" vào năm 2023, thì đây là 4 lý do bổ sung có thể đằng sau sự gia tăng này.
El Niño diễn biến kỳ lạ
Một yếu tố quan trọng là sự khởi đầu nhanh chóng và bất thường của hệ thống thời tiết tự nhiên được gọi là El Niño.
Trong thời kỳ El Niño, nước bề mặt ấm hơn ở phía đông Thái Bình Dương sẽ giải phóng thêm nhiệt vào khí quyển. Điều này thường dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Biểu đồ phía trên cho thấy El Niño mới đang mạnh lên như thế nào. Như bạn có thể thấy, nó vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm như đợt cao kỷ lục hồi năm 2016, nhưng dự kiến sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.
El Niño 2023 đang diễn ra có thể còn tỏa ra nhiều hơi ấm hơn những lần trước, bởi vì thế giới trước đây đã ở trong một giai đoạn mát mẻ kéo dài - một hệ thống thời tiết trái ngược được gọi là La Nina.
La Nina đã hạn chế nhiệt độ toàn cầu trong một thời gian dài bất thường, vì hơi ấm ít có khả năng thoát ra khỏi mặt biển để bay vào khí quyển.
Nhưng vào lúc này, các đại dương tiếp tục hấp thụ lượng nhiệt kỷ lục, một phần trong số đó cuối cùng đã được thải ra khí quyển.
Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu tại Berkeley Earth (một tổ chức khoa học ở Mỹ) giải thích: Thông thường, giới khoa học dự kiến sẽ có độ trễ khoảng ba tháng kể từ khi El Niño đạt cường độ tối đa cho đến lúc nhiệt độ không khí toàn cầu đạt đỉnh. Nhưng nhiệt độ không khí đã tăng nhanh hơn nhiều trong đợt El Niño này so với những đợt trước. Rất là khó nắm bắt.
Cắt giảm khí ô nhiễm
Việc cắt giảm một số chất gây ô nhiễm không khí vốn nhằm mục đích làm sạch không khí mà con người hít thở. Thế nhưng, điều thực sự có thể gây ra hậu quả ngoài ý muốn là làm Trái đất nóng lên. Đó là vì một số hạt nhỏ trong không khí được gọi là sol khí, như sunfat hoặc bụi, có xu hướng phản xạ một phần năng lượng của Mặt trời trở lại không gian. Nhờ thế, những khí vốn có hại với sức khỏe con người lại vô tình làm mát bề mặt Trái đất.
Các quy định được đưa ra vào năm 2020 nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu vận chuyển sạch hơn đã làm giảm khoảng 10% lượng khí thải sulfur dioxide (SO2), một chất gây ô nhiễm không khí có hại cho mọi người trên toàn cầu. Nhưng điều này dường như đã làm tăng nhiệt độ, đặc biệt là ở các điểm nóng mật độ giao thông như Bắc Đại Tây Dương.
Leon Simons, một nhà nghiên cứu khí hậu tại Roma, giải thích: “Chúng tôi nhận thấy khá nhanh từ dữ liệu vệ tinh rằng ánh sáng mặt trời ít được phản chiếu hơn và các đại dương hấp nhiều ánh sáng mặt trời thụ hơn”.
Không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý về vai trò của sol khí trong việc giải thích các diễn biến khí hậu trong năm 2023.
Tiến sĩ Hausfather lập luận: “Thật khó để chứng minh rằng quy định mới về nhiên liệu vận chuyển vào năm 2020 lại tạo ra một bước nhảy vọt đột ngột vào năm 2023 trong khi chúng ta không hề thấy điều đó vào năm 2022”.
Núi lửa phun trào
Vào tháng 1.2022, đã xảy ra một vụ phun trào lớn của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dưới nước. Luồng phun trào đạt tới độ cao "chưa từng có" là 55km so với bề mặt Trái đất.
Điều quan trọng đối với khí hậu là nó cũng thải ra khoảng 150 triệu tấn hơi nước vào tầng bình lưu. Hơi nước là một loại khí nhà kính, giống như carbon dioxide, do đó có thể góp phần vào sự nóng lên của Trái đất.
Các nghiên cứu cho đến nay ước tính vụ phun trào chỉ có thể tác động hạn chế đến nhiệt độ không khí toàn cầu, ở mức dưới 0,05 độ C. Nhưng các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để xác định tác động đầy đủ của nó.
Mất 'bộ tản nhiệt' ở Nam Cực?
Dữ liệu vệ tinh cho thấy băng biển bao quanh Nam Cực thấp hơn nhiều so với mức mùa đông trước đó được ghi nhận.
Băng biển ở Bắc Cực đã sụt giảm từ lâu, nhưng cho đến năm 2017, băng biển ở Nam Cực vẫn tương đối ổn định. Bây giờ thì điều này có thể đang thay đổi, gây ra hậu quả đối với nhiệt độ toàn cầu.
Ít vùng băng sáng có khả năng phản chiếu ánh sáng hơn có nghĩa là bề mặt đại dương tối thế chỗ sẽ hấp thụ nhiều năng lượng của Mặt trời hơn. Hệ quả, điều này làm tăng tốc độ nóng lên trong không khí.
Martin Siegert, từ Viện Biến đổi Khí hậu Grantham, lưu ý: “Mối lo ngại là Nam Cực đã bắt đầu hoạt động giống như Bắc Cực. Không ai rõ liệu những thay đổi ở Nam Cực có phải là nguyên nhân chính góp phần vào sự ấm áp năm 2023 hay không. Nhưng nó cho thấy tốc độ nóng lên có thể tăng nhanh như thế nào trong tương lai.
Vậy có phải thế giới đang nóng lên nhanh hơn dự kiến?
Mặc dù tốc độ nóng lên dường như đã tăng nhanh trong những thập niên gần đây nhưng điều này vẫn chưa vượt quá phạm vi nhiệt độ mà các nhà khoa học dự báo dựa vào phần mềm mô phỏng khí hậu.
Điều này tạm mang lại sự yên tâm rằng thế giới vẫn chưa bước vào một giai đoạn mới của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên mới đây, một nhóm nhà khoa học hàng đầu khác đã cảnh báo rằng khí hậu có thể thay đổi nhanh hơn dự kiến trong tương lai.
Họ cho rằng khí hậu vẫn chưa phản ứng đầy đủ với lượng khí nhà kính đã thải ra. Trớ trêu thay, một lý do có thể khiến khí nhà kính hoành hành làm nóng hiện giờ vì thiếu những khí gây ô nhiễm như sunfua được thải trong quá trình đốt than ở các nhà máy nhiệt điện hay các động cơ chạy "nhiên liệu bẩn".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống