Một nhóm chuyên gia quốc tế hôm 15.11 cho biết số người chết vì nắng nóng cực đoan sẽ cao gần gấp 5 lần trong những thập niên tới, đồng thời cảnh báo rằng nếu không có hành động đối với biến đổi khí hậu thì “sức khỏe của nhân loại đang trên bờ vực nguy hiểm nghiêm trọng”...
Theo báo cáo The Lancet Countdown, một đánh giá quan trọng được các nhà nghiên cứu và tổ chức hàng đầu thực hiện hằng năm, sức nóng chết chóc chỉ là một trong nhiều hậu quả đe dọa sức khỏe con người mà bắt nguồn từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới ngày càng tăng.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo hạn hán thường xuyên hơn sẽ khiến hàng triệu người có nguy cơ thiếu lương thực, khiến các côn trùng trung gian truyền bệnh như muỗi lây lan xa hơn bao giờ hết. Hậu quả là các bệnh truyền nhiễm do muỗi sẽ tràn lan và hệ thống y tế sẽ phải vật lộn để đối phó với gánh nặng.
Đánh giá nghiêm trọng này được đưa ra trong thời điểm được coi là năm nóng nhất trong lịch sử loài người. Chỉ mới tuần trước, cơ quan giám sát khí hậu của châu Âu đã tuyên bố rằng tháng trước là tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận.
Báo cáo cũng được đưa ra trước thềm hội nghị đàm phán về khí hậu COP28 tổ chức tại Dubai vào cuối tháng này. Hội nghị ở Dubai cũng là lần đầu tiên sẽ tổ chức "Ngày sức khỏe" vào 3.12 - cơ hội để các chuyên gia cố gắng làm sáng tỏ tác động của sự nóng lên toàn cầu đối với sức khỏe.
Báo cáo của Lancet Countdown cho biết, bất chấp những lời kêu gọi hành động ngày càng tăng trên toàn cầu, lượng khí thải carbon liên quan đến sử dụng năng lượng vẫn đạt mức cao mới vào năm ngoái. Báo cáo không ngại chỉ ra chính khoản trợ cấp khổng lồ từ các chính phủ và dòng đầu tư của các ngân hàng tư nhân vào nhiên liệu hóa thạch là thủ phạm làm nóng hành tinh.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Theo nghiên cứu của Lancet Countdown, vào năm ngoái, mọi người trên thế giới phải đối mặt với 86 ngày có nhiệt độ trung bình đe dọa tính mạng, cao gấp đôi so với trước đó. Khoảng 60% số ngày đó được tạo ra do biến đổi khí hậu. Số người trên 65 tuổi tử vong vì nắng nóng giai đoạn năm 2013-2022 đã tăng 85% so với giai đoạn năm 1991 - 2000.
Marina Romanello, Giám đốc điều hành Lancet Countdown, cho biết: “Tuy nhiên, những tác động mà chúng ta đang thấy ngày nay có thể mới chỉ là triệu chứng ban đầu của một tương lai rất nguy hiểm”.
Theo kịch bản thế giới ấm lên thêm 2 độ C (so với thời tiền công nghiệp) vào cuối thế kỷ, số ca tử vong hằng năm liên quan đến nhiệt độ được dự đoán sẽ tăng 370% vào năm 2050, hay nói cách khác là tăng gấp 4,7 lần hiện nay. Và nguy hiểm hơn là biến đổi khí hậu hiện đang trên đà tăng tới 2,7 độ C (so với thời tiền công nghiệp) vào cuối thế kỷ chứ không phải là 2 độ như kịch bản trên.
Theo dự báo, khoảng 520 triệu người nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng vào giữa thế kỷ này. Và các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền sẽ tiếp tục lây lan sang các khu vực mới. Theo nghiên cứu, khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng 36% trong kịch bản nhiệt độ ấm lên 2 độ C.
Trong khi đó, hơn 1/4 số thành phố được các nhà nghiên cứu khảo sát cho biết họ lo lắng rằng biến đổi khí hậu sẽ vượt qua khả năng ứng phó. Theo Georgiana Gordon-Strachan – một chuyên gia của Lancet Countdown, quê hương Jamaica của bà hiện đang ở giữa đợt bùng phát sốt xuất huyết, đồng thời cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chồng chất”.
Gordon-Strachan nói: “Người dân sống ở các nước nghèo vốn không phải nguyên nhân chính phát thải khí nhà kính nhưng lại đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề đến sức khỏe”.
Di chuyển sai hướng
Tại hội nghị trực tuyến ra mắt báo cáo Lancet Countdown, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu rằng việc hạn chế sự nóng lên theo mục tiêu của thỏa thuận Paris là 1,5°C là một "mệnh lệnh vì sức khỏe cộng đồng".
Tedros nói: “Thế giới đang đi sai hướng khi chúng ta không thể kiềm chế cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch và khiến các cộng đồng yếu thế dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng rất cần thiết”.
Hôm 14.11, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng cam kết hiện nay của các quốc gia là quá nhỏ. Cụ thể các nước cam kết sẽ cắt lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2030 chỉ giảm 2% so với mức của năm 2019 . Con số này thấp hơn nhiều so với mức giảm cần thiết là 43% để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ.
Romanello cảnh báo rằng nếu không đạt được nhiều tiến bộ hơn về vấn đề phát thải thì “lời kêu gọi phải quan tâm hơn nữa sức khỏe cộng đồng trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, chỉ là những khẩu hiệu suông mà thôi”.
Tất nhiên, cũng có những tín hiệu tích cực trong bức tranh màu xám. Báo cáo cho biết số ca tử vong trên toàn cầu liên quan đến ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đã giảm 16% kể từ năm 2005, chủ yếu nhờ những nỗ lực giảm tác động của việc đốt than. Đầu tư toàn cầu vào năng lượng xanh đã tăng 15% lên 1,6 nghìn tỉ USD vào năm ngoái, so với 1 nghìn tỉ USD cho nhiên liệu hóa thạch.
Và báo cáo cho biết nếu mọi người thay đổi sang chế độ ăn lành mạnh hơn, ít carbon hơn, điều đó sẽ ngăn ngừa tới 12 triệu ca tử vong mỗi năm, đồng thời giảm 57% lượng khí thải từ sản xuất sữa và thịt đỏ.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống