100.000 tỷ đồng được KBNN gửi tại Vietcombank, BIDV, VietinBank

 

Tiền gủi của kho bạc nhà nước tại ngân hàng thuong mại

Ảnh minh họa.

Ba ngân hàng trong nhóm Big4 là BIDV, VietcomBank và VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024. Các báo cáo cho thấy số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, tại VietinBank, cơ quan kho bạc có số dư tiền gửi bằng VND đến cuối quý I/2024 là 45.445 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Tương tự với BIDV, quy mô tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 40.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn. Con số này tăng gấp đôi so với số dư hơn 19.000 tỷ đồng gửi vào cuối năm 2023.

Vietcombank có số dư này thấp nhất trong 3 nhà băng, hơn 3.300 tỷ đồng. Nhưng con số này cũng gấp hơn 4 lần đầu năm.

Như vậy, tổng số tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng trên đạt trên 94.000 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải ai cũng được tiếp cận.

Tính tới cuối năm 2023, trong gần 7 năm, gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, hưởng lãi 25.100 tỷ đồng.

Trước đây, lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thay vì để qua đêm tại ngân hàng thương mại như trước đây. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống