Apple và Samsung đang khiến giá bán điện thoại cao cấp ngày càng đắt

 

Các mẫu smartphone cao cấp hiện đã vượt ngưỡng 20 triệu đồng, như Galaxy S8 Plus (20,49 triệu đồng) hay Note 8 (dự kiến 22,9 triệu đồng). iPhone 8 sắp tới được dự báo sẽ bán giá từ 1.000USD (trên dưới 22 triệu). Trong khi cách đây 5 năm thì một siêu phẩm di động dù chỉ tiệm cận mức giá 15 triệu đồng đã là quá cao.

Nhìn vào lịch sử giá của các máy dòng S của Samsung từ năm 2012 đến nay có thể thấy dù có tăng giảm qua từng năm nhưng cơ bản mức giá vẫn tăng lên. Chẳng hạn từ 2012 đến 2014, các máy S3, S4, S5 đều ổn định giá 15,9 triệu đồng. Đến năm 2015, giá S6 và S6 Edge vọt lên mức 16,59 triệu đồng và 19,99 triệu đồng. Đến năm 2017, giá S7 bằng với S6 Edge, trong khi S8 Plus lên mức 20,49 triệu đồng.

Apple và Samsung đang khiến giá bán điện thoại cao cấp ngày càng đắt

Giá dòng S của Samsung từ năm 2012 đến 2017, bắt đầu tăng từ giai đoạn 2015 với mẫu Galaxy S6 - Ảnh: H.Đ

Dữ liệu thống kê trên một lượng mẫu flagship rộng hơn trong vòng 5 năm trở lại đây cũng cho thấy xu hướng tăng giá chung. Một lần nữa mức giá chính xác cũng có nhiều biến động tùy theo phiên bản, nhưng dữ liệu giá trung bình đã thể hiện rằng giá smartphone đầu bảng đã tăng từ mức giá khoảng 12 triệu đồng trong năm 2012 đến gần 15 triệu đồng vào đầu năm 2017 (số liệu tính theo USD ở thị trường nước ngoài).

Apple và Samsung đang khiến giá bán điện thoại cao cấp ngày càng đắt

Giá trung bình của smartphone cao cấp các hãng khác nhau co xu hướng tăng - Nguồn: Android Authority

So sánh rộng hơn, mức giá hơn 20 triệu đồng đã đẩy chiếc smartphone “tí hon” lên ngang tầm với một chiếc laptop Core i7, một ti vi thông minh 50 inch hay một chiếc xe Honda Wave RSX.

Dù giá bán cao, nhưng Galaxy S8, Note 8, hay iPhone 7 đều cháy hàng. Điều này có thể lí giải rằng, người dùng ngày nay đã xem smartphone như một vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày và sẵn sàng chi mạnh tay để được sở hữu những công nghệ tối tân nhất.

Hoặc cũng có thể hiểu rẳng, các nhà sản xuất đã đi đúng hướng về công nghệ, chiến lược quảng cáo đủ sức hút để khiến người dùng trở nên say mê với các thiết bị cao cấp và tạm quên đi giá bán của chúng đã đắt hơn rất nhiều so với 5 năm trước.

Tăng giá vì lạm phát và chi phí linh kiện?

Lạm phát trong chi phí sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân tăng giá bán của smartphone khi so sánh với thiết bị ở phân khúc tương tự 5 năm về trước. Nhưng lạm phát cũng chỉ góp một phần vào sự tăng giá này, vì mức tăng xấp xỉ 25% về giá của điện thoại đầu bảng đã vượt xa mức lạm phát khoảng 10% của USD.

So sánh cụ thể, mẫu Galaxy S2 của năm 2011 có mức giá 13,5 triệu đồng, thấp hơn một chút so với chiếc xe Honda Wave α (15 triệu đồng). Nhưng đến năm 2017 này, mẫu Galaxy S8 Plus đã có giá xấp xỉ Honda Wave RSX: hơn 20 triệu đồng, trong khi giá bán của Wave α năm 2017 chỉ tầm 17-18 triệu đồng.

Nếu tạm xem sự biến động về giá của Wave α từ năm 2011 đến 2017 là do lạm phát thì mức giá nhảy vọt từ lúc chỉ tương đương Wave α (18 triệu đồng) đến mức chạm ngưỡng gần 21 triệu đồng của Wave RSX thì lí do mức chênh lệch này chắc chắn xuất phát thêm từ sự phát triển của công nghệ, tính năng tích hợp hay lợi nhuận gia tăng của mẫu Galaxy S mới.

So với các mẫu máy đầu bảng trong quá khứ, những máy cao cấp hiện tại không chỉ cải thiện về thông số phần cứng để nâng cấp hiệu năng mà còn được trau chuốt hơn về chất liệu thiết kế như kim loại, kính thay vì “bình dân” với vỏ nhựa như trước.

Hơn nữa, smartphone ngày nay cũng chạy đua vũ trang với hàng loạt tính năng, và mỗi đặc điểm của chúng đều yêu cầu nhiều hơn về phần cứng và nguồn lực phát triển bổ sung.

Với các tính năng được trang bị như một xu hướng chung: cảm biến vân tay, sạc nhanh, camera… không thể không kể đến bộ xử lý mạnh hơn, màn hình sắc nét hơn, bộ nhớ lớn hơn chính là một trong những lí do khiến giá smartphone có xu hướng tăng cao.

Apple và Samsung đang khiến giá bán điện thoại cao cấp ngày càng đắt

Kể từ S6, Samsung thay đổi hoàn toàn về thiết kế và chất liệu nên góp phần gia tăng giá bán - Ảnh: H.Đ

Chi phí dành cho linh kiện của Galaxy S7 tăng 19% so với Galaxy S2, trong khi phiên bản S6 Edge với chi tiết màn hình cong tràn sang hai cạnh bên đã khiến chi phí phần cứng của máy tăng 32% so với Galaxy S2. Ví dụ trên cho thấy, những tính năng cộng thêm trên một mẫu smartphone cao cấp hoàn toàn có thể làm tăng đột biến chi phí sản xuất của máy. Đó chỉ là “vật liệu thô”, chưa kể đến chi phí nhân lực dành cho việc phát triển phần cứng và phần mềm.

Phân khúc cận cao cấp nóng lên

Bên cạnh việc tập trung vào những chiếc máy đầu bảng đắt đỏ, ta cũng nên quan tâm một chút đến sự phát triển của phân khúc cận cao cấp.

Các thiết bị dẫn đầu ở phân khúc cận cao cấp có thể không được tích hợp công nghệ tiên tiến nhất trong năm, nhưng chúng đã tiến đến rất gần với những thiết bị đầu bảng trong năm liền trước, với mức giá rất hời.

Sự tương đồng về thiết kế nhôm kính cao cấp đi kèm khả năng chống bụi nước của dòng Galaxy A 2017 tầm trung với Galaxy S7 2016 đầu bảng là một trong những ví dụ minh hoạ. Mặc dù có giá xác định ở tầm trung cao, nhưng dòng A 2017 có thể so sánh ngang ngửa với S7 vào năm 2016 về thiết kế và tính năng, mặc dù giá dòng A thấp hơn.

Apple và Samsung đang khiến giá bán điện thoại cao cấp ngày càng đắt

Các dòng máy cận cao cấp như Galaxy A 2017 là thay thế tốt cho người không muốn chi nhiều hơn cho dòng máy cao cấp - Ảnh: H.Đ

Hay việc Sony áp dụng tính năng máy ảnh chính 23MP trên Xperia XA1 từng có mặt trên Xperia Z5 đầu bảng đã khiến chiếc mấy tầm trung này thêm nổi trội so với đối thủ cùng tầm giá.

Việc đẩy mạnh trang bị tính năng cao cấp vào các thiết bị trung cao cấp đã khiến gia tăng chi phí sản xuất cho phân khúc này, đẩy giá của phân khúc này lên để lấp vào khoảng trống của các smartphone cao cấp trước đây.

Tóm lại, có nhiều lí do để giải thích cho sự tăng giá của những smartphone đầu bảng: vì chi phí sản xuất, vì lợi nhuận, vì công nghệ tiên tiến, vì lạm phát. Nhưng tựu trung lại thì sự tăng giá của các smartphone cao cấp dường như không thể tránh khỏi, điều này góp phần tạo động lực để các nhà sản xuất sáng tạo, cập nhật ngôn ngữ thiết kế, tính năng mới nhất.

Sự tăng giá cũng là con dao hai lưỡi khiến một bộ phận người dùng rời xa phân khúc cao cấp để đến với phân khúc trung cao có giá dễ chịu hơn trong khi tính năng không hề kém cạnh những smartphone đắt tiền ra mắt trước đó. Dĩ nhiên sẽ có một lượng lớn người dùng khác cảm thấy kích thích hơn khi nhìn vào mức giá đắt đỏ của smartphone đầu bảng và tìm thấy được động lực, niềm khát khao mua sắm cho riêng mình.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống