Bắc Kinh cấm bán iPhone, Apple vấp phải muôn vàn thử thách

 

Shenzhen Baili, một startup kém tên tuổi của Trung Quốc, đã dành chiến thắng bất ngờ trước Apple khi khiến iPhone 6 và 6 Plus bị cấm bán tại Bắc Kinh do vi phạm bản quyền thiết kế smartphone. Apple cho biết đã kháng cáo, do đó việc bán hàng không bị ảnh hưởng.

Phán quyết của tòa cho thấy các thách thức ngày một lớn mà các công ty phương Tây đang đối mặt tại đây khi mà đối thủ Trung Quốc dần trở nên mạnh mẽ hơn còn nhà chức trách nhấn mạnh doanh nghiệp nước ngoài phải “chơi” theo luật của nước này.

Là công ty hướng đến khách hàng cá nhân và là một trong những nhãn hàng được yêu thích nhất Trung Quốc, ‘táo khuyết’ một thời gian dài dường như miễn dịch trước con mắt của các cơ quan giám sát do họ tập trung vào nhà sản xuất thiết bị nhạy cảm hơn như máy chủ và router. Giới quan sát trầm trồ trước khả năng bán nội dung di động của Apple trong khi các công ty nước ngoài khác không thể. Nhiều người suy đoán đó là do cảm tình của quan chức Trung Quốc với iPhone.

Song, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn những công nghệ và nội dung trước đó đang được “thả”.

Bắc Kinh cấm bán iPhone, Apple vấp phải muôn vàn thử thách

iPhone 6 và 6 Plus bị cấm bán tại Bắc Kinh. Ảnh minh họa

Các công ty Trung Quốc học cách tận dụng lợi thế của hệ thống bản quyền nội địa, đưa ra yêu cầu bồi thường ngay cả khi họ không phải là người đầu tiên phát triển công nghệ được biết đến rộng rãi. Ông Erick Robinson, luật sư trưởng về bằng sáng chế khu vực châu Á Thái Bình Dương của công ty luật Rouse China nhận định: “Việc các hãng Trung Quốc tấn công và chiến thắng trước đối thủ phương Tây còn khá hiếm gặp nhưng bạn sẽ ngày càng chứng kiến nhiều hơn”.

Đây là thách thức mới nhất của Apple tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của hãng chỉ sau Mỹ. Sau vài năm tăng trưởng nhanh chóng, doanh số iPhone tại đây đã giảm trong quý I/2016, góp phần làm tổng doanh thu của công ty trong cùng kỳ giảm lần đầu tiên trong 13 năm. Tháng 4/2016, Trung Quốc đóng cửa hai dịch vụ iBooks và iTunes Movie với lý do không có đủ giấy phép cần thiết, theo nguồn tin thân cận với vấn đề.

Tháng trước, Apple tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào dịch vụ gọi xe Didi Chuxing, một động thái đầu tư bất thường. Các nhà phân tích cho rằng quyết định dường như muốn xoa dịu Bắc Kinh. Trong khi đó, CEO Apple Tim Cook lạc quan doanh số giảm không thay đổi triển vọng dài hạn của ông với Trung Quốc, đó chính là cuối cùng sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của công ty.

Ông Cook cũng thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm thể hiện thiện chí khi đến nước này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong 3 năm qua. Ông còn nằm trong ban cố vấn trưởng Quản trị và Kinh doanh của Đại học Tshinghua. Tại buổi tiệc tiếp đãi Chủ tịch Tập Cận Bình của Washington tháng 9/2015, ông Cook cũng ngồi tại bàn quan trọng.

Bây giờ, các thiết bị như iPhone cũng trở thành đối tượng bị xem xét kỹ lưỡng hơn. Bộ Công nghệ Trung Quốc tháng 5/2016 phát đi thông báo hối thúc Apple mở rộng hợp tác tại đây sau chuyến thăm của ông Cook nhưng không nêu rõ hình thức hợp tác nào.

Bắc Kinh cấm bán iPhone, Apple vấp phải muôn vàn thử thách

Thiết kế chiếc điện thoại 100C của Shenzhen Baili

Công ty thách thức Apple lần này, Shenzhen Baili, gần như vô danh và không có cả website. Shenzhen Baili dường như là tên khác của Digione, một startup smartphone tương tự Xiaomi. Quan hệ pháp lý giữa Digione và Shenzhen Baili chưa thể xác định mặc dù có cùng một người, Xu Guoxiang, đứng đầu, theo hồ sơ kiện tụng. Ông Xu từng là Giám đốc tiếp thị thiết bị toàn cầu của Huawei trước khi sáng lập Digione năm 2006, theo hồ sơ trên mạng. Năm 2013, theo hai nguồn tin, Baidu trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Digione.

Được sự chống lưng từ một trong những hãng công nghệ quyền lực nhất Trung Quốc có thể giúp giải thích vì sao một công ty “vô danh tiểu tốt” lại thắng được vụ kiện tài sản sở hữu trí tuệ trước một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Nhà sáng lập của Baidu, Robin Li, là đại biểu trong ủy ban cố vấn chính trị của chính phủ Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu Apple bị vướng vào các tranh chấp sở hữu trí tuệ tại đây. Năm 2012, nhà sản xuất iPhone đã phải trả 60 triệu USD để mua bản quyền iPad từ một công ty Trung Quốc. Tháng 5/2016, tòa án Bắc Kinh ra phán quyết cho phép một công ty sản xuất phụ kiện sử dụng tên gọi iPhone cho sản phẩm đồ da.

Apple còn gặp khó khăn lớn hơn trong vụ mới nhất do thất bại trong việc hủy hiệu lực bằng sáng chế của Shenhzen Baili vào năm ngoái. Theo Văn phòng tài sản sở hữu trí tuệ, trong thông báo ra tháng 12/2015 và công bố tháng 1/2016, Shenzhen Baili nộp đơn cấp phép bằng sáng chế thiết kế bên ngoài của smartphone 100C vào tháng 1/2014 và được phê duyệt tháng 7 cùng năm. Apple nộp đơn đề nghị hủy bằng sáng chế vào tháng 3/2015 nhưng không thành công.

Do iPhone 6 và 6 Plus bị phán vi phạm bản quyền, hai thiết bị bị cấm bán tại Bắc Kinh, theo thông báo ra ngày 19/5 trên website của văn phòng Cục tài sản sở hữu trí tuệ Bắc Kinh. Tuy nhiên, đầu tuần này, vụ việc mới được truyền thông Trung Quốc chú ý.

Tháng trước, Apple đề nghị Tòa án Tài sản sở hữu trí tuệ quốc gia, tổ chức nắm quyền kiểm soát các văn phòng nhỏ hơn, lật ngược phán quyết. Vụ việc dự kiến được xét xử trong vài tháng tới. Theo ông Edward Lehman, một luật sư về bản quyền, thông thường lệnh cấm sẽ bị hoãn lại trong quá trình kháng án.

Nhà phân tích Steve Milunovich của UBS cho biết lo ngại về lệnh cấm có thể làm quá nhưng nhấn mạnh mối đe dọa hiện hữu mà Apple sẽ phải đối mặt trong dài hạn và lưu ý “chính phủ có thể quyết định ưu tiên nhà cung ứng địa phương”. Một số cửa hàng bán điện thoại tại Bắc Kinh đã ngừng bán iPhone 6 và 6 Plus, chuyển sang iPhone 6s và 6s Plus.

Trong nỗ lực tiếp cận Apple đầu tiên vào năm 20014, Shenzhen Baili hi vọng có thể giải quyết tranh chấp bên ngoài tòa án.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống