Theo Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco - tập đoàn đa quốc gia của Mỹ về công nghệ truyền thông kỹ thuật, chỉ có 6% các tổ chức và doanh nghiệp ở Việt Nam được xếp vào nhóm "Trưởng thành" - nhóm "sẵn sàng để giải quyết các loại rủi ro về an ninh mạng hiện hữu".
Cisco chia mức độ sẵn sàng làm 4 giai đoạn: Mới bắt đầu, Đang hình thành, Tiến bộ và Trưởng thành.
Ngoài ra, 49% số tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam được xếp vào nhóm "Đang hình thành", tức đã triển khai một số giải pháp an ninh mạng nhưng đạt hiệu quả dưới mức trung bình. Chỉ số này được tính toán dựa trên một cuộc khảo sát double-blind (thực hiện bởi một bên thứ ba) với 8.136 lãnh đạo an ninh từ ngạch tư nhân thuộc 30 quốc gia.
"Con người là nhân tố quan trọng nhất trong lĩnh vực an ninh mạng", ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần An ninh mạng SafeGate cho biết.
Ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần An ninh mạng SafeGate
Thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thiếu nhân lực an toàn thông tin cũng đang là thách thức lớn của nhiều cơ quan, tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2020, Việt Nam có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin và nhu cầu lên tới 700.000 người (năm 2021). Với khoảng 2.000 sinh viên ngành an toàn thông tin được bổ sung mỗi năm từ các cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực này vẫn như "muối bỏ bể" so với nhu cầu thực tế.
Việt Nam đã có các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực cho an toàn thông tin, và nguồn lực đã được bổ sung đáng kể trong vài năm qua. Nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam còn rất lớn và ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống công nghệ thông tin diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi.
Nguồn nhân lực an ninh mạng còn rất thiếu so với nhu cầu, trong khi vẫn có khoảng cách nhất định giữa đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, khi tuyển dụng nhân sự an toàn thông tin mới tốt nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải đào tạo lại. Tức là đưa nhân sự đi triển khai và tiếp cận với các tình huống thực tế để có các kiến thức thực chiến. Quá trình này thường kéo dài và tốn kém nhiều nguồn lực của doanh nghiệp.
Để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nhận sự an toàn thông tin và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, SafeGate và Hệ thống Đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech đã cùng ký kết hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực an toàn thông tin.
Trong khuôn khổ hợp tác, hai đơn vị này sẽ xây dựng, thiết kế các chương trình đào tạo an ninh mạng theo lộ trình tinh gọn từ 4 tháng tới 2 năm cho từ học sinh mới tốt nghiệp THPT, sinh viên đang học công nghệ thông tin đến người đi làm muốn chuyển đổi ngành nghề hoặc nâng cao an toàn thông tin.
Ông Kiều Đức Hạnh, Giám đốc Bachkhoa-Aptech
"Chương trình được "may đo" sát với yêu cầu tuyển dụng của từng doanh nghiệp, có sự đồng hành sâu của các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin. Trong đó, chú trọng rèn kỹ năng thực hành với 900 giờ chuyên môn theo mô hình "làm trước học sau", 3 tháng thực tập tại doanh nghiệp…", ông Kiều Đức Hạnh, Giám đốc Bachkhoa-Aptech cho biết.
Chương trình đạo tạo không chỉ tập trung và lý thuyết kiến thức chuyên môn mà còn tập trung vào thực hành tới 75% thông qua đào tạo cùng các chuyên gia. Chương trình cũng cam hết học viên được làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Cam kết đầu ra và 100% học viên giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp tại mạng lưới hơn 200 doanh nghiệp đối tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống