Hơn 5,7 triệu thuê bao thuộc tập 4 - 9 SIM chung 1 giấy tờ đã chuẩn hóa thông tin

 

Chiều 13/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông di động, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã rà soát, bảo đảm tất cả các SIM đang tồn trên các kênh đều tuân thủ theo đúng quy định, muốn phát triển thuê bao mới phải đăng ký đầy đủ thông tin.

Hơn 5,7 triệu thuê bao thuộc tập 4 - 9 SIM chung 1 giấy tờ đã chuẩn hóa thông tin - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại buổi họp báo

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã rà soát, làm rõ, chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích của 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4 - 9 SIM/1 giấy tờ.

Đại diện Cục Viễn thông khuyến khích người dùng di động tích cực sử dụng dịch vụ nhắn tin tới đầu số 1414 kèm theo số căn cước công dân để xem đang đứng tên bao nhiêu SIM, từ đó có hoạt động chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định.

Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao…), Bộ Thông tin và Truyền thông giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm, với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới. Đồng thời, Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục tổ chức khảo sát thực tế, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông làm rõ một số nội dung và rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục ủng hộ, gửi các phản ánh có liên quan để tổ chức xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực này.

Đối với việc ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Cục Viễn thông đã cùng các nhà mạng triển khai việc cung cấp tên định danh (brandname) cho cuộc gọi. Dịch vụ này hiện đã thử nghiệm với Bộ Công an và một số đơn vị.

Cục Viễn thông kỳ vọng biện pháp định danh này sẽ giúp người dân khi nhận cuộc gọi, tin nhắn biết được đây là thông tin liên hệ chính xác từ một cơ quan xác định.

Liên quan đến lộ trình tắt sóng 2G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục thúc đẩy tắt sóng 2G theo lộ trình. Bộ đã ban hành 2 thông tư liên quan đến quy hoạch băng tần 1.800 MHz và 1.900 MHz, quy định về việc sử dụng băng tần viễn thông phát triển mạng 2G trong thời gian từ nay đến tháng 9/2024 và giai đoạn từ tháng 9/2024 đến năm 2026.

Theo đại diện Cục Viễn thông, đây là việc rất quan trọng, do chính các doanh nghiệp xây dựng cũng như phát triển các hạ tầng của doanh nghiệp mình trong bối cảnh 5G vừa được cấp phép. Hiện nay, mỗi nhà mạng có thể triển khai cùng lúc 4 công nghệ. Việc này không còn phù hợp, trong khi số lượng thuê bao ngày càng thấp, không đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Cục Viễn thông thực hiện việc theo dõi kế hoạch hàng tháng của các doanh nghiệp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tin nhắn rác có dấu hiệu bùng phát trở lại Tin nhắn rác có dấu hiệu bùng phát trở lại

VTV.vn - Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn “kiếm tiền online”, “tri ân khách hàng”.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống