LG G5 có gì hay?

 

LG G5

Thiết kế

Được thiết kế lại từ đầu hoàn toàn, G5 tạm biệt chất lượng plastic rẻ tiền và phần ốp lưng giả da với những đường chỉ khâu thô kệch để hướng đến một thiết kế mới hiện đại, tinh gọn hơn. Thiết kế dạng “module” cứng cáp hơn so với nhựa, nhưng tối giản và cắt bỏ mọi chi tiết thừa. Có vẻ như LG đã nghiệm ra chân lý “Càng đơn giản, càng đẹp” khi phác thảo G5. Tuy nhiên, nút Power vẫn được bố trí ở mặt sau, tích hợp với cảm biến vân tay. Máy cũng được trang bị cổng hồng ngoại để biến thành điều khiển từ xa một cách tiện lợi.

Một điểm sáng tạo của thiết kế dạng module là nó cho phép kết nối với các phụ kiện mà LG gọi là “bạn bè” (Friends) của G5. Theo phản hồi từ phía người dùng, bộ nhớ mở rộng và pin thay được là 2 trong số những tính năng được yêu thích nhất ở smartphone Android, ấy thế nhưng vào năm ngoái, nó đã bị Samsung khai tử không thương tiếc để đổi lấy thiết kế mới. Rát mặt với những lời chỉ trích, năm nay, Samsung đã phải nghĩ lại và khôi phục tính năng thẻ nhớ microSD ở Galaxy S7 và S7 Edge. Về phần mình, LG cũng không muốn mất người dùng khi chuyển sang thiết kế kim loại hiện đại, nên hãng đã sáng chế ra phần đáy máy trượt, nơi khe cắm thẻ nhớ và pin 2800 mAh cùng “đóng quân”.

Cái hay của thiết kế này là không chỉ cho phép thay pin nhanh chóng, người dùng còn có thể đấu nối với các phụ kiện camera hay loa ngoài với G5 hết sức dễ dàng dễ dàng.

Tính tiện lợi là điểm nổi bật ở G5. Con dế này vẫn sở hữu màn hình QHD giống như các model tiền nhiệm, nhưng màn hình của nó chỉ có 5.3 inch, thay vì 5.5 inch như G3 và G4, tỏ ra vừa vặn hơn khi cầm trên tay. LG vẫn lựa chọn công nghệ IPS-LCD dù đã trang bị tính năng mới Always-On (luôn bật) cho máy. Đây là một tính năng được vay mượn từ LG V10, rất được khen ngợi vì sự tiện lợi vì nó hiển thị ngày giờ, cuộc gọi nhỡ, email, tin nhắn đến và các thông báo mới mà người dùng không cần phải “đánh thức” toàn bộ thiết bị. Điều này khiến một số người nghi ngại về mức độ tốn pin, bởi khác với màn hình AMOLED của Samsung Galaxy S7 chỉ bật sáng một số ít điểm ảnh để hiển thị thông tin, IPS có xu hướng bật toàn bộ khu vực màn hình. Tuy nhiên, LG khẳng định Always-on chỉ tiêu thụ khoảng 0.8% lượng pin/giờ.

Ngoài ra, G5 còn có chế độ xem Ban ngày (Daylight) để cải thiện khả năng quan sát dưới nắng. Máy có thể tự động nhận định điều kiện ánh sáng và điều chỉnh tương ứng, nhờ đó mà độ sáng tối đa có thể tự động chỉnh lên 850 nit, giúp điện thoại khả dụng kể cả khi đang ở ngoài trời nắng gắt.
Máy cài sẵn hệ điều hành Android 6.0.1 và giao diện tinh gọn tùy biến của LG, với những đồ họa màu sắc quen thuộc của G4 và G3. Tuy nhiên, LG đã loại bỏ ngăn kéo ứng dụng và chọn cách tiếp cận của Apple là trưng tất cả mọi thứ ra màn hình chủ. Có vẻ như LG cũng nhất trí rằng cách bố trí như vậy sẽ giúp tìm kiếm ứng dụng dễ dàng hơn, cũng như loại bỏ mọi sự phiền nhiễu gây ra khi xóa hoặc hủy cài đặt ứng dụng.

Cấu hình của G5 thực sự không có gì để chê. Đúng như tin đồn, G5 trang bị chipset mới nhất và mạnh nhất thị trường hiện nay là Snapdragon 820 của Qualcomm, hứa hẹn mang đến tốc độ chóng mặt cùng trải nghiệm thực tại ảo nuột nà. Chipset lõi tứ này cũng là lựa chọn của hầu hết các smartphone đầu bảng ra mắt tại triển lãm MWC năm nay như Galaxy S7 và S7 Edge. So với thế hệ Snapdragon 810, 820 được cho là có hiệu suất xử lý dữ liệu cao hơn 30% và đồ họa mạnh hơn 60%, trong khi khả năng tiết kiệm pin lại tốt hơn. Chipset này kết hợp cùng RAM 4GB, GPU Adreno 530 và bộ nhớ trong 32GB giúp G5 đảm bảo một chỗ trong Top những smartphone mạnh nhất hiện hành.

lg_g5_friends

Và camera, bạn không thể quên linh kiện ngày càng, ngày càng quan trọng đối với một chiếc smartphone này được. G5 sở hữu 2 camera chính: 16MP và 8MP, trong đó camera chính 16MP có ống kính tiêu chuẩn 78 độ, còn camera còn lại sử dụng ống kính góc rộng lên tới 135 độ, rộng xấp xỉ 1.7 lần so với các camera smartphone hiện hành. Nhờ đó mà việc chụp ảnh phong cảnh, các tòa nhà cao tầng và những nhóm đông người sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, LG cũng trang bị nhiều hiệu ứng hấp dẫn như Pop-out Picture (cho phép kết hợp ảnh chụp thông thường với ảnh chụp bằng ống kính góc rộng để tạo ra hiệu ứng ảnh lồng trong ảnh), Hiệu ứng dựng phim… để người dùng khám phá. Tất nhiên, máy vẫn có một camera mặt trước để phục vụ chụp ảnh selfie với độ phân giải 8MP như bình thường.

Nhưng sẽ khó bán?

Nhưng không phải ai cũng bay bổng lên mây với con dế mới của LG. Chính TrustReviews, dù có lời khen ngợi thiết kế độc đáo và mới mẻ của G5, vẫn tỏ ra hoài nghi về việc người dùng sẽ xiêu lòng đến mức bỏ tiền ra mua con dế này.

Để chứng minh cho nhận định của mình, rằng G5 thực chất mới chỉ là sự “thử nghiệm nửa mùa”, dở sống dở chín, các tác giả của trang này đã viết một bài phân tích, mổ xẻ rất kỹ càng về G5. Theo đó, đây không phải là lần đầu tiên giới smartphone thử nghiệm với ý tưởng module. Google từng có một dự án tương đồng mang tên Project Ara. Lúc đầu, dự án nào nghe cũng đầy hứa hẹn và thú vị, nhưng toàn xịt ngóm giữa chừng. Chẳng hạn như lần cuối nghe tin về Ara thì dự án này đã bị hoãn lại vì điện thoại vỡ tan tành khi chẳng may bị rơi xuống đất.

Tất nhiên, G5 có khác một chút. Con dế này chỉ là dạng bán-module mà thôi. Tức là các module mở rộng khả năng của phần điện thoại gốc chứ không thay thế các linh kiện chủ chốt của nó. Hơn nữa, G5 không phải là sản phẩm trưng bày. Nó là sản phẩm thật mà LG sẽ bán ra thị trường vào tháng 3 tới.

Vấn đề là các phụ kiện module mà LG đề xuất cho G5 có cần thiết hay không? Thay pin lớn hơn ư? Bạn sẽ thích pin gốc của điện thoại có dung lượng khủng hơn. Hơn nữa, nhiều loại pin dự phòng đang bán trên thị trường chỉ nhỏ cỡ thẻ tín dụng, vô cùng tiện. Loa ư? Một cái loa mini nhét vừa mặt sau điện thoại thì có thể hay đến đâu? Chẳng phải nghe nhạc bằng loa rời vừa dễ hơn, vừa rẻ hơn hay sao? Máy chiếu ư? Hay bộ điều khiển chơi game? Các hãng điện thoại từng thử nghiệm rồi nhưng chẳng sản phẩm nào thành công cả.

Có lẽ rồi đây, nhà sản xuất sẽ nảy ra được những ý tưởng hay ho hơn, nhưng cá tiền là chúng sẽ rất phức tạp và không hề rẻ, trong khi các vấn đề đó có thể giải quyết bằng cách khác đơn giản, dễ dàng hơn nhiều.

Vấn đề thứ hai là sự thiếu vắng một tầm nhìn dài hạn. Nếu như LG áp dụng chuẩn module cho tất cả các con dế của mình, hoặc tiếp tục gắn bó với ý tưởng này khi thiết kế nên smartphone G6 của năm 2017, thì hãng cần phải có một lộ trình chi tiết, cụ thể về việc nâng cấp, cải tiến ra sao. Nhưng LG thì chưa bao giờ nổi tiếng về sự kiên định cả. Năm ngoái, hãng này ca ngợi kiểu thiết kế ốp da với những đường khâu chỉ ở mặt sau là “sang chảnh” thì năm nay, tất cả đã bị xếp xó để nhường chỗ cho ngoại hình toàn kim loại. Rất có thể vào năm 2017, một thứ gì đó mới hoàn toàn lại được thử nghiệm. Người dùng có quyền tự hỏi: Tại sao tôi lại phải đầu tư sắm những phụ kiện module khi mà không biết là thiết kế này tồn tại được bao lâu? Chẳng phải chúng sẽ bị xếp xó nếu năm sau hãng thay đổi ý tưởng module ư? Không ai có thể trả lời bạn, kể cả LG. ”

“Khi cơn phấn khích ban đầu qua đi, chúng ta có thể rút ra một kết luận đơn giản: Thiết kế này sẽ không hiệu quả và không kéo dài được lâu”, trang này kết luận.

Trên nhiều diễn đàn Android, người dùng cũng phàn nàn về những điểm khiến họ thất vọng ở con dế này, như máy to hơn trong khi màn hình lại nhỏ đi, do phần viền máy bị “béo” hơn so với G4. Camera thứ hai ở mặt sau tỏ ra không cần thiết và lẽ ra, LG nên tập trung cải tiến chất lượng chụp ảnh yếu sáng của camera chính 16MP thì hơn. So với những cải tiến mạnh mẽ của Samsung dành cho camera Galaxy S7 và S7 Edge thì những gì G5 có chỉ là “hạng xoàng” mà thôi. Và cuối cùng, pin – dù có thể tháo rời – nhưng dung lượng lại nhỏ.

PHƯƠNG LÂM

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống