Nên mua ô tô giảm giá luôn bây giờ hay chờ giảm tiếp?

 

Hai tháng đầu năm, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra giảm 20% (còn 21.296 chiếc) trong khi xe nhập khẩu giảm mạnh hơn với 38% (còn 12.107 chiếc) so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ có Toyota và Mitsubishi mở rộng được thị phần trong khi Thaco vẫn duy trì được vị thế là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất với 34%.

Trong bối cảnh các hãng và đại lý đồng loạt giảm giá bán lẻ, đồng nghĩa với việc nguồn cung trong nước đang dồi dào. Nhất là sau khi nhà máy ô tô Vinfast với công suất 38 chiếc/giờ đã đi vào hoạt động được nửa năm; Thaco đã hoàn thiện dự án nâng công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 chiếc/năm lên 50.000 chiếc/năm; TC Motor cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô mới trong năm 2020, với công suất 100.000 xe/năm; Ford Việt Nam cũng dự định nâng cao sản lượng để mở rộng thị phần.

Bên cạnh đó, nguồn cung xe nhập khẩu cũng dự kiến sẽ tăng mạnh từ quý 3 khi Hiệp định thương mại EVFTA dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7/2020, giúp giảm thuế nhập khẩu từ đó hỗ trợ giảm giá bán.

Áp lực thanh lý hết hàng tồn kho của các mẫu xe 2018, 2019 nên các hãng xe buộc phải kích cầu thông qua việc giảm giá sâu và thường xuyên khuyến mãi. Cụ thể, các mẫu xe tầm thấp và tầm trung có mức giá giảm từ 40-100 triệu đồng/chiếc.

Các mẫu xe sang có giá bán giảm từ 200-400 triệu đồng/chiếc tùy theo hãng xe và đời xe. Phần lớn các mẫu xe được giảm giá là các sản phẩm tồn kho từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 chưa tiêu thụ hết.

Theo nhận định của Bộ phận Phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều khả năng giá bán lẻ vẫn sẽ giảm do cả nguồn cung trong nước cũng như nhập khẩu đều sẽ được hưởng nhiều chính sách có lợi cho mình.

Cụ thể, hoạt động nhập khẩu ô tô sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn trong năm 2020 khi các mẫu ô tô nhập khẩu dự kiến sẽ được loại bỏ các quy định như kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Với mức thuế nhập khẩu hiện tại 65-75%, Hiệp định EVFTA đi vào hoạt động sẽ giúp giá xe nhập khẩu giảm khi thuế nhập khẩu được loại bỏ.

Đối với hoạt động lắp ráp xe ô tô trong nước, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ EU sẽ giảm dần về 0% sau 7 năm, giá thành ô tô lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới.

Khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi mua được ô tô từ châu Âu và nội địa với giá không quá cao.

VDSC cho rằng kết quả kinh doanh năm 2020 của các công ty ngành ô tô sẽ không tích cực do 2 nguyên nhân chính, gồm: đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị tác động tiêu cực nên lực cầu giảm; nguồn cung nhiều dẫn đến cạnh tranh cao và gánh năng thanh lý lượng hàng tồn kho nên giá bán giảm.

Đồng thời, việc các công ty buộc phải đẩy mạnh các hoạt động bán hàng và khuyến mãi nhằm cạnh tranh sẽ khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp hơn so với năm 2019. Năm 2020 sẽ là một năm nhiều khó khăn của ngành ô tô.

Theo infonet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống