Nguy cơ thiếu thanh khoản trên thị trường khi chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu ồ ạt

 

Nguy cơ khi Mỹ phát hành trái phiếu ồ ạt

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận về trần nợ công và Tổng thống Joe Biden ký ban hành, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiến hành một cuộc phát hành trái phiếu vốn quy mô lớn nhằm tập trung huy động tiền mặt cho những ngân khố đang gặp khó khăn.

Thỏa thuận về nợ trần của chính phủ Mỹ, được gọi là Đạo luật trách nhiệm tài khóa 2023, đã đình chỉ mức trần nợ công hiện tại của chính phủ Mỹ là 31,4 nghìn tỉ đô la cho đến đầu năm 2025. Thay vì tăng mức trần nợ công, việc đình chỉ nợ trần cho phép Bộ Tài chính Mỹ thoải mái vay tiền để thanh toán các hóa đơn cho đến đầu năm 2025. Giới hạn trần nợ công sẽ được đặt ở mức nào tùy thuộc vào thỏa thuận đình chỉ nợ trần. Đảng Cộng hòa muốn đình chỉ nợ trần hơn là tăng trần nợ công vì lý do chính trị, để có lý lẽ rằng họ không ủng hộ việc tăng nợ công từ mặt kỹ thuật.

Tác động tiêu cực từ cơn sóng phát hành trái phiếu mới của Bộ Tài chính Mỹ có thể vượt qua hậu quả của cuộc đàm phán bế tắc về nợ trần công. Chương trình thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông qua việc tăng lãi suất đã làm giảm dự trữ của các ngân hàng. Trong khi đó, các quỹ thị trường tiền tệ đang tích trữ tiền mặt để đề phòng suy thoái kinh tế.

Nikolaos Panigirtzoglou, nhà chiến lược của ngân hàng JPMorgan Chase, dự báo một đợt phát hành ồ ạt trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ làm tăng thêm tác động của thắt chặt định lượng đối với thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Các lo ngại về tình trạng thiếu thanh khoản có thể kích hoạt làn sóng bán tháo trên hai thị trường này và có thể làm giảm gần 5% hiệu suất kết hợp của chúng trong năm nay.

Các nhà chiến lược vĩ mô của ngân hàng Citigroup cũng đưa ra dự báo tương tự. Họ ước tính lực hút thanh khoản mạnh từ các đợt phát hành trái phiếu mới của Bộ Tài chính Mỹ có thể khiến chỉ số S&P 500 (theo dõi giá cổ phiếu của 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn tiêu biểu ở thị trường chứng khoán Mỹ) giảm trung bình 5,4% trong hai tháng.

Đợt bán trái phiếu đầu tiên của Bộ Tài chính Mỹ, diễn ra vào ngày 5-6, sẽ tác động đến mọi lớp tài sản bị hút thanh khoản vốn đang cạn kiệt. JPMorgan Chase ước tính một thước đo thanh khoản thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ mà ngân hàng này theo dõi sẽ giảm 1,1 nghìn tỉ đô la từ mức khoảng 25 nghìn tỉ đô la vào đầu năm 2023.

“Đây là một đợt rút thanh khoản rất lớn. Chúng tôi hiếm khi thấy một quy mô rút thanh khoản lớn như vậy. Chỉ trong những vụ sụp đổ nghiêm trọng như cú sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman năm 2008, bạn mới thấy mức độ thanh khoản co lại như vậy”, nhà chiến lược Panigirtzoglou nói

Theo ước tính của JPMorgan, động thái bán trái phiếu mới của Bộ Tài chính Mỹ cùng với việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến thước đo thanh khoản của thị trường trái phiếu giảm 6% trong năm nay, trái ngược với mức tăng trưởng hàng năm trong hầu hết các năm trong thập niên qua.

Mỹ dựa vào các biện pháp quản lý đặc biệt để trang trải các hóa đơn trong những tháng gần đây khi Nhà Trắng và phe Cộng hòa gặp bế tắc trong đàm phán về nợ trần.

Với rủi ro vỡ nợ đã được loại bỏ nhờ thỏa thuận nợ trần đạt được trước thời hạn cuối 5-6, Bộ Tài chính Mỹ sẽ khởi động đợt bán trái phiếu mới với tổng giá trị lên đến 1.000 tỉ đô la Mỹ cho đến cuối quí 3, theo ước tính của của một số nhà phân tích ở Phố Wall. Bộ này sẽ bắt đầu bán đấu giá các lộ trái phiếu vào ngày 5-6 với tổng trị giá khoảng 170 tỉ đô la.

Điều gì xảy ra khi hàng tỉ đô la chạy qua hệ thống tài chính để rót vào lượng trái phiếu này không dễ dự đoán. Có nhiều khách mua trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn: ngân hàng, quỹ thị trường tiền tệ và nhiều người mua được phân loại “phi ngân hàng”, gồm hộ gia đình, quỹ hưu trí và doanh nghiệp.

Hiện tại, các ngân hàng không có nhu cầu lớn về trái phiếu chính phủ Mỹ vì lợi suất của chúng không cao bằng lãi suất cho vay.

Nhưng ngay cả khi các ngân hàng đứng ngoài cuộc, thì việc khách hàng rút tiền gửi ở ngân hàng để mua trái phiếu chính phủ Mỹ cũng làm hao hụt đáng kể nguồn dự trữ của họ.

Kịch bản tốt đẹp nhất là các quỹ thị trường trường tiền tệ sử dụng ngân quỹ của họ để mua phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nếu các quỹ này không mua nhiều trái phiếu nhiều như kỳ vọng, thì các khách mua tiềm năng sẽ là hộ gia đình, quỹ hưu trí và doanh nghiệp. Những khách mua này có thể rút tiền gửi từ ngân hàng để thực hiện các giao dịch mua trái phiếu chính phủ Mỹ, làm trầm trọng thêm làn sóng rút tiền từ các ngân hàng khu vực trong thời gian gần đây.

Theo Althea Spinozzi, nhà chiến lược thu nhập cố định của Saxo Bank, các khách hàng đấu giá gián tiếp (các thực thể nước ngoài mua trái phiếu chính phủ Mỹ qua các kênh trung gian như công ty môi giới) cũng có thể là nguồn lực lớn . Bà nói: “Trong vài tuần qua, chúng tôi chứng kiến số lượng khách đấu giá gián tiếp ở mức kỷ lục trong các cuộc đấu giá bán trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. Có vẻ như họ cũng sẽ hấp thụ một phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ trong các đợt phát hành sắp tới”.

Hiện tại, cơn phấn khích của giới đầu tư về triển vọng của trí tuệ nhân tạo đã đưa chỉ số S&P 500 lên đỉnh của một thị trường giá lên sau ba tuần tăng điểm. Trong khi đó, thanh khoản đối với các cổ phiếu riêng lẻ đang được cải thiện, đi ngược lại xu hướng chung.

Nhưng điều đó không dập tắt được nỗi sợ hãi về những gì thường xảy ra khi dự trữ của các ngân hàng sụt giảm rõ rệt: Cổ phiếu giảm giá và các tài sản rủi ro hơn sẽ chịu mức thua lỗ lớn.

“Chúng tôi nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ giảm dần và không có sự bùng nổ tăng giá nào nào do thanh khoản cạn kiệt”, Ulrich Urbahn, người đứng đầu bộ phận chiến lược đa tài sản của ngân hàng Berenberg, nhận định.

Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống