Chụp ảnh đường phố: Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh và ống kính nào phù hợp? - Thomas Leuthard - Phần 1

 
“Nhiếp ảnh đường phố giống như một hộp sô-cô-la.
Bạn chẳng bao giờ biết được mình sẽ bốc trúng thỏi nào trong đó."

Đó là câu mở đầu cho những hướng dẫn về chụp ảnh đường phố của nhiếp ảnh gia Thuỵ Sĩ Thomas Leuthard - đang làm việc và giảng dạy tại udemy.com. Tập hướng dẫn của ông bàn rất nhiều chủ đề quanh chuyện chụp ảnh đường phố, khá dài, mình đọc và thấy hữu ích cho anh em có sở thích chụp loại ảnh này, hoặc anh em đang bắt đầu có khái niệm khởi hành cho sở thích hay hướng chụp ảnh của chính anh em. Có thể có những phần rất hữu dụng, nhưng cũng có thể có phần anh em đã biết hoặc nhàm chán rồi, dẫu sao thì hy vọng các bài dịch này có ích cho ai đó đang loay hoay vun đắp cho đam mê "chụp ảnh đường phố" của mình.

27001561232_7d8002838d_k.jpg

Sẽ có các phần chính được tách ra thành từng bài liên tục trên Tinh Tế như sau:
  1. Bắt đầu từ đâu? Máy ảnh & ống kính nào phù hợp với chủ đề đường phố?
  2. Kỹ thuật quan sát, nhạy bén ánh sáng tự nhiên, chọn lựa bố cục tốt như thế nào?
  3. Thiết lập máy ảnh phù hợp, khoảnh khắc quyết định, chọn phối cảnh ra sao?
  4. Ảnh màu hay trắng đen, về việc xử lý hậu kỳ, những kỹ năng cần thiết là gì?
  5. Chọn thời điểm nào, các cách xử lý tình huống, tạo phong cách riêng như nào?
5598374408_63e3d93af4_o.jpg

A. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Tôi tên là Thomas Leuthard và tôi là một người chụp ảnh đường phố đến từ Thụy Sĩ. Năm 2009, tôi bắt đầu tập trung vào việc chụp ảnh đường phố sau khi quyết định chụp tất cả các bức ảnh bằng ống kính 85mm trên đường phố. Một thời gian sau, tôi nhận ra loại ống kính này quá dài, không phù hợp để đạt được mục đích đã đề ra. Độ dài tiêu cự ống kính thay đổi, nhãn hiệu vẫn giữ nguyên và tôi càng lúc càng tiến gần hơn. Đến nay, tôi đã chụp được một số bức ảnh đường phố bằng ống kính 50mm từ một khoảng cách rất gần. Tất cả những gì trải qua thăng trầm với loại ảnh nghe thì dễ chụp thì khó này, xin chia sẻ cho những người thích chụp.

Sao tôi lại viết tập hướng dẫn này ?
Có một số lý do khiến tôi thực hiện tập sách này và một số lý do khác thì không. Tôi không viết tập sách này để phô trương hay vì để được người khác hoan hô. Tôi bắt đầu viết blog trên 500px và nhận thấy có nhiều người đọc và còn muốn đọc thêm nữa. Thậm chí có người còn đề xuất tôi nên viết thành một cuốn sách. Điều này cũng chẳng có gì lạ. Tôi chỉ bắt đầu từ chỗ viết ít và dần dà đến chỗ viết nhiều hơn. Bạn không thể khởi đi từ chỗ viết nhiều rồi nói là muốn viết một cuốn sách bán chạy nhất và từ đó nổi tiếng. Không phải như vậy. Đây chỉ là một góp nhặt những suy nghĩ của tôi về nhiếp ảnh đường phố và một số thủ thuật giúp bạn biết cách làm thế nào khi chụp ảnh đường phố, thế thôi.

Tại sao tôi lại đưa ra cuốn sách này một cách miễn phí ?
Tôi hết sức may mắn khi trở thành một người chụp ảnh đường phố nhờ những trang thiết bị hiện đại và có điều kiện để đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Tôi đủ sức làm như vậy thông qua công việc IT toàn thời gian của mình. Một vài người tôi đã gặp không có được lợi thế như vậy. Nhưng họ lại muốn tìm hiểu thêm về nhiếp ảnh đường phố. Họ háo hức và bị thôi thúc ra khỏi nhà cùng với chiếc máy ảnh để chụp ảnh. Nhiếp ảnh đường phố là một cách chụp ảnh rất dễ tiếp cận và tôi muốn làm cho nó luôn như vậy. Đó là lý do tôi cho ra tập sách này mà không cần nhuận bút …

Với tôi, nhiếp ảnh đường phố là gì ?
Nhiếp ảnh đường phố đã thay đổi cuộc sống của tôi một cách không ngờ. Bỗng dưng tôi có một kế hoạch trong cuộc đời mình. Tôi có một hoạt đông qua đó tôi có thể sử dụng óc sáng tạo của mình. Tôi được thử nghiệm từng ngày. Tôi không cảm thấy nhàm chán, vì các thử nghiệm lúc nào cũng khác nhau. Tôi có lý do để có thể đi du lịch khắp thế giới và có thể gặp gỡ với nhiều người. Sau hết và cũng không kém phần quan trọng, tôi thức dậy vào buổi sáng với nụ cười trên môi. Nhiếp ảnh đường phố không chỉ là một cách khác để chụp ảnh. Đó là cách sống của tôi…

Sao không phải là một tập sách nào khác ?
Tôi không chú trọng đến lịch sử nhiếp ảnh đường phố hoặc những bậc thầy trong lịch sử. Tôi quan tâm đến cách mà hôm nay nó được thực hiện và những loại công cụ cũng như khả năng chúng ta hiện đang có. Từ đó, tập sách này khác với những cuốn sách khác vì nó là kinh nghiệm của bản thân tôi được viết theo lối suy nghĩ của tôi. Đôi lúc tôi có khuynh hướng đưa ra một quan điểm hơi khác về mọi thứ, nhưng cứ đọc đi rồi bạn sẽ hiểu. Đến nay, tôi bước chân vào nhiếp ảnh đường phố đã được hơn hai năm và đã đến lúc tôi viết ra những gì tôi biết về loại hình nhiếp ảnh này.​

5187121611_fe879c2ba9_o.jpg

B. BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Đây rõ ràng là câu hỏi mà đa số người trong các bạn thường tự hỏi khi mới tìm hiểu về nhiếp ảnh đường phố. Tôi sẽ giúp bạn bằng câu trả lời “Hãy đọc tập sách này…”. Sau khi đọc xong, tất nhiên bạn sẽ có đủ sự am hiểu đủ để bước ra đường phố và bắt đầu chụp ảnh. Đừng có tham vọng trở thành một bậc thầy tức khắc. Bạn không thể học hỏi được hết mọi thứ chỉ vỏn vẹn trong vòng một ngày. Bạn phải trải qua nhiều giai đoạn và có thể sẽ chẳng bao giờ thấy mình đã đạt đến đỉnh cao. Nhưng chính xác đây là những gì làm cho việc đó trở nên thích thú và hấp dẫn.

1. Nhiếp ảnh đường phố là gì ?
Để giải thích được thì không đơn giản. Tất nhiên bạn có thể lên Wikipedia và tìm ra ở đấy một câu trả lời. Riêng tôi, tôi nói đó là việc dẫn chứng bằng tư liệu về cuộc sống công khai một cách hồn nhiên vô tư. Không có gì được cài đặt sẵn, không ai được hỏi ý kiến, và sẽ luôn như vậy. Nó giống như dùng một tấm gương để phản ánh lại xã hội. Là một thời điểm được bắt dính vào một khoảnh khắc quyết định.

2. Chụp ảnh đường phố vào lúc nào ?
Bruce Gilden có lần đã nói:

Nếu bạn có thể ngửi thấy mùi của một đường phố bằng cách nhìn vào bức ảnh,
thì đấy là nhiếp ảnh đường phố!
Nói như vậy là hết mức. Bạn không thể cứ việc chĩa máy ảnh của mình ra đường phố và chụp ảnh. Không đơn giản thế đâu. Tôi chắc là bạn phải đi sâu vào mới hiểu được. Có người thậm chí còn nói rằng 99% bức ảnh đang trưng bày kia không phải đều là nhiếp ảnh đường phố. Đừng quá bận tâm về điều đó, hãy cứ nhìn vào những bức ảnh của người khác đi. Quan trọng hơn cả là bức ảnh biết thuật lại một câu chuyện.

3. Đâu là những khác nhau ?
Nhiếp ảnh đường phố rất linh hoạt. Những người có sở thích riêng chỉ nhìn thấy những điều kỳ lạ. Thích các nhân vật ở tiền cảnh nổi bật lên trên hậu cảnh đầy những màu sắc, kiểu mẫu khác nhau, v.v…. Số khác lại thích một tình huống hay xúc cảm thường ngày. Số khác nữa thì thích những bức ảnh khiến người khác suy nghĩ hoặc kể lại một câu chuyện. Tôi thì lại rất thích những bức chân dung ngẫu nhiên, nhưng có người thì cho đấy hoàn toàn không phải là nhiếp ảnh đường phố. Không có quy tắc hoặc cách làm nào là đúng cả. Hãy cứ hình dung ra những gì bạn thích và tiếp tục cho đến khi bạn bắt trúng nó.​

5665717830_dfe3ea51c2_o.jpg

C. THIẾT BỊ CHỤP ẢNH ĐƯỜNG PHỐ

Đừng quá lệ thuộc vào trang thiết bị
Bạn có thể hỏi nhiều người và sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau về loại máy ảnh tốt nhất dành cho việc chụp ảnh đường phố. Bạn cũng có thể mỗi năm sắm một chiếc máy ảnh mới cũng như luôn có công nghệ nổi tiếng bảo bạn hãy mua các trang thiết bị mới. Nhưng bạn hãy nhớ lại đi, các bậc thầy về nhiếp ảnh ngày xưa làm gì có những trang thiết bị hiện đại ? Quả thực là không. Họ không có gì giống như chúng ta hôm nay. Nhưng với cái “không có gì” ấy, họ đã có những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đừng bao giờ cho rằng bạn có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn bằng những chiếc máy ảnh tốt hơn. Điều đó tuyệt nhiên chẳng có ý nghĩa gì cả.

Hãy sử dụng những công cụ đang có
Chỉ có một điều duy nhất làm nên sự khác biệt trong nhiếp ảnh đường phố là con mắt của bạn. Nếu có con mắt tinh tế, bạn sẽ nhìn thấy được những gì thích đáng. Nếu không, bạn sẽ gặp vấn đề. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng bạn hãy chỉ rèn luyện con mắt của mình để trở nên một người chụp ảnh đường phố lão luyện hơn.

Trang thiết bị tôi đang sử dụng
Hiện nay, tôi thực hiện 95% việc chụp ảnh đường phố của mình bằng chiếc Lumix nhỏ và một ống kính pancake 20mm (pancake=loại ống kính có kích thước nhỏ gọn, mỏng và đường kính lọc là 52mm). Đối với những bức chân dung vô tư ngẫu nhiên, tôi sử dụng chiếc Nikon D7000 với ống kính 50mm. Đó là tất cả những gì tôi cần. Không có nhiều trang thiết bị nhiếp ảnh khác nhau được sử dụng trên đường phố. Bạn có thể xem qua dữ liệu EXIF (viết tắt của Exchangeable Image File Format=định dạng file ảnh có thể chuyển đổi) của các bức ảnh trong tập sách này bằng cách click chuột vào đây. Tôi đã tạo liên kết từng bức ảnh với Flickr để các bạn có thể lên đó xem tất cả các chi tiết.

Càng nhỏ càng tốt
Khi chụp ảnh cho một khách hàng, bạn phải có một chiếc máy ảnh lớn thì tâm lý họ mới yên tâm hoặc thích thế, nhưng trong khi chụp ảnh đường phố, điều quan trọng hơn là phải có một chiếc máy ảnh không làm chướng mắt người khác. Điều chủ chốt là càng nhỏ càng hay. Kể từ khi bắt đầu chụp với chiếc máy của mình, tôi nhận thấy người ta thậm chí còn không nhận ra là tôi đã chụp ảnh. Như là khách du lịch, với tôi thì như vậy thật là quá tuyệt.​

"Máy ảnh tốt nhất là máy ảnh thích hợp với bạn nhất…"- Chase Jarvis

5581930231_29c6be6279_o.jpg

Càng nhanh càng tốt
Tôi thích chiếc máy ảnh khi nó xử lý đủ nhanh để bắt dính các chuyển động. Tôi phải chắc chắn là mình đã chụp được bức chụp mình muốn. Vì thế, không một rung lắc hay các vấn đề lấy nét nào được phép xảy ra. Do đó, lấy nét tự động và tốc độ chụp là hai yếu tố chủ chốt đối với một chiếc máy ảnh được nắm chắc tay trên đường phố. Thường là bạn phải nhanh nhạy và nếu bạn có thể chụp được một loạt các bức ảnh thì, ngay từ đầu, việc đó có thể giúp bạn bắt dính được khoảnh khắc quyết định.

Máy ảnh Leica thì sao?
Một số người thích loại máy ảnh Leica, loại dùng ống ngắm quang trắc. Họ cho rằng đây là loại máy ảnh duy nhất dành cho việc chụp ảnh đường phố. Lý do chính là kích cỡ của máy ảnh so với kích thước cảm biến (full frame). Dĩ nhiên là rất tốt khi chụp với máy ảnh Leica, nhưng dù sao thì bạn cũng phải có đủ tiền để mua nó đã. Tôi có thấy những bức ảnh đẹp được chụp bằng điện thoại di động và cũng thấy những bức ảnh không đẹp được chụp bằng Leica đời M9. Không phải máy ảnh chụp ra bức ảnh. Có thể ngày nào đó, tôi sẽ đưa ra một ý kiến khác về máy ảnh Leica, nhưng lúc này tôi đang thích thú chụp ảnh bằng một chiếc máy ảnh vừa với túi tiền của mình.​

5226290116_4c46f5e023_o.jpg


D. ỐNG KÍNH MỘT TIÊU CỰ (PRIME)


Ống kính prime (một tiêu cự) : nhỏ hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, sắc nét hơn, tốt hơn…
Một ống kính prime (còn được gọi là ống kính zoom (bằng) chân) là ống kính chỉ có một tiêu cự cố định (vd, 24mm, 35mm, 50mm) mà bạn không thể dùng chính nó để zoom. Bạn phải di chuyển để làm cho chủ thể cách nào đó lớn hơn hoặc nhỏ hơn trong ống ngắm. Thế thì tại sao tôi nên sử dụng ống kính prime ? Ống kính prime có nhiều ưu điểm. Đây là 5 ưu điểm hàng đầu của nó.

Nhỏ hơn
Ống kính prime có thể được sản xuất rất nhỏ. Nhiều ống kính thậm chí rất mỏng. Đặc biệt đối với chụp ảnh đường phố, loại ống kính này có thể rất dễ sử dụng khiến bạn không có vẻ gì là phóng viên ảnh. Việc chụp ảnh đường phố của bạn sẽ trở nên kín đáo hơn nhiều với chiếc ống kính prime, mà rồi bạn sẽ đánh giá nó rất cao.

Nhanh hơn
Ống kính prime thường có khẩu độ lớn (f/1.4, f/1.8...). Khẩu lớn sẽ giúp chụp ở môi trường thiếu sáng tốt hơn, ánh sáng lọt vào cảm biến nhiều hơn, có thể giữ được tốc độ màn trập đủ để không bị mờ nhoè do rung lắc hay vật chuyển động vì tốc độ trập chậm. Bạn có thể chụp với ánh sáng ít hơn và có thể có một độ sâu trường ảnh đủ mỏng khi cần hơn. Chỉ việc bảo đảm đã xác định được ống kinh prime của bạn đạt độ sắc nét nhất ở khẩu độ nào, là được. Chẳng hạn ống kính 50mm 1.8D của hãng Nikkor ít sắc nét ở f/1.8 bằng f/4. Đây là điểm quan trọng cần ghi nhớ.

Rẻ hơn
Hiện có những ống kính 50mm rất rẻ trên thị trường, và thực sự rất tuyệt vời. Ống kính prime luôn có giá dễ sắm hơn. Chúng rẻ hơn là do dễ chế tạo hơn. Tất nhiên cũng có những loại ống kính prime cao cấp rất đắt. Nhưng chẳng bao giờ ống kính zoom có thể so sánh với chúng được. Đặc biệt đối với người mới bắt đầu, ống kính prime là chọn lựa tốt hơn cả. Ấy thế mà khi mua chiếc máy ảnh đầu tiên của mình, bạn cho rằng phải zoom được càng nhiều càng tốt. Ai cũng mắc phải sai lầm như vậy khi mới bắt đầu.

Dễ sử dụng hơn
Với ống kính prime, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, khỏi phải zoom tới zoom lui. Điều này nghe có vẻ chẳng ý nghĩa gì. Song, nếu lúc nào cũng chụp với một tiêu cự không đổi, thì bạn biết được chính xác khung hình của bạn sẽ như thế nào. Do đó, bạn cũng biết một cách chính xác bạn phải đứng ở đâu để có một bức ảnh chân dung ngẫu nhiên lọt đầy vào khung hình. Có kiến thức như thế về việc lên khung thì không cần phải zoom, rõ ràng là bạn tiết kiệm được thời gian. Trong giây phút đó bạn có thể chụp được 4 bức ảnh mà có thể trở thành chủ chốt cho một bức chân dung ngẫu nhiên. Bạn có thể cho rằng như vậy thì có là gì đâu, nhưng bạn nên thử xem. Nó thực sự làm nên sự khác biệt đấy. Dần dà, bạn có tư duy bố cục nhanh nhạy và tốt hơn rất nhiều.

Sắc nét hơn
Chất lượng và độ sắc nét của ống prime luôn tốt. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một ống kính prime tồi. Ngay cả loại rất rẻ là Nikkor AF 50mm 1.8D có giá 120USD còn sắc nét hơn bất cứ loại ống kính zoom trung bình nào của hãng Nikon. Tôi dùng nó đã 2 năm và đã chụp được một số bức ảnh đẹp nhất của mình. Chỉ việc bảo đảm bạn sử dụng nó ở f/4 để đạt kết quả tốt nhất. f/1.8 không sắc nét bằng f/4.​

5881645244_81e57ec3d4_o.jpg

KẾT LUẬN

Không có gì ngoài một ống kính prime, đặc biệt là với chụp ảnh đường phố. Đối với các loại hình nhiếp ảnh khác, ống kính prime có thể không thích hợp. Tôi hoàn toàn thích hiệu suất và giá cả của ống kính prime. Với việc chụp ảnh đường phố, chúng là vô giá và thậm chí còn giúp cho trở nên một người chụp ảnh lão luyện hơn. Bạn phải cân nhắc về việc lên khung, trước khi nhìn qua ống ngắm vì không thể zoom. Với một ống kính 50mm, bạn sẽ có nhiều khám phá về việc lên bố cục và lên khung hình. Điều đó cũng thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị để có được một bức ảnh có thể trở thành chủ chốt.

Tuỳ theo không gian nơi bạn sống, hãy bắt đầu việc chụp ảnh đường phố của bạn với một ống kính một tiêu cự, 28mm, 35mm hay 50mm giá vừa phải và bạn sẽ thấy rất tốt.



26661802563_430f2eb46a_k.jpg


Thomas Leuthard
Copyright © 2011 by Thomas Leuthard
All rights reserved. No part of the contents of this book may be reproduced or transmitted in any form or by any means without the written permission of the publisher.
Published on July 26, 2011 on http://www.thomasleuthard.com/Book
Bản chia sẻ miễn phí tại: http://thomas.leuthard.photography/wp-content/uploads/2014/02/GoingCandid.pdf​
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống