Đèo Khánh Lê dài 29 km (chưa tính chân đèo) là một trong những cung đèo dài nhất nước hiện nay. Đèo Khánh Lê nằm trên Quốc lộ 27C nối TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), được xem là tuyến đường huyết mạch của 2 thành phố nổi tiếng về du lịch hiện nay.
Canh cánh nỗi lo tai nạn giao thông
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, vào lúc 15 giờ 20 phút ngày 18-7, tại km 56+200 Quốc lộ 27 qua đèo Khánh Lê, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Ôtô khách biển số 29B-405.83 chở trên xe 20 khách người Trung Quốc và 2 hướng dẫn viên người Việt Nam hướng Đà Lạt đi Nha Trang bị lật; hậu quả, làm 4 người tử vong và 9 người bị thương.
Theo quan sát của phóng viên khi khảo sát sau đó, khu vực tai nạn xảy ra khi xe đổ dốc từ đỉnh đèo Khánh Lê xuống. Từ đỉnh đèo đến khu vực xảy ra tai nạn có 3 đoạn tuyến đổ dốc liên tục mà cơ quan chức năng phải cắm biển "dốc dài nguy hiểm - đi số thấp".
Thực tế, khu đường đèo này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rất thương tâm. Cụ thể năm 2013, chiếc xe khách biển số 43S-6420, lưu thông theo hướng Đà Lạt - Nha Trang, khi đang đổ đèo thi mất thắng, đến Km 44+700, chiếc xe đã bị đâm vào vách núi. Hậu quả 7 người chết, 17 người bị thương.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa, cho biết ở vị trí tương tự trong vụ TNGT xảy ra trên đèo Khánh Lê khiến 4 người Trung Quốc chết, năm 2018 cũng xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 20 người bị thương.
Nhiều hiểm họa chực chờ
Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3, cho biết đoạn đèo Khánh Lê là huyết mạch nối 2 thành phố du lịch nên lượng phương tiện giao thông đi lại rất đông đảo, nhất là các xe đưa du khách. Do đó, tuyến đèo được nâng cấp, đầu tư rất lớn từ nâng cấp taluy, biển báo, phản quang, gương cầu lồi... nhằm khắc phục các điểm đen, bảo đảm an toàn đường bộ.
Đặc biệt, đèo Khánh Lê còn có hiểm họa chực chờ là sạt lở. Chỉ cần 1 cơn mưa lớn là sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ khi nào. Theo quan sát của phóng viên, cứ khoảng 3-5 km trên cung đèo này có một điểm sạt lở. So với trước đây, cứ 400-500m có một điểm sạt lở thì tình trạng này đã được khắc phục 1 phần. Tuy nhiên, rất nhiều điểm sạt lở nặng, dù đã khắc phục nhưng liên tục bị "phá".
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống