Ấn Độ cảnh báo cấm xe xăng, dầu có thể gây rối loạn kinh tế

 

Chính phủ Ấn Độ kiên quyết phản đối đề xuất cấm xe chạy xăng và dầu tại Mumbai, cảnh báo rằng bước đi này có thể gây tổn thất lớn cho nền kinh tế. Động thái xuất hiện trong bối cảnh áp lực giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm tại Mumbai đang gia tăng, khi ngành giao thông chiếm gần 30% lượng phát thải bụi của thành phố.

Vào tháng 1, tòa án tối cao Bombay chỉ đạo chính quyền bang Maharashtra xem xét chuyển đổi hoàn toàn từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các loại xe chạy CNG và điện trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, phản hồi từ chính quyền bang vào tháng 4 cho thấy một bức tranh đáng lo ngại.

Các quan chức cho biết sự chuyển đổi đột ngột sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều lao động mất việc và làm tê liệt hoạt động thương mại chỉ trong một đêm. Hơn 60% trong số 4,5 triệu xe đăng ký tại Mumbai vẫn chạy bằng xăng hoặc dầu, trong đó gần 90% là phương tiện vận tải thương mại của thành phố. Việc loại bỏ chúng khỏi đường phố có thể làm đình trệ các cảng, chợ và nền kinh tế chia sẻ của Mumbai.

Hơn một nửa trong số 4,5 triệu xe đăng ký ở Mumbai chạy xăng hoặc dầu. Ảnh: Oneindia

Hơn một nửa trong số 4,5 triệu xe đăng ký ở Mumbai chạy xăng hoặc dầu. Ảnh: Oneindia

Nền kinh tế Mumbai có liên kết chặt chẽ với các bang lân cận. Xe tải chạy dầu từ Gujarat và Karnataka vận chuyển gần 80% lượng thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng của thành phố. Bất kỳ hạn chế đột ngột nào đối với việc nhập cảnh có thể khiến giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp nhỏ. Các đại lý ôtô cũng đang lên tiếng cảnh báo về khả năng sa thải hàng loạt. Riêng ngành công nghiệp ôtô của Maharashtra đang trực tiếp sử dụng hơn 1,2 triệu người.

Kinh nghiệm từ Delhi cho thấy đây không phải lần đầu tiên một thành phố ở Ấn Độ gặp khó khăn khi chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Delhi đã áp dụng lệnh cấm xe dầu trên 10 năm tuổi vào năm 2015, khiến hơn 50.000 chủ xe rơi vào tình trạng khó khăn vì giá trị xe giảm nhanh chóng mà không có nhiều lựa chọn thay thế. Chính sách này cũng bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng trong cơ sở hạ tầng xử lý xe phế liệu. Mumbai có nguy cơ lặp lại tình huống này khi hiện tại chỉ có 12 trạm CNG - quá ít để đáp ứng nhu cầu tiềm năng. Trong khi đó, các trạm sạc điện chỉ giới hạn ở một vài khu vực dân cư giàu có.

Tín hiệu không rõ ràng từ chính phủ càng làm tăng thêm sự bất định. Trong khi Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkari công khai kêu gọi các hãng xe "nói lời tạm biệt với diesel", Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa đưa ra thời hạn hay chính sách rõ ràng nào. Các nhà sản xuất ôtô cho biết sự thiếu rõ ràng khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn. Maruti Suzuki đã dừng kế hoạch xây dựng nhà máy động cơ diesel mới mặc dù hơn 20% doanh số của hãng vẫn đến từ các dòng xe máy dầu.

Đối với nhiều cư dân Mumbai, những tác động này mang tính cá nhân và tốn kém."Tôi đã mua một chiếc SUV chạy diesel với giá 1,8 triệu rupee (21.000 USD) vào năm ngoái", Karan Mehta, cư dân Andheri, vùng ngoại ô phía tây Mumbai, cho biết. "Bây giờ tôi phải đối mặt với khoản lỗ 50% khi bán lại nếu lệnh cấm được thông qua. Và không có sự hỗ trợ nào cho việc chuyển sang xe điện".

Khu vực kinh tế phi chính thức phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn hơn nữa. Hơn 150.000 nhân viên giao hàng ở Mumbai dựa vào xe hai bánh chạy xăng giá cả phải chăng, kiếm được 500-800 rupee (5,8-9,4 USD) một ngày. Nâng cấp lên xe điện có nghĩa tăng gấp đôi các khoản trả góp hàng tháng cho khoản vay. "Một nửa thu nhập của tôi sẽ được dùng để trả nợ", đối tác giao hàng của Zomato, Ramesh Yadav, cho biết. "Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại làng của mình".

Ủy ban chuyên gia do tòa án chỉ định dự kiến đệ trình kết quả vào tháng 6. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy hội đồng đang nghiêng về phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn thay vì lệnh cấm hoàn toàn. Các khuyến nghị có khả năng bao gồm: hạn chế ngay lập tức đối với xe thương mại chạy diesel đã 15 năm tuổi, bắt buộc sử dụng xe chạy CNG và xe điện đối với các phương tiện giao thông công cộng như taxi và xe buýt vào năm 2027, khuyến khích dần dần để giúp chủ sở hữu xe tư nhân chuyển đổi.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng các biện pháp như vậy là quá chậm, chỉ ra động thái mạnh mẽ hơn của Kolkata (bang West Bengal) đã giúp giảm mức PM2.5 xuống 22% sau khi thay thế một nửa số xe buýt chạy diesel. Nhưng những thách thức của Mumbai thì khác. Gần 43% đường sá của thành phố quá hẹp đối với xe buýt điện và nhiều điểm sạc xe điện dễ bị ngập lụt trong mùa mưa.

Khi tòa án Bombay tiếp tục cân nhắc các lựa chọn, thì trọng tâm đang tập trung vào việc liệu Mumbai có thể thực hiện một lộ trình cân bằng - lộ trình cải thiện chất lượng không khí mà không làm tê liệt nền kinh tế của thành phố. Quá trình chuyển đổi của riêng Delhi đã kích hoạt gói ưu đãi xe điện vào năm 2023. Mumbai có thể cần các giải pháp táo bạo và sáng tạo tương tự để đạt được tương lai sạch hơn mà không bỏ lại hàng triệu người phía sau.

Mỹ Anh (theo Cartoq)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống