Mục tiêu này sẽ đưa BYD thành đối thủ cạnh tranh với các hãng ôtô lớn nhất thế giới, theo nguồn tin của Reuters. Sự tăng trưởng được thúc đẩy nhờ việc mở rộng tại châu Âu và Mỹ Latinh.
Các giám đốc của BYD trình bày mục tiêu năm 2030 với các nhà đầu tư theo từng nhóm nhỏ từ cuối 2024, nhấn mạnh rằng sự mở rộng tại châu Âu rất quan trọng.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh, đây vẫn là một thách thức lớn đối với BYD. Thị trường Trung Quốc chiếm tỷ lệ 9 trong mỗi 10 xe trong tổng số 4,27 triệu xe mà BYD bán ra trong 2024.
Sự tự tin của BYD xuất phát từ mức tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc trong 5 năm qua nhờ vào các dòng xe điện và hybrid giá rẻ. Hãng tin rằng "họ có sản phẩm phù hợp để lặp lại thành công ở thị trường nước ngoài", theo một nguồn tin.

Một mẫu xe của BYD tại Pháp. Ảnh: BYD Electrik
Việc đạt được mục tiêu tham vọng sẽ đưa BYD lên hàng ngũ các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới về doanh số, gia nhập cùng những gã khổng lồ đa quốc gia như Toyota và Volkswagen. Năm ngoái, BYD đã vượt qua Volkswagen để trở thành hãng ôtô bán chạy nhất Trung Quốc, thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Tham vọng của BYD có thể sẽ khiến đối thủ cạnh tranh phải lo lắng, khi hãng này đã bán được 1,79 triệu xe thuần điện vào năm 2024.
BYD và các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc khác đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc bằng cách khai thác chuỗi cung ứng rẻ hơn để tung ra hàng loạt xe điện và hybrid công nghệ cao, qua đó đánh bại các thương hiệu nước ngoài từng thống trị. Hiện nay, nhiều đối thủ đang thua các thương hiệu Trung Quốc tại Trung Quốc còn phải ngăn chặn sự xâm nhập của các thương hiệu này vào châu Âu, Mỹ Latinh và những nơi khác.
Tại một hội nghị các nhà đầu tư vào tháng 2, CEO của Ford, Jim Farley gọi BYD là mối đe dọa hàng đầu trong "cuộc đua toàn cầu" nhằm phát triển các loại xe điện có lợi nhuận. "Chúng tôi phải cạnh tranh và giành chiến thắng trước BYD", Farley nói.
Các chính phủ nước ngoài cũng có những bước đi nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ôtô trong nước khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tu Le, người sáng lập công ty tư vấn Sino Auto Insights, cho biết để đạt được mục tiêu mở rộng toàn cầu, BYD phải thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường lớn bao gồm Đức, Nhật Bản và Ấn Độ.
Ước tính tăng trưởng doanh số toàn cầu của BYD sẽ chậm lại, chỉ đạt 5 triệu chiếc trong năm nay, trong đó khoảng 80% đến từ Trung Quốc.
Không giống Tesla chỉ tập trung vào xe điện, BYD có danh mục sản phẩm phong phú gồm cả xe điện và xe hybrid sạc điện. Dự kiến năm nay hãng này sẽ vượt qua Tesla để trở thành hãng bán chạy nhất thế giới về xe điện.
Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài ban đầu của BYD cũng gặp nhiều khó khăn. Tháng trước, BYD đã tiến hành cải tổ hoạt động tại châu Âu sau những sai lầm về chiến lược.
Theo công ty nghiên cứu Rho Motion, doanh số của BYD tại châu Âu tăng gấp 4 lần trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm 2024, lên 37.201 xe, giúp hãng chiếm 4,1% thị phần xe điện của châu lục này.
Sự tăng trưởng toàn cầu của BYD được hỗ trợ bởi làn sóng xây dựng mới. Hãng đặt mục tiêu mở một nhà máy ở Hungary trong năm nay, tiếp theo là một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm sau và dự kiến sớm chọn được địa điểm cho nhà máy thứ ba ở châu Âu. Năm 2024, BYD mở một nhà máy lắp ráp ôtô tại Thái Lan. Một nhà máy khác đang được xây dựng tại Brazil.
Bill Russo, CEO của công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, so sánh sự tiến bộ của BYD trong lĩnh vực xe điện với vai trò quan trọng của Ford cách đây một thế kỷ.
Ông nói chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc là "Henry Ford của thế kỷ 21".
Russo cho biết BYD có thể sẽ đạt được mục tiêu bán một nửa số xe của mình ra nước ngoài, nơi hãng này phải đối mặt với ít sự cạnh tranh hơn.
Russo nói thêm: "Vấn đề lớn nhất của họ là sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở trong nước".
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống