Khác với những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay đường đô thị; đường cao tốc nhiều khác biệt về thiết kế, vận hành; đồng thời cũng có những quy định riêng đòi hỏi tài xế phải thực hiện để đảm bảo an toàn khi lưu thông. Mặc dù vậy, trên thực tế hiện nay tại Việt Nam, không ít người khi lái xe trên cao tốc vẫn chưa nắm vững hoặc cố tình không tuân thủ các quy định. Đáng chú ý, những hành vi lái xe đi sai luật không chỉ gây bức xúc dư luận, mà nhiều trường hợp còn gây nguy hiểm cho các phương tiện khác cùng lưu thông.
Dưới đây là 4 lỗi nguy hiểm mà các tài xế Việt thường xuyên mắc phải trên cao tốc cùng mức phạt.
Không giữ khoảng cách an toàn
Thời gian gần đây, các tuyến cao tốc trên cả nước liên tục xảy ra những vụ tai nạn liên hoàn, khi các xe nối đuôi nhau va chạm kiểu "dồn toa". Nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn này là do các tài xế không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn. Do đó, khi xe phía trước gặp sự cố bất ngờ phanh gấp, tầm quan sát bị hạn chế, các xe phía sau không đủ thời gian và khoảng cách để xử lý tình huống.
Liên quan đến khoảng cách an toàn khi lái xe ô tô, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ ràng và chi tiết. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe như sau: Xe ô tô di chuyển với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 60 - 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 80 - 100 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70 mét. Xe ô tô di chuyển với tốc độ từ trên 100 - 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100 mét.
Về mức xử phạt đối với hành vi không giữ khoảng cách an toàn, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu "Cự ly tối thiểu giữa hai xe".
- Phạt tiền 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây ra tai nạn giao thông.
- Phạt tiền 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Chạy vào làn dừng khẩn cấp
Theo quy định, làn dừng khẩn cấp trên cao tốc là làn đường cho phép các phương tiện thuộc diện ưu tiên như xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự,… đang làm nhiệm vụ được phép lưu thông.
Ngoài ra, chỉ các phương tiện gặp sự cố trên cao tốc mới được dừng tạm trên làn đường này. Tuy nhiên, có một thực trạng diễn ra thường xuyên hiện nay trên các tuyến cao tốc tại Việt Nam là rất nhiều tài xế cố tình xem thường luật, lái ô tô chạy trên làn dừng khẩn cấp; nhất là tại các khu vực thường xuyên ùn ứ, kẹt xe.
Về mức phạt với lỗi này, Điểm g Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:
Người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4 - 6 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Chạy chậm, dưới tốc độ tối thiểu
Các đường cao tốc hiện nay đều quy định tốc độ tối thiểu và tối đa tùy từng đoạn hoặc toàn tuyến. Trong đó, đa số đều quy định tốc độ tối thiểu 60 km/giờ và tốc độ tối đa từ 80 - 120 km/giờ. Đáng chú ý, mặc dù giới hạn tốc độ trên các tuyến cao tốc đã được quy định rõ, tuy nhiên nhiều tài xế khi lái xe trên cao tốc hiện nay vẫn lái xe chạy khá chậm, thậm chí thấp hơn mức tốc độ tối thiểu được quy định.
Điều này gây cản trở, khó khăn cho các phương tiện cùng lưu thông muốn vượt lên và rất dễ dẫn đến tai nạn. Do đó, để đảm bảo an toàn khi lái xe trên cao tốc, nếu đi chậm nên cho xe lưu thông ở mức tốc độ tối thiểu được quy định và về bên phải phần đường xe chạy để không làm cản trở các phương tiện khác.
Về mức phạt với hành vi lái xe ô tô chạy chậm, dưới tốc độ tối thiểu trên cao tốc; theo quy định hiện hành tại Việt Nam, tài xế sẽ bị phạt trong hai trường hợp: không nhường đường cho xe phía sau xin vượt, và chạy tốc độ thấp hơn phương tiện đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định).
Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe có hành vi điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Trong khi, với hành vi điều khiển ô tô chạy tốc độ thấp hơn phương tiện cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, tài xế bị phạt tiền 400.000 - 600.000 đồng.
Lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc
Lùi xe, quay đầu đi ngược chiều trên cao tốc nghe thôi đã thấy mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua trên cao tốc có không ít tài xế Việt đã mắc phải lỗi này. Do không chú ý quan sát, dẫn đến việc vượt qua các lối ra đường cao tốc, thay vì lựa chọn đi tiếp đến lối ra tiếp theo thì nhiều người lại cố tình quay đầu để đi ngược chiều hoặc đi lùi trên cao tốc. Đây là hành động cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng.
Về mức xử phạt với hành vi lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc, Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Ngoài ra, người lái xe vi phạm lỗi này cũng bị tước Giấy phép lái xe từ 5 - 7 tháng.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống