Camera giám sát bắt trọn cảnh xe đạp điện nổ tung khi sạc, mất 30 phút để dập

 

Điện hóa phương tiện giao thông là một ý tưởng tuyệt vời để giảm khí thải nhà kính. Tuy nhiên, những phương tiện này lại có những điểm yếu mà ta khó thấy trên một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Một trong những nhược điểm đáng chú ý nhất chính là bộ pin có nguy cơ cháy nổ và rất khó để dập. Đáng chú ý là với xe chạy điện, chiếc xe nào cũng phải mang theo một bộ pin như vậy.

Gần đây, sở cảnh sát cứu hỏa ở vùng West Midlands, Anh đã đăng tải một video trên trang Twitter của họ về một chiếc xe đạp điện phát nổ khi đang sạc. Cụ thể, video cho thấy một chiếc xe đạp điện đang sạc trong nhà, không lâu sau khi có người thực hiện thao tác giống như cắm sạc cho xe thì chiếc xe đạp điện bắt đầu nổ mạnh, khiến cả căn phòng bao trùm trong khói đen và tia lửa từ bộ pin.

Theo BBC đưa tin, sở cứu hỏa vùng West Midlands chính là đơn vị tới hiện trường xử lý đám cháy, họ đã mất khoảng 30 phút để dập tắt hoàn toàn ngọt lửa. Sở cứu hỏa cũng đưa ra một số mẹo để đảm bảo an toàn khi sạc xe đạp điện, trong số đó có lưu ý ngừng sạc khi đã sạc đầy. 

Điều này là có cơ sở, bởi pin liti-ion có thể xảy ra tình trạng quá nhiệt, dẫn đến cháy nổ. Cụ thể hơn, khi pin hoạt động, dù ở quá trình sạc hay xả thì đều sinh ra nhiệt. Nếu như ở điều kiện lý tưởng, nhiệt sẽ thoát và phân tán ra khỏi pin thì khi xảy ra quá nhiệt, pin tạo ra lượng nhiệt lớn hơn rất nhiều lần lượng nhiệt có thể phân tán, vì thế mới có tên gọi quá nhiệt. Về con số cụ thể, khi nhiệt tăng lớn hơn 20 độ C mỗi phút thì pin được coi rơi vào trạng thái quá nhiệt.

Ở trạng thái quá nhiệt, pin có thể rất nóng, xì khói, bốc hỏa, hoặc thậm chí phát nổ và bắn ra các mảnh vỏ gây nguy hiểm tới những người xung quanh. 

Trên thực tế, pin xe điện còn có một nút thắt mà giới chuyên môn cũng đang đau đầu giải quyết. Một bài viết của Reuters cách đây chưa lâu phản ánh một thực trạng rằng các nhà sản xuất ô tô điện không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu pin cho các bên thứ 3. Điều này khiến cho những chiếc ô tô điện khi gặp tai nạn và ảnh hưởng tới bộ pin, sẽ gần như không có cách nào để sửa chữa hoặc thay thế phần bị hỏng, dẫn tới việc đưa cả chiếc xe và bộ pin tới bãi rác. Vì những chiếc xe và pin này đã bị tác động nên nguy cơ cháy nổ là rất cao.

Ngoài việc không thể tiếp cận dữ liệu pin, kiểu tích hợp pin trên ô tô điện cũng khiến việc sửa chữa gặp khó khăn. Trường hợp tiêu biểu chính là mẫu Tesla Model Y với thiết kế pin liền khung (cell-to-chassis), tức là các viên pin sẽ dán thẳng vào khung gầm xe thay vì gắn theo mô đun hay gắn vào một pack riêng lẻ. Vì pin dính với khung gầm nên khi bị tác động thì sẽ rất khó để sửa hay phục hồi về trạng thái ban đầu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống