Những nỗ lực rất lớn trong thúc đẩy quyền con người
Trả lời câu hỏi ngày 11-4 về phản ứng của Việt Nam đối với nội dung báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ: “Chúng tôi rất thất vọng trước việc mặc dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện với các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Việt Nam là một trong những quốc gia liên tục tăng bậc về xếp hạng hạnh phúc |
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển của tổ chức này đã nhất trí.
Cơ chế rà soát/kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra năm 2006. Đó là quá trình đánh giá tình hình nhân quyền của tất cả các thành viên Liên hợp quốc, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Trong quá trình kiểm điểm định kỳ, các quốc gia thông báo về việc mình đang tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và cải thiện tình hình nhân quyền ở đất nước mình như thế nào. Thông qua cơ chế kiểm điểm định kỳ, các quốc gia được nhắc nhở về các nghĩa vụ và trách nhiệm về quyền con người của mình. Các yêu cầu đặt ra với cơ chế này là quá trình triển khai phải đảm bảo khách quan, cân bằng, phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình cũng như nỗ lực của quốc gia tham gia cơ chế. Kết quả đó phải được phản ánh chính xác trong các báo cáo nhân quyền.
Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ 3 năm 2019, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.
Những nỗ lực, cam kết và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 đã được chấp thuận. Tại Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ 4 do Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hồi tháng 11-2023, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, tới thời điểm đó, Việt Nam đã thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần.
Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới với nhiều thách nổi lên như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực, xung đột vũ trang ảnh hưởng lâu dài về mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đẩy lùi quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia và đặt ra những trở ngại chưa từng có đối với việc đảm bảo các quyền con người cơ bản. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã hết sức nỗ lực triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ 3 được chấp thuận, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Không thể phủ nhận thành tựu quyền con người của Việt Nam
Soi rọi vào những nỗ lực liên tục cùng thành tựu đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam càng thấy báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo UPR chu kỳ 4 đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc đã nhất trí. Một trong những minh chứng rõ nhất là việc Việt Nam được các thành viên Liên hợp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu rất cao. Đó chính là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực và thành tựu bảo vệ, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam.
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 vừa qua, Việt Nam đã có những đóng góp và sáng kiến trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền tại cả 3 khóa họp thường kỳ lần thứ 52, 53 và 54. Trong đó nổi bật là việc Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại cả 3 Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế.
Cùng với việc tích cực và có những đóng góp hiệu quả trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam trong năm qua cũng đã nỗ lực và đạt được thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5% - mức tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hàng năm khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, công bằng và tiến bộ xã hội. Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng đất nước. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS… luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong gần 30 năm qua, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng HDI cao nhất trên thế giới. Nhìn vào các tiêu chí quan trọng để xác định chỉ số HDI là tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ… để thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 công bố tháng 3 vừa qua, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023. Tại châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6, sau Sinagpore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.
Có thể khẳng định những nỗ lực và thành tựu thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam là thực tế hiển nhiên, không ai có thể hạ thấp hoặc phủ nhận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống